Vấn đề sử dụng ngoại binh ở V.League tiếp tục tạo nên những tranh cãi, khi mới đây xuất hiện thông tin HLV Park Hang-seo than thở với VFF vì không có tiền đạo giỏi cho ĐT Việt Nam.
1.Theo chia sẻ từ một lãnh đạo VFF, HLV Park Hang-seo cho rằng chính sách sử dụng ngoại binh trên hàng công tại V.League không có những quy định rõ ràng khiến bóng đá Việt Nam khó sản sinh tiền đạo giỏi.
Điều này trên thực tế càng được nhận thấy rõ ràng hơn khi V.League cho phép tăng số lượng ngoại binh từ 2 lên 3 cầu thủ kể từ mùa giải 2019. Các đội bóng hầu hết đều ưu tiên suất ngoại binh, nhập tịch cho vị trí mũi nhọn tấn công, khiến cho các tiền đạo nội phải chấp nhận chơi dạt cánh, trái sở trường và ghi được ít bàn thắng hơn rõ rệt.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với bóng đá Việt Nam, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng vấn đề không có tiền đạo nội tốt không chỉ nằm ở việc sử dụng ngoại binh, mà đó đã trở thành hệ quả của cả một quá trình.
“Chuyện bóng đá Việt Nam thiếu tiền đạo giỏi và còn nhiều bất cập không phải hiện tượng nữa mà đã trở thành một quá trình rồi.
Việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp và hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đã được xây dựng 19, 20 năm rồi nhưng vẫn chưa đưa ra được lộ trình để phát triển. Gần như đội tuyển có kế hoạch của đội tuyển, còn hệ thống giải chuyên nghiệp lại là một mảng riêng và gần như không gắn kết với nhau.
Các CLB ở V.League đang bị phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh.
Để nền bóng đá phát triển, không chỉ riêng hệ thống thi đấu giải chuyên nghiệp cần phải tính toán lộ trình, xem còn những vấn đề tồn động nào, nên dùng bao nhiêu ngoại binh… mà hệ thống đào tạo trẻ, hệ thống giải trẻ, xây dựng các cấp độ đội tuyển phải có sự đồng bộ.
Qua đó mới giải quyết được vấn đề nâng cấp bóng đá Việt Nam, trong đó có chất lượng của ĐTQG mà cụ thể là vị trí tiền đạo“, chuyên gia Đoàn Minh Xương nói.
Phân tích chi tiết hơn, ông Xương cho rằng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở việc chúng ta chưa tạo ra được một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, với lộ trình phát triển có tầm nhìn rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đội tuyển và CLB.
“Ở đây rõ ràng chúng ta chưa có lộ trình. Bây giờ cho các CLB đăng ký 3 ngoại binh thì rõ ràng với điều kiện bóng đá Việt Nam hiện nay thì họ phải dùng 2 suất cho tiền đạo rồi. Điều đó liên quan đến hình ảnh, thành tích, thương hiệu của CLB.
Các bên cần ngồi lại với nhau để đưa ra một lộ trình phát triển. Hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp dùng ngoại binh là bình thường. Thậm chí ở Anh người ta còn dùng rất nhiều, nhưng ĐT Anh vẫn chơi tốt.
Bây giờ phải đảm bảo được quyền lợi của ĐTQG và CLB, đồng thời tạo ra được sức hấp dẫn cho giải VĐQG. Nếu chỉ có nội binh thôi thì đâu còn hấp dẫn nữa. Thời điểm này chúng ta phải mở cửa, nhưng quan trọng là việc lộ trình sẽ như thế nào.
Đồng thời đặt ra tiêu chí đào tạo trẻ, tiêu chí về CLB bóng đá chuyên nghiệp để các CLB phải thực hiện. Chứ làm bóng đá chuyên nghiệp 20 năm nay mà nhiều đội vẫn không có sân, sân tập phải thuê, chỗ ở cũng thuê khách sạn nốt.
ĐT Việt Nam đang thiếu một trung phong thực sự đẳng cấp.
Do đó chuyện HLV Park Hang-seo than phiền bóng đá Việt Nam hiện tại thiếu tiền đạo tôi nghĩ cũng bình thường thôi. Đó là hệ quả của một quá trình thiếu định hướng, không xây dựng được một hệ thống phát triển cho bóng đá Việt Nam.
Bây giờ Anh Đức chia tay đội tuyển, Tiến Linh chấn thương, Đức Chinh mất phong độ còn Công Phượng thì không biết như thế nào, trong khi Việt Nam lại phải chuẩn bị cho năm 2019 với những mục tiêu rất cao thì ông Park lo lắng cũng đúng thôi“, ông Đoàn Minh Xương phân tích.
2.Nhìn sang các nước trong khu vực, chuyên gia Đoàn Minh Xương lấy cách làm của Thái Lan để dẫn chứng cho luận điểm của mình.
