Chảy máu não thất gây biến chứng giãn não thất có tỷ lệ tử vong rất cao, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Bỏ thi vì tai biến
Ngày 27/6, thí sinh Trần Hoài Nam (19 tuổi, thường trú tại xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hội đồng thi THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ). Sau khi, hoàn thành 2 môn thi Lịch Sử và Địa Lý, chuẩn bị bước vào môn thi Giáo dục công dân thì thí sinh Nam có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt khó nói và liệt nửa người.
Các giám thị và Hội đồng thi đã đưa em xuống phòng y tế của nhà trường để sơ cứu, sau đó gọi xe cấp cứu chuyển thẳng tới Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ.
Theo người nhà của thí sinh Nam thì em có tiền sử dị dạng mạch máu não, năm 2017 đã được phẫu thuật mạch máu não ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bệnh nhân nhanh chóng được sơ cứu và chuyển ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Sau đó Nam được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
ThS.BS. Nguyễn Thị Cúc – Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, tai biến mạch máu não ở người trẻ do dị dạng mạch máu não không phải là hiếm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở nước trẻ.
Ca cấp cứu đột quỵ ở BV trung ương Quân đội 108
Trước đó vào tháng 2/2019, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cấp cứu trường hợp nữ bệnh nhân 18 tuổi vào viện với bệnh cảnh đột ngột đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần. Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng: hôn mê sâu, Glasgow 6 điểm, đồng tử mắt trái 3mm, mắt phải 2mm, phản xạ đồng tử với ánh sáng âm tính, liệt tứ chi, có những cơn duỗi cứng tứ chi.
Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não, mạch não tổn thương chảy máu toàn bộ hệ thống não thất bên, não thất 3, 4 gây giãn hệ thống não thất, nguyên nhân chảy máu là do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch cạnh não thất bên bên trái.
Sau khi hội chẩn, nhóm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 đã quyết định kết hợp nhiều phương pháp điều trị: can thiệp mạch qua da nút khối dị dạng mạch não bằng keo sinh học, sau đó phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở, bơm thuốc tiêu sợi huyết Alteplase theo liệu trình, hồi sức tích cực nội khoa.
Dị dạng mạch máu não rất nguy hiểm
Sau phẫu thuật: Ý thức khá hơn, làm theo y lệnh được, các cơn gồng cứng toàn thân giảm, không còn xoắn vặn tay chân. Bệnh nhân phải điều trị tới 40 ngày với đủ các phương pháp hỗ trợ cấp cứu khác nhau.
Đến khi ra viện bệnh nhân đã ý thức tỉnh, làm theo lệnh được; nói được từng từ, hiểu lời tốt, tứ chi hồi đang hồi phục vận động sức cơ 3/5 và được điều trị phục hồi chức năng.
Bác sĩ Cúc cho biết, những bệnh nhân bị chảy máu não do dị dạng mạch máu não đều nguy hiểm. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đừng coi thường cơn đau đầu
Bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi đang điều trị một bệnh lý không liên quan khác. Nhiều bệnh nhân nhập viện với biểu hiện biến chứng có chảy máu.
Bệnh nhân mắc bệnh dị dạng mạch máu não thuộc nhóm 45 tuổi trở xuống và phát hiện khi bị chảy máu não, đau đầu, động kinh, hoặc tình cờ khi đi khám tầm soát.
Dị dạng mạch máu não có triệu chứng chủ yếu là cơn co giật mới khởi phát, yếu hoặc liệt cơ, mất phối hợp, khó khăn khi thực hiện những động tác phức tạp, chóng mặt, đau đầu, một số trường hợp có bất thường về ngôn ngữ, tê ngứa, đau tự phát…
Nhiều trường hợp bị đau đầu tự mua thuốc điều trị, thậm chí có một số trường hợp chỉ điều trị qua loa các triệu chứng đau đầu, chóng mặt khiến nhiều trường hợp bị tử vong đáng tiếc.
Ngày nay tỉ lệ bệnh nhân được chẩn đoán dị dạng mạch máu não tăng lên nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật ghi hình không xâm nhập.
Với những bệnh nhân bị chảy máu não do dị dạng mạch máu não bác sĩ phải đưa ra nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Tế bào thần kinh là tế bào quý phái không có dự trữ oxy và glucose; nếu chỉ thiếu oxy trong vòng 4 – 5 phút là tổn thương không hồi phục.
Bác sĩ Cúc nhấn mạnh khi những người xung quanh có các dấu hiệu đột ngột đau đầu, chóng mặt, nôn hoặc buồn nôn, rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau: lú lẫn, ngủ gà, hôn mê, khó khăn trong nói, đọc, viết và tính toán, nhìn mờ hoặc mất thị lực một mắt, liệt một chân, một tay hay liệt nửa người… cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế.