“Tôi buồn lắm. Khán giả nói, sao lúc này không thấy chị lên truyền hình mà toàn mấy đứa nhỏ lên nói nhảm nhí, xàm xí gì đâu. Người ta chê thì mình buồn”, nghệ sĩ Mỹ Chi chia sẻ.
Cũng như nhiều danh hài lừng lẫy một thời, khi nói về nghề làm hài hiện nay, danh hài Mỹ Chi cũng vô cùng trăn trở với cái nghề đã đưa tên tuổi bà lên và nuôi sống bà suốt mấy chục năm, cho tới tận bây giờ khi đã ngoài 70 tuổi…
Làm osin cho đào chính, người ta buồn bực lại lôi ra đánh
Hồi xưa, bà đi đoàn hát mà giống như osin bị đánh bị chửi nhưng vẫn yêu, vẫn theo nghề. Tôi hỏi thật, khi thành danh, có lúc nào bà muốn “bắn phát súng vào quá khứ” không?
Hồi đó tôi với Mỹ Châu đều bị chủ đoàn hát đánh. Vui thì cười, buồn bực gì lại lôi mình ra đánh, chưa kể phải đi chợ, nấu cơm cho nhà chủ đoàn hát giống như con ở, tới lúc nào đi hát thì đi.
Ở đoàn, đào chánh được nằm giường còn tôi rải chiếu nằm dưới đất, cạnh toilet. Hồi xưa, đào chánh là dữ dội lắm. Cực khổ lắm nhưng vì mình yêu nghề quá nên cứ theo, thậm chí giấu cả gia đình.
Bà chủ đoàn hát sau này đi chùa nhiều nên hiền lại, đối xử với mọi người tốt hơn. Gặp, tôi vẫn nói chuyện vui vẻ, vẫn gọi má xưng con. Tôi nghĩ, nhờ có sự cực khổ đó nên giờ mình mới nổi tiếng, chứ nếu cứ theo cải lương, không chuyển qua hài thì giờ này chưa chắc đã được khán giả biết mặt, nhớ tên.
Bởi vậy sau này, tôi thương mấy đứa nhỏ lắm (diễn viên trẻ – PV). Đứa nào không có quần áo, tôi kêu về nhà cho. Mình trải qua vậy rồi, không muốn lặp lại, không muốn ai bị như mình. Tôi không có kiểu trả thù quá khứ.
Tôi may mắn là lúc đó gia đình giàu có, vì yêu nghề quá nên đi. Khi không thể theo thì trở về còn có gia đình bảo bọc, lo cho. Còn những người nghèo thì sao? Bởi cực khổ lắm mới lên được đào chính nên một số người có tư tưởng bắt nạt người mới, bắt người mới cũng phải trải qua những gian khổ như mình, chứ không dọn cỗ sẵn cho ăn.
Danh hài Mỹ Chi.
Sau này, tôi bị bất mãn. Nghề nghiệp giờ dễ quá nên bị người ta coi rẻ. Có những diễn viên hài trẻ, nghề nghiệp chưa có mà leo lên ghế ngồi giám khảo gameshow, lên sân khấu nói bậy bạ rồi cười với nhau.
Họ cũng mời tôi tham gia gameshow nhưng tôi từ chối. Tham gia rồi tự trút cái bực vào người, mà nói ra thì đụng chạm, mất lòng, mai mốt gặp mình bọn nhỏ không thèm chào nữa. Nghề này giờ bão hòa rồi. Một ngày nào đó sẽ mất khán giả thôi. Giờ người ta cũng không còn thương mến nghệ sĩ như thời xưa.
Hài gameshow đi tỉnh diễn, không ai mua vé
Hơn 50 năm trong nghề, từng diễn cặp với nhiều danh hài lẫy lừng như Bảo Quốc, Duy Phương, Bảo Chung, Hồng Tơ, Tấn Beo… bà thấy tấu hài xưa và nay khác nhau thế nào?
Giới trẻ giờ khác chúng tôi ngày xưa. Hồi xưa, tấu hài phải có nội dung. Lấy những chuyện xấu, tiêu cực trong xã hội, đời sống ra làm đề tài chế giễu, phê phán tạo tiếng cười sâu sắc, chua cay.
Còn giờ, diễn viên lên diễn mà không có kịch bản, tiết mục mang tính chất tự phát. Hồi đó có tác giả viết, diễn viên phải tập rất kỹ càng mới lên sân khấu diễn.
Cũng 1 câu nói đó nhưng cách nhấn nhá, nhả miếng của nghệ sĩ khác nhau tạo nên cái duyên sân khấu, tạo tiếng cười cho khán giả chứ không nói xàm nói bậy.
