Một bệnh nhân 70 tuổi mắc bệnh mạch vành trên nền bệnh lý cao huyết áp, đái tháo đường đã được các bác sĩ can thiệp mạch thành công.
Không can thiệp bệnh nhân có thể tử vong
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.B (70 tuổi, ngụ Nha Trang, Khánh Hòa) có tiền sử cao huyết áp và đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân B thường có những cơn đau ngực trái khi gắng sức, mỗi cơn kéo dài khoảng 10 phút, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi nên đã tới bệnh viện gần nhà khám.
Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM để khám chuyên sâu hơn. Tại đây, kết quả chụp mạch vành và siêu âm nội mạch cho thấy một nhánh động mạch liên thất trước bị hẹp khoảng 60%.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM đã tiến hành thêm đo phân suất dự trữ vành cho người bệnh. Kết quả cho thấy chỉ số FFR của người bệnh là 0.72 (dưới ngưỡng 0.75), bệnh nhân dược chẩn đoán có tình trạng thiếu máu cơ tim. Sau đó, bệnh nhân B đã được can thiệp nong mạch và đặt stent cho bác B.
Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM, ảnh BVVCC.
Với trường hợp bệnh nhân B, nếu như không có kỹ thuật đo phân suất dự trữ vành (FFR) trong chẩn đoán – đánh giá bệnh động mạch vành người bệnh có thể không được điều trị tình trạng thiếu máu cơ tim.
Tình trạng này của bệnh nhân, nếu để lâu ngày sẽ dần đến suy tim và tử vong. Do động mạch vành là mạch máu nuôi tim, nếu mạch vành bị hẹp ở một mức độ nhất định sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim.
Sau cuộc can thiệp, người bệnh hoàn toàn hết đau ngực và trở lại sinh hoạt bình thường.
Không phải đặt sent nếu chưa cần thiết
Theo Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD, đo FFR là kỹ thuật tiên tiến tạo ra cơ sở cụ thể, rõ ràng và chính xác giúp bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch hay nội khoa cho bệnh nhân. Đặc biệt, là đối với người bệnh có hình ảnh chụp mạch vành có mức độ hẹp từ 50 – 70%.
Mạch máu bị hẹp dưới 50% là hẹp nhẹ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc. Mạch bị hẹp trên 70% là hẹp nặng và chắc chắn gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim, người bệnh cần thiết được can thiệp nong mạch trong trường hợp này.
Kỹ thuật FFR để tính chính xác lưu lượng, áp lực máu sau chỗ hẹp, từ đó biết được tình trạng hẹp mạch này có gây thiếu máu nuôi cơ tim sau chỗ hẹp hay không.
Nếu chỗ hẹp mạch gây ra thiếu máu đáng kể, người bệnh sẽ được chỉ định can thiệp nong mạch. Nếu chỗ hẹp không gây ra thiếu máu, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc mà không cần thực hiện thủ thuật.
Kỹ thuật FFR là một kỹ thuật tiên tiến, được tiến hành nhanh chóng, cùng lúc khi thực hiện kỹ thuật DSA nên tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh do tránh được việc đặt stent không cần thiết.
Ngoài ra, Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch và khoan cắt mảng xơ vữa bằng dụng cụ hứa hẹn mang tới nhiều tương lai tươi sáng cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
Theo PGS TS BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV ĐHYD, Giám đốc Trung tâm tim mạch,mới đấy, Trung tâm đã việc nhận được chứng nhận “Trung tâm Xuất sắc” về kỹ thuật Đo phân suất dự trữ vành (FFR) từ Viện nghiên cứu Crossroads; siêu âm trong lòng mạch và khoan cắt mảng xơ vữa bằng dụng cụ (ROVUS) từ Viện nghiên cứu Boston Scientific.
Với những chứng nhận này sẽ tiếp tục giúp Trung tâm hoàn thiện và phát huy năng lực nghiên cứu, đào tạo, trở thành trung tâm huấn luyện uy tín, chất lượng cho các bác sĩ tim mạch trong nước và khu vực. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân tim mạch được can thiệp tim mà không cần phải mổ như trước đây.
Cácc chuyên gia cũng cho biết thêm, bệnh lý tim mạch của Việt Nam ngày càng tăng do hệ quả của thói quen lối sống hiện đại. Người dân cần phải vệ trái tim mình bằng cách có một lối sống lành mạnh, thể thao đều đặt và đi khám sức khỏe định kỳ.