Ảnh minh họa: Getty
Đàm phán Mỹ-Trung vòng 12 sẽ được tiến hành ở Thượng Hải từ ngày 29/7, dư luận cơ bản không kỳ vọng đàm phán đạt được đột phá, nhưng đang chú ý tới khả năng Mỹ thay đổi chiến lược.
“Sao rời, vận khó đổi”
Như công bố của phía Mỹ, đàm phán thương mại Mỹ-Trung vòng 12 sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/7 tại thành phố Thượng Hải.
Đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu còn phía Trung Quốc vẫn là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhưng dự kiến lần đầu tiên có sự góp mặt của Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Thứ trưởng Thương mại Tiêu Kiến Hoa.
So với trước đây, đàm phán thương mại Mỹ-Trung vòng 12 còn có một thay đổi nữa là không diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh như thường lệ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, việc Trung Quốc lựa chọn Thượng Hải làm địa điểm đàm phán thể hiện thành ý bởi dưới thời Tổng thống Richard Nixon, hai nước đã phát đi Thông cáo Thượng Hải, mở ra tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung.
Có phân tích cho rằng Thượng Hải đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử ngoại giao Trung-Mỹ, hiện nay lại là trung tâm tài chính, thương mại và vận tải hàng không quốc tế của Trung Quốc, có vị trí nổi bật về kinh tế. Cho nên, Thượng Hải là lựa chọn tốt nhất ngoài Bắc Kinh để hai bên ngồi lại với nhau.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh mang đậm màu sắc chính trị, chuyển địa điểm tới Thượng Hải sẽ giúp thay đổi “cảm giác”, mang tới bầu không khí khác biệt cho phía Mỹ, tránh bị ảnh hưởng bởi cảm giác không thoải mái trong những lần đàm phán trước đây tại Bắc Kinh.
Đặc biệt, trước đàm phán, cả Trung Quốc và Mỹ đều phát đi thiện chí, đối với Bắc Kinh là trong lĩnh vực mua nông sản Mỹ và đối với Washington là trên phương diện xử lý vấn đề Huawei. Mỹ-Trung gặp gỡ đương nhiên tốt hơn việc chỉ trích nhau xuyên đại dương, hơn nữa, hai bên đầu có nhu cầu đàm phán.
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump là mong muốn ổn định các cử tri trung thành trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nền tảng cho khả năng liên nhiệm tại tổng tuyển cử cuối năm 2020. Tới nay, nông dân Mỹ về cơ bản vẫn ủng hộ ông Trump, nhưng chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng tương đối lớn đối với ngành nông nghiệp Mỹ.
Điều tra dân ý cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump đang thấp hơn các đối thủ tiềm năng đến từ đảng Dân chủ, nếu chiến tranh thương mại gây tổn hại lớn hơn đối với ngành nông nghiệp Mỹ, ông Trump có thể mất đi sự ủng hộ từ nông dân nước này. Cho nên, gần đây, Washington không ngừng bày tỏ hi vọng phía Trung Quốc nhanh chóng thực hiện cam kết mua một lượng lớn nông sản Mỹ.
Tập đoàn Huawei giữa cơn bão chiến tranh thương mại. Ảnh: TheHill
Đối với Bắc Kinh, áp lực giảm tốc tăng trưởng tiếp tục tăng lên và có nghiên cứu cho thấy từ tháng 5/2018 tới tháng 7/2019, Trung Quốc đã mất gần 2 triệu việc làm vì chiến tranh thương mại, nhưng về cơ bản các biện pháp chấn hưng vẫn có thể giúp kinh tế nước này trong phạm vi chịu đựng được.
Chỉ có điều tập đoàn Huawei vốn được coi là “dê đầu đàn” trong giới doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc rơi vào tình cảnh khốn khó do các biện pháp phong tỏa từ Mỹ, rất cần một sự trợ giúp để vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh Mỹ-Trung không ngừng thăm dò giới hạn của nhau và các vấn đề khác khó lòng giải quyết vì tồn tại bất đồng lớn, hai bên đã thể hiện thiện chí trong 2 vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.
