Đã trở thành nét đẹp vào mùa xuân, các làng quan họ Bắc sông Cầu luôn náo nức không khí trảy hội, thúc giục du khách gần xa hoà vào những canh hát quan họ mê đắm lòng người.
Mùa hội hát
Biết bao mùa xuân, mùa lễ hội trôi qua, đến hẹn lại lên, dịp này, du khách tìm về những canh hát ở các làng quan họ Bắc sông Cầu. Bên bến sông, những con đò rộn ràng đón bạn đến “chơi quan họ” mang nét văn hoá đặc trưng, dân dã mà không kém phần cao sang. Bởi đây không chỉ là loại hình dân ca mà trong mỗi làn điệu còn chứa đựng nhiều phong tục, tập quán, lối ứng xử và tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng dân cư. Dịp này, các liền anh, liền chị ở thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên) thường hẹn nhau ra đình hát canh. Có khi chỉ vài ba đôi ngồi hát với nhau nhưng cũng có những canh hát lớn từ 10 đến 15 đôi hát cho dân làng, khách đến chơi nhà thưởng thức.
Nội Ninh là một trong 5 làng quan họ cổ Bắc sông Cầu. Đến đây, nghệ nhân Đoàn Thị Tình sẽ hát và kể cho du khách nghe về sự công phu của “nghề chơi quan họ”. Đó là lối chơi quy củ, nền nếp, buộc người chơi tuân thủ nhiều thể loại hát đối, hát giao duyên, hát kết chạ, hát mời nước, mời trầu. Không chỉ thế, quan họ còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự phóng khoáng trong những canh hát ngày xuân. Hát để thay lời nói, lời mời, thể hiện sự tinh tế và kín đáo của tình yêu đôi lứa, khát vọng ấm no, hạnh phúc của người quan họ.
Các liền anh, liền chị huyện Việt Yên trong lễ hội xuân. Ảnh: Thành Sơn. |
Theo nghệ nhân Đàm Thị Bùi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) quan họ thôn Nội Ninh, CLB có 41 liền anh, liền chị với đủ lứa tuổi từ quan họ măng non đến các nghệ nhân gạo cội. Thôn vinh dự có 3 liền chị được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, trong đó có hai người còn sống là mẹ con nghệ nhân Đoàn Thị Tình và Đàm Thị Bùi vẫn tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ. Để chuẩn bị cho mùa hát hội, các thành viên thường xuyên luyện tập vào tối Chủ nhật hằng tuần tại đình làng và tuyển chọn những cặp hát nổi trội để “nắn câu bẻ chữ” đợi xuân sang. Có những gia đình có 4 thế hệ biết hát như: Gia đình liền chị Doãn Thị Hợp, Nguyễn Thị Tiệp, liền anh Đoàn Văn Dừa.
Từ 5 làng quan họ cổ bên bờ Bắc sông Cầu, đến nay đã phát triển thành hơn 50 làng thực hành với hàng nghìn người từ thiếu nhi đến các cụ cao tuổi tích cực tham gia. |
Cũng vẫn làn điệu ấy mà canh hát của mỗi làng có cái hay riêng, lôi cuốn người nghe. Các liền anh, liên chị thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên) được nhiều người biết đến với lối hát đón bạn giao duyên. Cuộc sống hiện đại nhưng nghi thức đón quan họ bạn ở đây vẫn được gìn giữ. Các liền anh, liền chị xúng xính áo the, khăn xếp trân trọng ra tận cổng đình dẫn bạn vào làng làm lễ bằng làn điệu truyền thống mượt mà (gọi là ca sự tại đình), sau đó tổ chức hát đối đáp, giao lưu. Ở đây, khách đến chơi sẽ được nghe quan họ mộc mạc, ngọt ngào nhất qua chất giọng đậm đặc thổ ngữ “quê mùa” mà không cần nhạc đệm, chỉ có giọng ca cất lên mượt mà, đằm thắm đã đủ làm mê hoặc lòng người.
Liền anh Nguyễn Hữu Ước nói: “Từ khi mới sinh ra, trẻ thơ đã được ông bà, cha mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca quan họ truyền thống. Các thế hệ tiếp nối người trước truyền cho người sau, bởi thế ngày nay, từ trẻ em đến các cụ cao tuổi trong làng đều biết hát. Nhiều người con của quê hương dù đi xa cũng không thể nào quên được những thanh âm ngoạt ngào, thiết tha đó”.
