Tiêu tốn đến 120 tỷ đồng cho một mùa V.League là ít hay nhiều? Giật chức vô địch V.League có khó không? Và ai “bôi bẩn” thương hiệu FLC, khi đổ tiền cho bóng đá tỉnh nhà?
Con số 120 tỷ đồng cho một mùa bóng mà FLC chi ra để đầu tư cho bóng đá Thanh Hóa “khủng” đến cỡ nào?
Gói tài trợ của nhà tài trợ chính – một hãng sữa, cho HAGL, mới nhất có trị giá 50 tỷ đồng cho hai mùa giải. Và với gói tài trợ ấy, dễ dàng nhận ra rằng đội bóng phố Núi của bầu Đức có thể cực kỳ thảnh thơi “sống khỏe”, thậm chí còn có lãi.
Trước khi đôn lứa U19 HAGL lên chơi V.League 4 năm trước, bầu Đức từng tuyên bố rằng chỉ cần 15 tỷ đồng là có thể “sống khỏe” cho một mùa V.League. Tuyên bố này từng gây ra rất nhiều sự bức xúc với lãnh đạo các CLB khác, khi con số tạm tính của CLB này phải là 30-35 tỷ đồng mới đủ để hoạt động.
Gần nhất, CLB TP.HCM từng được chi 60 tỷ đồng để hiện thực hóa tham vọng lọt vào top đầu V.League, và đã khá thành công về mặt tiếng vang, cho đến lúc… Công Vinh rồi đi, nhường lại ghế cho Hữu Thắng.
Rõ ràng, nếu so sánh với HAGL của bầu Đức, thì 120 tỷ đồng cho một mùa giải mà CLB Thanh Hóa được FLC của bầu Quyết “rót vào” là quá “khủng”. Tuy nhiên, để so sánh với CLB TP.HCM hay Hà Nội, số tiền đó không quá nhiều với tham vọng vô địch V.League – điều mà CLB Thanh Hóa hướng đến, và từng vài lần từng suýt chạm đến. Số tiền ấy là phù hợp với tham vọng và mục tiêu của Thanh Hóa.
Nhưng rót 120 tỷ đồng mỗi mùa bóng thì có chắc chắn vô địch không? Dĩ nhiên là không rồi? Bởi nếu thế thì Man City giờ đây chắc hẳn đã nắm trong tay nửa số cúp vô địch Premier League mà Man United từng đoạt được, chứ chẳng phải chỉ 3 chiếc trong suốt 10 năm gần đây, từ khi được Abu Dhabi United Group “đổ tiền tấn” vào để hiện thực hóa tham vọng thống trị Ngoại Hạng Anh.
Bóng đá là một lĩnh vực chuyên biệt, không phải cứ đổ tiền vào là tự khắc gặp hái được thành công, và nó không phải là câu chuyện “ăn xổi”, mà thành công, cũng như mức độ “ngốn tiền” còn phụ thuộc vào nền tảng được tạo dựng suốt nhiều năm.
Sở dĩ HAGL tiêu ít tiền như thế cho mỗi mùa giải, bởi họ nắm trong tay lực lượng U19 ngày nào mà mình tự đào tạo, để có thể hạn chế tối đa chi phí mua cầu thủ, cũng như chi tiền “khủng” cho các bản hợp đồng ngoại. Lương trả cho các cầu thủ trẻ cũng rẻ hơn khá nhiều so với các ngôi sao được vời từ nơi khác về của CLB Thanh Hóa. Nó không tự nhiên sinh ra, mà đến từ sự đầu tư từ hơn 10 năm trước của bầu Đức.
Hay như CLB Hà Nội, sở dĩ họ “có duyên” với chức vô địch V.League đến như thế, là bởi chính sách đầu tư trẻ cực đúng đắn, có tuổi đời cũng đã ngót 10 năm. Bầu Hiển chẳng thiếu tiền để đầu tư cho CLB Hà Nội, nhưng là người gắn bó với bóng đá từ rất lâu, ông biết bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ, nếu thiếu đi nền tảng cơ bản về con người, truyền thống và sự tiếp nối của CLB.
FLC Thanh Hóa từng chi rất nhiều tiền để đem các ngôi sao về với mình, để mang về những chiến lược gia lừng lẫy, có thể họ đen đủi khi có lúc tưởng chừng đã chạm được đến ngôi vô địch V.League, nhưng sau tất cả, cách tiêu tiền, cách làm bóng đá, cách vươn đến đỉnh cao của họ rõ ràng có vấn đề.
Bầu Quyết có lý khi chỉ trích người hâm mộ bóng đá Thanh Hóa quá tham vọng, khi sẵn sàng chì chiết đội nhà và cả nhà tài trợ khi không thể đăng quang. Nhưng cổ động viên ở đâu trên thế giới này chả thế, có chăng là các CLB khác biết cách tạo nên những giá trị khác để cổ động viên hướng tới, thay vì chỉ duy nhất ngôi vô địch.
Bao năm nay, SLNA có vô địch V.League đâu, mà cổ động viên của họ vẫn tự hào về đội bóng của mình đấy thôi. HAGL bết bát nơi cuối bảng xếp hạng, nhưng người hâm mộ vẫn đặt niềm tin vào họ đấy thôi. Hay như Nam Định, đội bóng mà HLV phải cầm cố cả nhà để trả lương cho cầu thủ, vẫn trụ hạng V.League và nhận sự ủng hộ tuyệt đối của những người yêu bóng đá tỉnh nhà đó sao?
Chẳng phải “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” đó sao? Khi bầu Quyết nói rằng “Chúng tôi nói ra để thấy có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa với cách điều hành như hiện nay chúng tôi không hy vọng sẽ vô địch”, rõ ràng họ – CLB, nhà tài trợ và các cổ động viên đã không “đi cùng nhau”, cùng hướng đến một tình yêu, niềm tin chung, thay vì chỉ đơn thuần thành tích.
Cuối cùng, trong phát ngôn khá dài của ông Trịnh Văn Quyết, cuối cùng mọi thứ cũng quay về “lời giải” mang tên chính sách.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, có không ít những đội bóng được chuyển giao, được đầu tư, được “thổi lên”, rồi tan rã khi nhà đầu tư tháo chạy. Bài học ấy, bóng đá Việt Nam học mãi mà chưa thể thuộc.
Mới đây nhất là sự đầu tư mạnh mẽ cho CLB TP.HCM, để gieo rắc hi vọng về một sự phục sinh cho đội bóng thành phố này, với Công Vinh, với HLV Miura, với hàng loạt tuyên bố “đao to búa lớn”, những hình ảnh truyền thông hoành tráng, để rồi khi Công Vinh đột ngột rời đi, khi “tấm mặt nạ” rơi xuống, người ta loáng thoáng nhìn thấy đằng sau đấy cũng là hai chữ “chính sách”.
Câu chuyện chia ly của FLC và CLB Thanh Hóa là không mới, nó đã được đồn đại râm ran từ hàng nửa năm trời nay. Và chắc hẳn, cả CLB Thanh Hóa lẫn người hâm mộ xứ Thanh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chia ly màu đồng” hôm nay. Nhưng dẫuchia tay, thì có nhất thiết phải “nói lời cay đắng” đến thế không?
Hỏi, đôi lúc đã là câu trả lời!