Những nhân vật được cho là có tầm ảnh hưởng đến bức tranh chung của thị trường bất động sản trong năm 2018 đều là những gương mặt doanh nhân quen thuộc; những chuyên gia gắn liền với chính sách phát triển của thị trường địa ốc. Dấu ấn cá nhân của họ đã góp phần định hình bức tranh của BĐS trong những năm tiếp theo…
Tóm tắt tiêu chí:
– Năm 2018 được xem là năm “trồi sụt” của thị trường BĐS với sự biến động rõ nét cả nguồn cung lẫn giao dịch. Tuy vậy, các Tập đoàn lớn với những ông chủ quen thuộc trong giới địa ốc vẫn dẫn dắt doanh nghiệp của mình vượt chỉ tiêu doanh số đề ra, đặc biệt ghi dấu ấn với hàng loạt dự án lớn có thương hiệu trên thị trường.
– Doanh nhân địa ốc sở hữu khối tài sản lớn trên thị trường địa ốc và gầy dựng được thương hiệu doanh nghiệp thông qua các dự án đã triển khai trên thị trường từ trước đến nay.
– Gương mặt thuộc cơ quản lý nhà nước với những chính sách gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững cũng mang đến tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với BĐS năm 2018.
Ông Phạm Nhật Vượng – Tập đoàn Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Hiện tập đoàn này đang là nhà phát triển dự án BĐS hàng đầu Việt Nam, tổng doanh thu tính đến tháng 9/2018 là của Vingroup đạt 268.230 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 98.110 tỷ đồng, tăng lần lượt 25,5% và 86,7% so với cuối năm 2017.
Riêng lĩnh vực BĐS, doanh thu chuyển nhượng cho giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018 đạt 57.021 tỷ đồng, tăng 18.948 tỷ đồng tương đương với tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Golden River, Vinhomes The Harmony, Vinhomes Central Park và Vinhomes Green Bay.
Đây cũng là năm ông chủ Vingroup gây dấu ấn trên thị trường địa ốc với sự kiện khánh thành tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark – niềm tự hào của dân tộc Việt và khai trương nhà mẫu dự án Vincity Ocean Park (Hà Nội) và giới thiệu dự án Vincity Q.9 – “đốt nóng” thị trường địa ốc 2 miền Nam – Bắc.
Ông Bùi Thành Nhơn – Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (NVL)
Ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Nova được biết đến là ông chủ sở hữu rất nhiều dự án BĐS rải khắp Tp.HCM. Đây là gương mặt đại diện cho doanh nghiệp BĐS thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn trước bối cảnh thị trường BĐS biến động trong năm 2018.
Mở rộng quỹ đất thông qua các hoạt động M&A tiếp tục được Novaland đẩy mạnh với hàng nghìn tỷ đồng rót vào các công ty con sau nửa đầu năm 2018.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ của công ty Novaland đã chi tổng cộng 6.421 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các công ty khác trong 6 tháng năm 2018, tăng 70% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch năm 2018, Novaland dự kiến đạt 21.780 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 87% và 55% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, đây cũng là năm doanh nghiệp này mạnh tay lấn sân sang lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Lương Trí Thìn – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG)
Ông Lương Trí Thìn hiện đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh. Được đánh giá là nhân vật nhạy bén với thị trường BĐS và tài chính, ông chủ của DXG là người ảnh hưởng đối với các hoạt động giao dịch trên thị trường, đồng thời sở hữu nhiều dự án trải dài trên cả nước.
Năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất dự kiến toàn Tập đoàn ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng gấp 153% so với 2017. Riêng quý 4/2018, DXG đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, gấp 137% so với cùng kỳ.
Năm qua, hệ thống dịch vụ của Đất Xanh đã giao dịch thành công khoảng 18.000 sản phẩmtrên cả nước, thu về hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 187% so với năm 2017. Với khả năng “phủ” tốt trong hoạt động phân phối BĐS, năm 2019, công ty này đang hướng tới 30.000 giao dịch thành công.
Hoạt động đầu tư của Đất Xanh được đánh giá thành công với việc bàn giao và ghi nhận các dự án như Opal Riverside (Thủ Đức), LuxGarden (Quận 7), Lux city officetel (Quận 7)… đã mang về cho DXG hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 140% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019, DXG tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh thông qua việc giới thiệu ra thị trường 5 – 6 dự án căn hộ phù hợp trong phân khúc B, C tại các Q.7, Q.Thủ Đức, Q.2, Q.9 thuộc khu vực TP.HCM cùng hàng loạt sản phẩm đất nền, shophouse tại các tỉnh thành, thành phố như Quảng Ninh, Phan Thiết, Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Cần Thơ.
Ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT Hung Thinh Corporation
Ông Nguyễn Đình Trung, người sáng lập Tập đoàn Hung Thinh Corporation (sinh năm 1972) tại Bình Định. Ông chủ doanh nghiệp này được đánh giá là người có ảnh hưởng mạnh trên thị trường địa ốc Tp.HCM khi liên tục có quỹ đất và dự án triển khai đa dạng phân khúc trên thị trường trước bối cảnh quỹ đất nhìn chung khan hiếm.
Từ một sàn giao dịch, hiện Hung Thinh Corporation có 29 công ty thành viên, 11 Văn phòng đại diện và hệ thống các Sàn giao dịch, 2.500 nhân sự và hiện có 50 dự án lớn được triển khai trên thị trường.
Bên cạnh hàng loạt dự án căn hộ tầm trung trên thị trường, những năm gần đây doanh nghiệp này từng bước thực hiện mở rộng thị phần sang phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng với các dự án chiến lược. Trong đó, phải kể đến Mystery Villas, Cam Ranh Mystery Villas, Khu đô thị Golden Bay 602 (Cam Ranh, Khánh Hoà), Khu biệt thự Saigon Mystery Villas (Q.2, Tp.HCM), Sentosa Villa (giai đoạn 2 tại TP.Phan Thiết, T.Bình Thuận), Khu đô thị Bien Hoa New City (TP.Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai), Khu đô thị kiểu mẫu Ba Ria City Gate (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Trịnh Văn Quyết – Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, vốn là một luật sư đã rẽ ngang sang lĩnh vực BĐS vào 2008 với việc thành lập FLC Group.
Ở vực BĐS, ông Quyết được nhắc nhiều trong năm 2018 khi liên tiếp thâu tóm hàng loạt dự án lớn trên thị trường nghỉ dưỡng.
Phải kể tên một số dự án BĐS nổi bật của FLC như: khu resort cao cấp Vĩnh Thịnh tại Vĩnh Phúc, đại dự án phức hợp gồm sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links (Sầm Sơn, Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng. Ngoài ra FLC còn đầu tư quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn nằm trên diện tích gần 1.300 ha.
Bà Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát được xem là một doanh nhân có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường BĐS mặc dù khá kín tiếng trước truyền thông.
Bà chủ của doanh nghiệp này sở hữu hoặc có liên quan đến các dự án đình đám, tọa lạc ở những khu đất vàng hoặc có quy mô lớn như: Time Square, khu đất tứ giác vàng mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ – đường Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế, Union Square, Saigon Peninsula.
Năm 2018 ghi dấu ấn khi thông tin vị chủ tịch của Vạn Thịnh Phát đang mua lại nhiều dự án lớn ở Tp.HCM như dự án Thuận Kiều Plaza sửa chữa và đổi tên thành The Garden Mall hay đáng chú ý là dự án Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai.
Ông Lê Thanh Thản – Tập đoàn Mường Thanh
Được mệnh danh là “ông trùm” nhà giá rẻ, ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh.
Năm 2018 ghi dấu ấn với nhân vật này trên thị trường BĐS khi công bố tung 1.200 căn hộ chung cư tại dự án Thanh Hà (Hà Nội) với mức giá trên dưới 500 triệu đồng/căn. Đây được coi là mức giá rẻ nhất tại thị trường căn hộ chung cư hiện nay khiến thị trường BĐS khu vực một phen xôn xao.
Trước đó hồi đầu năm 2018, đại gia Lê Thanh Thản cũng đã từng gây sốc trên thị trường khi tuyên bố thông tin đang xin làm nhà ở xã hội giá 6 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hoàng Châu – Hiệp hội BĐS Tp.HCM
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch hiệp hội BĐS Tp.HCM được xem là chuyên gia có sức ảnh hưởng đến thị trường BĐS Tp.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Nhân vật này liên tục có những đề xuất “táo bạo”, những kiến nghị Thủ tưởng chính phủ điều chỉnh những vướng mắc cho thị trường BĐS phát triển bền vững, minh bạch.
Chẳng hạn, đề xuất những giải pháp tháo gỡ tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp; chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp BĐS; đề xuất nguồn vốn mới thực hiện nhà ở xã hội; cải cách hành chính; tạo quỹ đầu tư BĐS…
Những kiến nghị liên tục của vị Chủ tịch này một số đã được phía cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và một số điểm nghẽn đã cơ bản được giải quyết trong năm 2018.