Phía Trung Quốc cho 5 công ty nhập khẩu từ 2-3 triệu tấn đậu tương Mỹ mà không phải chịu thuế trả đũa 25% mà nước này áp vào nông sản Mỹ sau khi Mỹ áp thuế trừng phạt đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên. Phía Mỹ biểu thị sẽ nhanh chóng cho phép doanh nghiệp công nghệ Mỹ xuất khẩu sản phẩm cho Huawei.
Mua nông sản Mỹ và “phóng sinh” Huawei rất có thể trở thành các tiêu điểm chính của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 12 ở Thượng Hải. Nhưng dù thành hiện thực, đó chỉ có thể coi là “tiến triển”, chứ không phải là “đột phá”.
Bảy chủ đề mà phía Mỹ nêu ra, ngoài nông nghiệp còn có hàng hoạt vấn đề gai góc, khó có thể đạt được tiến triển lớn trong ngắn hạn như bản quyền tri thức, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, thâm hụt thương mại hay thực hiện thỏa thuận đạt được như thế nào.
Bước chuyển chiến lược
Trong số ra mới đây, bán nguyệt san Cầu Thị nhấn mạnh “không ai, không thế lực nào nên đánh giá thấp và coi nhẹ ý chí sắt thép, sức mạnh và sự ngoan cường của người dân Trung Quốc trong chiến đấu với cuộc chiến thương mại”. Tạp chí thuộc trường Đảng Trung ương Trung Quốc này khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến tranh kinh tế lâu dài với Mỹ.
Có phân tích cho rằng do phải chịu áp lực liên nhiệm, ông Trump khó lòng theo đuổi một cuộc chiến tranh thương mại lâu dài với Trung Quốc, thay vào đó là chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” nhằm phô kết quả tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Cho nên, trong vấn đề mua nông sản Mỹ, phía Trung Quốc sẽ không “quăng hết bài”, đáp ứng mong muốn của phía Mỹ mà sẽ căn cứ theo nhu cầu, mỗi lúc mua một ít để kiềm chế, gây sức ép, buộc ông Trump phải xuống thang ký kết một thỏa thuận thương mại có lợi cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, có nhiều chỉ dấu cho thấy Mỹ đã quyết đấu tới cùng, không ngại đấu tranh lâu dài với Trung Quốc.
Thứ nhất, không ít trong số 7 chủ đề mà phía Mỹ đưa ra trước thềm vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 12 đụng chạm tới giới hạn đỏ của Trung Quốc, bao gồm cả những vấn đề mà Trung Quốc chỉ trích là đã “xâm phạm chủ quyền” của nước này. Nếu cần một chiến thắng nhanh chóng, phía Mỹ sẽ đi theo con đường gai góc như vậy.
Thứ hai, phía Mỹ cũng không vội vàng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Bằng chứng là khi trả lời chương trình Bloomberg Market and Finance hôm 23/7 Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết mục tiêu của Tổng thống Mỹ là đạt được thỏa thuận thực sự tốt hoặc tiếp tục áp thuế trừng phạt, cho nên, không thể dự đoán đàm phán cần bao nhiêu thời gian.
Ảnh: AFP
Theo ông Ross, quan trọng là nếu đạt được thỏa thuận thì đó có phải là thỏa thuận thích hợp, một thỏa thuận thực sự tốt hay không. “Đây là mục tiêu áp đảo tất cả (của Tổng thống Mỹ) và điều này quan trọng hơn thời gian biểu”, ông Ross nhấn mạnh.
Thứ ba, số liệu kinh tế đang ủng hộ Mỹ. Trong khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/7 cho thấy tăng trưởng kinh tế quý II của nước này đạt 2,1%, tuy giảm so với mức 3,1% đạt được trong quý I/2019, nhưng đã đánh bại dự báo của Phố Wall (1,8%).