Nhân lên những làng quan họ
Vào mùa xuân, hầu hết các làng ven sông Cầu của tỉnh Bắc Giang đều có hội đình, hội chùa. Dù chỉ là hội làng nhưng luôn có chương trình giao lưu bằng những canh hát quan họ tiếp nối từ làng này sang làng khác. Từ hội làng Nội Ninh sang hội Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, hội Thần Trúc, hội Bổ Đà, xã Tiên Sơn, hội Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), hội làng Yên Tập Bắc, xã Yên Lư (Yên Dũng), hội làng Vụ Nông, xã Bắc Lý, làng Cẩm Xuyên, Cẩm Bào, Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà). Hát từ ngày khai hội đến khi mãn hội với nhiều lối hát như: Hát chúc, hát mừng đón nhau từ cổng làng, mời nhau vào đình hát thờ, đưa bạn xem hội, hát giao lưu, đối đáp, mời bạn về nhà xơi cơm.
Các làng quan họ Bắc Giang còn hát giao lưu tại các làng quan họ nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh như: Do Nha, Viêm Xá, Đào Xá, Khúc Toại. Các liền anh, liền chị thường hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, dưới gốc đa bằng cả sự nồng hậu, mặn mà. Hát quan họ trong ngày hội không chỉ thoả nỗi nhớ, niềm mong của các liền anh, liền chị mà còn giúp người dân tạm gác lại những tất bật mưu sinh hằng ngày. Người quan họ vốn từ tốn, khiêm nhường, nhã nhặn trong mọi sinh hoạt. Mỗi câu hát đều có ý tứ, ẩn chứa bao điều muốn nói của người hát, giúp người quan họ hiểu được tấm lòng của nhau. Dù chỉ là giao lưu nhưng các liền anh, liền chị đều phô diễn chất giọng vang, rền, nền, nảy đặc sắc của làn điệu dân ca. Say đắm trước vẻ đẹp của di sản dân ca quan họ, đông đảo du khách nước ngoài cũng tìm về canh hát qua những tua du lịch trải nghiệm Thổ Hà, Bổ Đà.
Các liền chị quan họ tại hội làng Vân, thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên). |
Trải qua hàng trăm năm, các làng quan họ bờ Bắc sông Cầu có nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng như: Liền anh Hoắc Công Chờ, làng Trung Đồng, xã Vân Trung; liền anh Nguyễn Phú Hiệp, làng Thổ Hà, xã Vân Hà; liền chị Nguyễn Thị Bích Độ, xã Quang Châu; liền chị Nguyễn Thị Nạp, xã Ninh Sơn; liền anh Nguyễn Văn Côn, xã Ninh Sơn (Việt Yên). Trong số 22 nghệ nhân được phong tặng hiện có 17 người còn sống. Từ 5 làng quan họ cổ, nay đã phát triển thành hơn 50 làng thực hành với hàng nghìn người từ thiếu nhi đến các cụ cao tuổi tích cực tham gia. Hội hát những năm gần đây nổi lên một số liền anh, liền chị “nhí” như: Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Thuỳ Linh, Đàm Phước Lộc ở các làng Nội Ninh, Mai Vũ, Hữu Nghi (xã Ninh Sơn).
Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên cho biết: Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và được kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Để gìn giữ vốn quý, các canh hát bên bờ Bắc sông Cầu đều giữ lối hát không có nhạc đệm, không bắc loa, không ngả nón xin tiền. Các làng quan họ cổ và quan họ thực hành đều tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ măng non. Từ năm học 2022- 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giới thiệu tổng quan về làn điệu quan họ vào tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Quan họ không chỉ là niềm tự hào mà còn là “vốn riêng” của người dân nơi đây. Với nhịp sống đương đại, các liền anh, liền chị vốn là những nông dân hồn hậu, chất phác, có thể trong ngày cấy xong vụ lúa chiêm xuân, tan ca ở các xưởng máy nhưng tối đến đã xúng xính khăn áo vào hội hát. Bởi thế quan họ đã từ làng bước ra thế giới để trở thành di sản của nhân loại, được UNESCO vinh danh.
Bài, ảnh: Minh Thu
Nguồn Báo Bắc Giang: http://m.baobacgiang.vn/bg/van-hoa/399434/dap-diu-quan-ho-hoi-xuan.html