“Nó không hề giúp cải thiện tình hình”, Tổng thống Trump nói về Đạo luật ủng hộ Hồng Kông mà ông mới phê chuẩn tuần trước, một động thái được nhận xét là “chọc giận” Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (2/12 – theo giờ Washington) vừa qua đã thừa nhận rằng đạo luật mới cho phép Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc có hành động vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông có thể sẽ khiến các cuộc đàm phán thương mại giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh thêm phức tạp, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đưa tin.
Bên cạnh việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc Đại lục, Đạo luật về Hồng Kông cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ tiến hành xét duyệt hàng năm những đặc quyền thương mại mà thành phố này được hưởng theo luật pháp Mỹ, dựa trên tình hình thực tế ở đặc khu này.
“Nó không hề giúp cải thiện tình hình”, Tổng thống Trump thừa nhận khi được hỏi về Đạo luật về Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông mà ông vừa phê chuẩn tuần trước, ngay trước ngày lễ Tạ ơn.
Thực tế, quyết định này sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc càng thêm khó khăn hơn, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết.
Tổng thống Trump chuẩn bị rời Nhà Trắng để tới London hôm thứ 2 (2/12) vừa qua. Ảnh: Jabin Botsford/Washington Post
Quyết định khiến Trung Quốc tức giận
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra sau khi phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thông cáo về hai đòn trừng phạt trả đũa Mỹ, trong đó bao gồm việc ngưng cấp phép cho chiến hạm, máy bay Mỹ tới Hồng Kông và trừng phạt một loạt tổ chức phi chính phủ mà Bắc Kinh cáo buộc là có “vai trò xấu xa” khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra tại Hồng Kông.
SCMP cho biết, ông Trump trước đó từng thuyết phục các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng minh của ông trì hoãn việc thông qua dự luật. Tuần trước, vị Tổng thống Mỹ cũng từng tuyên bố rằng một số điều khoản của dự luật này sẽ “cản trở” quyền hạn của ông này trong việc quyết định chính sách ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, sự hưởng ứng của lưỡng đảng và lưỡng viện đối với dự luật này quá mạnh mẽ, nên dù Tổng thống Trump có phủ quyết, thì Quốc hội vẫn có khả năng vượt quyền ông để thông qua đạo luật.
Cuối cùng, vào ngày thứ 4 (27/11), Tổng thống Trump đã quyết định thông qua Đạo luật về Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, cùng với đó là Đạo luật cấm bán vũ khí cho cảnh sát Hong Kong, bất chấp sự phản đối và những lời đe dọa của phía Trung Quốc.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày hôm qua (2/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã một lần nữa kêu gọi Mỹ “sửa chữa những sai lầm”, kèm theo đó là lời đe dọa: “Trung Quốc sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình để đưa ra thêm hành động cần thiết, kiên quyết gìn giữ sự ổn định thịnh vượng của Hồng Kông, kiên định gìn giữ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của Trung Quốc.”
Triển vọng đàm phán thương mại bị đe dọa
Sáu tháng bất ổn kéo dài do các cuộc biểu tình – và thái độ ủng hộ của Mỹ đối với phong trào dân chủ ở đặc khu này – đã khiến Hồng Kông trở thành điểm nóng mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, dù hai nước luôn khẳng định chuyện Hồng Kông và chuyện đàm phán thương mại là hai vấn đề riêng biệt.
Mặc dù vậy, khi cuộc chiến thương mại của hai nước Mỹ-Trung sắp bước sang tháng thứ 18, nhiều chuyên gia và nhà phân tích chính trị đã bày tỏ lo ngại về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của hai nước, mà trước đó ông Trump từng tuyên bố đầy hứa hẹn là “đã rất cận kề”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc Mỹ có nương tay hay không phụ thuộc vào thái độ của Bắc Kinh. Ảnh: AP
Khi phóng viên đặt câu hỏi về khả năng hai nước Mỹ-Trung kí kết thỏa thuận này trước khi năm 2019 kết thúc, ông Trump đã tránh trả lời trực diện, theo SCMP.
“Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán. Tôi rất vui vì những điều chúng tôi đã đạt được… Nhưng phía Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo chớp nhoáng tại Nhà Trắng, trước khi ông lên đường dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Anh.
Trước đó khoảng vài giờ, chính quyền Tổng thống Trump đã ra quyết định hủy bỏ lệnh đình chỉ tạm thời, tiếp tục áp dụng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép của Argentina và Brazil – hai quốc gia được hưởng lợi từ cuộc thương chiến của Washington và Bắc Kinh khi thị trường Trung Quốc tìm nguồn cung đậu tương thay thế cho đậu tương Mỹ.
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẽ ra đã có cuộc gặp gỡ và ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại hội nghị APEC – được dự kiến tổ chức tại Chile vào giữa tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn ở Chile, hội nghị này đã bị hủy bỏ, và cả Washington lẫn Bắc Kinh vẫn chưa có thông báo về ngày diễn ra cuộc gặp mới giữa hai nhà lãnh đạo.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là lời đe dọa của Mỹ về 15% thuế quan dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12 tới nhằm vào 156 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại thông minh, laptop và đồ chơi, vẫn còn đó khi các cuộc đàm phán diễn ra.
Việc chính quyền Mỹ có quyết định trì hoãn các khoản thuế này hay không đều phụ thuộc vào sự thay đổi “trong thái độ của Bắc Kinh”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trả lời phóng viên của Fox Business hôm 2/12 vừa qua.
Ông Ross cho biết các nhà đàm phán của Trung Quốc quả thật “có tiến bộ, nhưng họ vẫn vừa tiến, vừa tính đường lui”, vì vậy nên các nhà đàm phán của Mỹ chưa thực sự hài lòng với những điều kiện mà phía Bắc Kinh đưa ra.
Hồng Anh, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/dao-luat-ve-hong-kong-khien-bac-kinh-noi-gian-tt-trump-lan-dau-len-tieng-sau-khi-tq-tung-don-82019312113025223.htm