Ảnh minh họa: AFP
Nếu tận dụng tốt các thuận lợi và giải quyết được những khó khăn, Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới.
Tình hình lạc quan
Nhiều tin tốt lành đang tới với Việt Nam. Tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu cho thấy nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng gần 70% trong 5 tháng đầu năm 2019, mức tăng cao kỉ lục từ năm 2015 trở lại đây.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất có thể là do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp Mỹ và một số công ty từ các quốc gia khác trở nên thận trọng hơn trong việc đầu tư vào Trung Quốc.
Nhiều thương nhân cũng nhắc tới cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington như một lí do để dần chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Sự lạc quan cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai là không thể phủ nhận. Một bài viết trên trang Quartz còn mô tả Việt Nam có thể sẽ bùng nổ về kinh tế giống như Trung Quốc đã từng làm.
Người lao động Việt Nam tại một cơ sở ở Hà Nội. Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP/GETTY IMAGES
Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất – ví dụ như Foxconn – thì vẫn có những điểm cần thận trọng. Các khoản đầu tư tăng vọt sẽ đem lại một số ảnh hưởng trong thời gian ngắn, ví dụ như giá bất động sản sẽ tăng theo dù cơ sở hạ tầng có thể chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, sẽ không có đủ lượng nhân công tay nghề cao khi sự tăng trưởng diễn ra quá nhanh.
Theo Foreign Policy, Việt Nam có thể xử lí được các vấn đề nói trên. Là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, cơ sở hạ tầng và chất lượng người lao động Việt Nam sẽ theo kịp với đà tăng trưởng. Và mặc dù giá bất động sản cao có thể khiến một số nhà đầu tư từ bỏ, thì những ngành công nghiệp đem lại nhiều giá trị cho Việt Nam có thể sẽ không cần quá lo lắng khi Việt Nam đang theo đuổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, dù là quốc gia lớn thứ 15 thế giới xét về mặt dân số, Việt Nam sẽ khó có thể thay thế vai trò to lớn của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự khác biệt với Trung Quốc
Bài viết trên Foreign Policy cho hay, Việt Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có dân số chênh lệch không quá nhiều. Tỉnh Quảng Đông là nơi khai sinh của những khu kinh tế đặc biệt của Trung Quốc vào năm 1979 và tới nay vẫn đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp sản xuất. Foxconn có trụ sở ở Quảng Đông, những công ty công nghệ khổng lồ như Huawei và ZTE cũng đặt cơ sở chính ở vùng này.
Với đường giao thông thuận tiện liên kết với Hồng Kông và các cảng biển, Quảng Đông là nền tảng cho vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Giữa bối cảnh các thương nhân bắt đầu đặt ra nhiều hoài nghi về Trung Quốc, thì nguồn đầu tư vào Việt Nam và các nước khác có thể đều chuyển từ Quảng Đông sang.
Theo đánh giá, Việt Nam không có một số thuận lợi mà tỉnh Quảng Đông có.
Điều tra dân số của Bắc Kinh thực hiện hồi năm 2010 cho biết khoảng 1/3 dân số hơn 104 triệu người ở Quảng Đông đều tới từ các vùng khác ở Trung Quốc. Hiện tại, dù các khu vực ở nông thôn Việt Nam có thể nhường chỗ để ưu tiên cho thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thì Việt Nam vẫn thiếu một lượng nhân lực khổng lồ để bù đắp vào lỗ hổng.
Nếu các nhà máy dọc đồng bằng Châu Giang có thể dựa vào lượng dân di cư từ khắp các miền Trung Quốc để đáp ứng được chuỗi sản xuất, thì Việt Nam chỉ có thể dựa vào nguồn nhân lực địa phương.
Bên cạnh đó, đồng bằng sông Mê Kông sẽ không đi theo hướng đô thị hóa rõ rệt như đồng bằng Châu Giang. Với văn hóa và điều kiện phát triển từ xưa tới nay, khu vực này có thể sẽ học tập Nhật Bản và lựa chọn một ngành nông nghiệp chất lượng, được cơ giới hóa và tinh gọn.
Trong khi đó, hoạt động canh tác nông nghiệp ở Quảng Đông đã nhanh chóng bị cắt giảm từ những năm 1980 và còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa từ kế hoạch Greater Bay Area của Trung Quốc, với mục đích tăng cường sự liên kết kinh tế đô thị giữa Quảng Đông, Hồng Kông và Macao.
Mặc cho các giới hạn này, Việt Nam vẫn có những ưu thế trước Trung Quốc. Nhân công ở Việt Nam có chi phí thấp hơn, và quốc gia này đã kí thỏa thuận thương mại tự do với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Canada và Australia. EU cũng đang trong giai đoạn hoàn thành thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra rất vui khi Mỹ hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt trong lễ kí kết hợp đồng mua máy bay Boeing trị giá 15,7 tỉ USD.
Trong năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ giá trị của mình đối với nhiều công ty lớn trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam sẽ không phát triển theo hướng mà Trung Quốc đã từng làm. Như một số quốc gia khác đã từng làm trong nửa cuối của thập kỉ 20, vẫn có nhiều cách khác để trở nên giàu mạnh.