Trả lời phỏng vấn chương trình Varney & Co của FOX Business cùng ngày, ông Ross không chỉ vạch trần âm mưu cho rằng kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào năm 2020, mà còn chỉ rõ: “Kẻ thù chơi trò câu giờ khi suy thoái đang đến… Họ đang chết dần vì suy thoái”.
Thứ tư, ngay cả khi thiệt hại Mỹ phải chịu không ngừng tăng, theo Phó giáo sư Kinh tế Greg Wright từ Đại học California tại Merced (UCM), ông Trump càng phải quyết tâm ép Trung Quốc đưa ra nhượng bộ lớn để chứng minh rằng những tổn thất bấy lâu nay nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ hứng chịu là xứng đáng.
Đành rằng chiến tranh thương mại đã khiến lượng đậu tương Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm, nhưng chương trình hỗ trợ nông dân trị giá khoảng 16 tỷ USD không đơn thuần chỉ phán ánh thiệt hại của chiến tranh thương mại đối với nông nghiệp Mỹ, mà còn phát đi thông điệp “sẵn sàng cho cuộc chơi lớn lâu dài”.
Câu chuyện tương lai
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Lương Hồng thuộc Tập đoàn Tài chính quốc tế Trung Quốc cho rằng vào tháng 3/2019, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chương trình giảm thuế với tổng giá trị lên tới gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ. Biện pháp này đã kích thích nhu cầu trong nước và kết quả là tăng trưởng bán lẻ của Trung Quốc tháng 6/2019 bất ngờ tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức 8,3% mà thị trường dự đoán.
Theo Lương Hồng, đa số chuyên gia Trung Quốc dự đoán chiến tranh thương mại có thể lấy đi 0,5% và nhiều nhất là 1% GDP của Trung Quốc, nhưng chính sách cải cách thuế có thể mang tới tác động tương đương hơn 1% GDP. Cho nên, biện pháp giảm thuế mà Trung Quốc đưa ra ngoài việc nâng cao niềm tin của người dân, cũng đủ để ứng phó với chiến tranh thương mại.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Morgan Stanley nhận định: Ảnh hưởng trực tiếp của căng thẳng thương mại là số lượng đơn đặt hàng đối với ngành xuất khẩu Trung Quốc giảm xuống.
Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp có thể còn lớn hơn, đó chính là tác động tới niềm tin của doanh nghiệp. Thiếu niềm tin vào tương lai đạt được thỏa thuận thương mại, doanh nghiệp có thể trì hoãn đầu tư, mở rộng sản xuất, làm gia tăng áp lực trên thị trường việc làm và ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu của người dân.
Ngoài xuất khẩu, tiêu dùng, vấn đề cũng đến từ động lực tăng trưởng còn lại của kinh tế Trung Quốc: Đầu tư. Theo hãng tin Reuters, dù Trung Quốc rất nỗ lực trong lĩnh vực tài chính, nhưng tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn không đi lên.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018, không được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về tài lực của chính quyền địa phương trong khi tình hình tài chính 6 tháng cuối năm nay của các chính quyền địa phương có thể vẫn căng thẳng.
Biện pháp giảm thuế dẫn tới thu nhập từ thuế của chính quyền giảm. Cụ thể: Thu nhập tài chính quý II/2019 của Trung Quốc chỉ tăng 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức 6,2% đạt được trong quý I/2019.
Trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc, chính sách giảm thuế, giảm phí tiếp tục, áp lực thu chi gia tăng đã trở thành thực tế không thể tranh cãi. Những ngày khó khăn của Trung Quốc xem ra sẽ chỉ khó khăn hơn. Đặc biệt là trong tương lai, ông Trump có thể tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và việc mở cửa thị trường tài chính có thể sẽ vô tình làm lộ điểm yếu của Trung Quốc trên phương diện này.