“Mọi chuyện bây giờ là hệ quả tất yếu của cả một quá trình thôi chứ trách ai bây giờ. Cứ bắt dùng cầu thủ trẻ rồi CLB thua, xuống hạng thì tính sao? Không có lộ trình cụ thể nên rất khó.
Ví dụ rất gần là Thái Lan. Bây giờ họ cho dùng 4 ngoại binh, còn có thêm 3 suất cầu thủ Đông Nam Á nữa. Điều đó không những giải quyết vấn đề chuyên môn mà còn nằm ở cả hình ảnh và thương hiệu nữa.
Đơn cử nếu V.League mà có cầu thủ Thái sang đá thì khán giả Thái Lan chắc chắn họ sẽ quan tâm. Khi đó giải đấu sẽ hấp dẫn hơn, thu được nhiều tiền bản quyền hơn về cho BTC và các CLB.
Hay cách Thái Lan mời Việt Nam và Ấn Độ dự King’s Cup cũng cho thấy tầm nhìn khôn ngoan của họ. Không đơn thuần nằm ở chuyên môn mà giờ hình ảnh, thương hiệu giải đấu trở nên hấp dẫn hơn, bản quyền truyền hình tăng lên thấy rõ.”
Thậm chí, ông Xương còn cho rằng bóng đá Việt Nam đạt thành tích tốt trong thời gian qua bởi đang có được một thế hệ cầu thủ tốt. Tuy nhiên sau khi thế hệ này qua đi, mọi chuyện sẽ lại sa vào bế tắc.
“Chúng ta phải đánh giá được tình trạng nền bóng đá Việt Nam để có lộ trình phù hợp. Chứ còn bây giờ được giải nào hay giải đó thôi. Được thế hệ cầu thủ này tốt thì cứ xài cho hết đi, qua rồi thì lại đến lúc phải âu lo. Mọi chuyện cứ luẩn quẩn giống như một cây bút chì, ta cứ gọt cho thật nhọn rồi cũng đến lúc nó phải hết.
Bản chất vấn đề là như vậy. Còn những gì đạt được trong năm 2018 và đầu năm 2019 không nói lên được Việt Nam là một nền bóng đá mạnh. Điều đó nằm ở nhiều tiêu chí lắm, chứ không phải chỉ có thành tích của ĐTQG.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng sau “thế hệ vàng” ở thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam có thể rơi vào bế tắc.
Giờ nói đâu xa, nhìn ngay vào V.League cũng thấy ngoại binh đâu có giỏi, nhưng vẫn phải thuê vì làm gì có tiền để mời được người hay. Các CLB gần như cũng luôn đá kiểu 8 cầu thủ Việt Nam phòng ngự rồi phất bóng dài lên cho tiền đạo ngoại.
Với nguồn lực hiện tại, thay vì 14 chỉ nên có 8 đội chuyên nghiệp thôi thì tự nhiên mọi thứ chất lượng lên ngay. Chứ bây giờ có đội đúng kiểu nay ăn cơm nhưng mai chả biết còn cháo mà ăn hay không. Sống nhờ ông bầu thì đến lúc họ rút lại lao đao.
Cách làm bóng đá không có nền tảng, làm tới đâu hay tới đó thì HLV Park Hang-seo than thở cũng đúng thôi. Tới thời điểm này Việt Nam có tiền đạo hay mới bất ngờ, chứ còn không có tiền đạo thì lại bình thường“, chuyên gia Đoàn Minh Xương kết lại.
Chính sách dùng ngoại binh của các nền bóng đá châu Á trong khu vực
Thái Lan: 7 ngoại binh bao gồm: 3 Đông Nam Á + 3 Châu Á + 1 của quốc gia khác
Malaysia: 5 ngoại binh bao gồm: 1 Đông Nam Á + 4 của quốc gia khác.
Ngoại binh Đông Nam Á phải có tối thiểu 30 lần khoác áo ĐTQG.
Trung Quốc: được đăng ký 4 ngoại binh bao gồm 3 cầu thủ đá chính, 1 dự bị.
Trước đây Chinese Super League từng có yêu cầu các CLB phải có 1 cầu thủ U23 trong đội hình xuất phát và không được dùng thủ môn ngoại. Tuy nhiên, hiện tại những quy định này đã được gỡ bỏ do các đội bóng phản đối và tìm cách lách luật (cho cầu thủ U23 đá vài phút đầu trận rồi thay ra).
Nhật Bản: 5 ngoại binh bao gồm: 1 châu Á + 1 Đông Nam Á + 3 của quốc gia khác.
Ngoài ra, J.League là giải đấu gần như không chiêu mộ những cầu thủ châu Phi và gốc Phi.
Hàn Quốc: 4 ngoại binh bao gồm: 1 châu Á + 3 của quốc gia khác.
Đồng thời kể từ mùa giải 2020, K-League sẽ có thêm 1 suất ngoại binh Đông Nam Á.