Thậm chí, diễn viên muốn thêm bớt câu này, chữ kia, tác giả và đạo diễn cũng không đồng ý, bắt phải đi đúng kịch bản. Ăn thua ở cái duyên sân khấu của mỗi người khiến khán giả cười hay không.
Nói thì đụng chạm nhưng giờ hầu như ai cũng diễn cương, thích nói gì thì nói. Nói xong xúm lại cười. Tôi nghĩ mà buồn cho cái nghề của mình.
Mỹ Chi – Tấn Beo – Hoàng Châu trong chương trình hài kịch Tìm kiếm tài năng.
Danh hài Mỹ Chi hội ngộ danh ca Giao Linh trong 1 chương trình nghệ thuật.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại. Thời đó chưa có internet và mạng xã hội nên 1 kịch bản hài có khi diễn đi diễn lại cả năm ở nhiều sân khấu vẫn “ăn khách”.
Còn giờ công nghệ bùng nổ, nghệ sĩ diễn trên sân khấu, phía dưới khán giả cầm điện thoại quay livestream. Qua ngày hôm sau là ai cũng biết. Bởi vậy “tuổi thọ” của một tác phẩm quá ngắn. Nghệ sĩ không sáng tạo kịp, bị túng thiếu ý tưởng. Đó cũng là 1 cái khó trong thời buổi làm hài hiện nay?
Đúng vậy. Chính vì thế mà những người viết kịch bản họ không còn hứng thú như xưa. Tác phẩm không còn giá trị nữa nên anh em phải diễn cương. Mà cái nghề làm hài rất dễ bị lố. Đã diễn cương là không thể tránh khỏi có lúc nói xàm nói bậy.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều người bị quen với kiểu đó. Mặc nhiên xem hài bây giờ là thế và cho rằng việc mình nói bậy nói bạ là hay, là đúng vì nhiều người xem. Nhưng đó là sai lầm.
Hài gameshow là được biên tập, lồng ghép tiếng cười, tràng pháo tay của khán giả nên các bạn tưởng là mình hay. Tới khi diễn ngoài là thất bại.
Mỹ Chi, Duy Phương, Bảo Quốc, Bảo Chung… đi tỉnh, thấy tên là người ta mua vé coi liền, còn hài gameshow đi tỉnh là thua hết. Khán giả bỏ tiền mua vé, họ rất chọn lọc vì giờ họ được coi miễn phí trên mạng, đâu tốn kém gì.
Giờ có tiền là có tiếng, không cần tài năng
Vậy theo bà, giờ nên làm gì để thay đổi?
Khó lắm vì giới trẻ bây giờ không nghe góp ý của người đi trước. Họ nghĩ cái đó là hay, có khán giả coi là được. Bởi hồi xưa, phương tiện đài truyền hình ít còn giờ rất nhiều kênh thành ra họ không cần. Họ cứ làm rồi cứ phát sóng, phương tiện thiếu gì.
Hồi xưa chúng tôi chỉ có sân khấu, hết diễn chỗ này tới diễn chỗ khác, muốn nổi tiếng là cả một quá trình gian khổ và lâu năm. Và chúng tôi chỉ có sân khấu là chỗ kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Chúng tôi cần cái cần câu cơm đó.
Mỹ Chi – Long Nhật có một mối quan hệ thân tình nhiều năm qua.
Còn bây giờ, vì nhiều phương tiện nên người ta dễ nổi tiếng nên họ không cần. Giờ có tiền là có tiếng, không cần tài năng. Có tiền là len lỏi được vào những chỗ đó, tự mình bỏ tiền lăng xê lấy tiếng cho mình, đâu cần biết hay dở. Họ đâu cần tiền của khán giả nuôi mình.
Còn chúng tôi ngày xưa, cần khán giả mua vé xem mình diễn. Muốn được thế thì chúng tôi phải trau dồi nghề nghiệp, phải quan tâm chuyện khi cái tên mình đăng lên, có ai tới mua vé. Bởi vậy, tìm kiếm tài năng thật sự bây giờ khó lắm dù diễn viên hài nhiều không kể hết.
Tôi hỏi thật, có bao giờ bà cảm thấy xấu hổ khi đứng “chung mâm” với họ?
Tôi buồn lắm chứ. Khán giả nói, sao lúc này không thấy chị lên truyền hình mà toàn mấy đứa lên nói nhảm nhí, xàm xí gì đâu. Người ta chê thì mình buồn.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!