Ngày 29/8, UBND tỉnh có Văn bản khẩn số 4793/UBND-NLN gửi các sở, ngành, địa phương về tăng cường quản lý đàn chó và đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại.
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh dại trên địa bàn cả nước diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 196 ổ dịch bệnh dại động vật tại 35 tỉnh, thành phố và 65 người tử vong vì bệnh dại (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay có 3 trường hợp động vật mắc bệnh dại, đặc biệt có 1 người tử vong do bệnh dại; hiện tượng chó thả rông, không đeo rọ mõm, chó nuôi chưa được kê khai theo quy định của Luật Chăn nuôi còn phổ biến.
Để chủ động thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật, quản lý đàn chó, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại; giảm thiểu nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số người tử vong do bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch, văn bản về phòng, chống bệnh dại của tỉnh đã ban hành.
Theo đó, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi (nuôi 1 con chó, mèo cũng phải kê khai chăn nuôi); xây dựng quy chế nuôi và quản lý đàn chó; lập sổ theo dõi và cập nhật thông tin, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, số chó nuôi; tổ chức rà soát, tiêm phòng đảm bảo đạt tỷ lệ 100% tổng số chó trong diện tiêm phải tiêm phòng vắc-xin dại. Báo cáo kết quả thống kê, tiêm phòng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/10/2024 (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Cơ quan chuyên môn cấp huyện, đơn vị liên quan và UBND cấp xã thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý đàn chó; thành lập, duy trì và có cơ chế hỗ trợ cho các đội chuyên trách để bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm vắc-xin, động vật nghi mắc bệnh dại. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó. Hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc-xin và phòng, chống bệnh dại.
Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa phương, nhất là công tác tiêm phòng vắc-xin và quản lý đàn chó nuôi. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền cơ sở còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt thấp, để bệnh dại xảy ra trên người.
Tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình bệnh dại, nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền, vận động đảm bảo 100% trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều được điều trị dự phòng theo quy định của ngành y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống bệnh dại động vật đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, hóa chất đáp ứng nhu cầu phòng, chống bệnh dại động vật; quản lý việc cấp phát, sử dụng vắc-xin, hóa chất đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn; phối hợp với cơ quan y tế dự phòng tăng cường giám sát bệnh dại; tổ chức kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại cho người; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện các hoạt động tiêm phòng bệnh dại và điều trị dự phòng bệnh dại trên người, nhất là đối tượng người nghèo, người yếu thế; đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại, xử lý ngay vết thương khi bị chó, mèo cắn, cào…