Casino do người Trung Quốc mở.
“Tôi không hề vui vì không có người Campuchia nào đến đây trong khi người Trung Quốc không mua những thứ mà tôi bán”, tiểu thương ở Sihanoukville chia sẻ.
Trong những năm gần đây, song song với sáng kiến Vành đai và con đường, lượng lớn người Trung Quốc đã đến Campuchia để khai thác vàng. Dưới cơn sốt vàng như hiện nay, thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia đã tràn ngập người Trung Quốc. Nếu nói thành phố nào ở Campuchia chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc thì đó chính là Sihanoukville.
Các doanh nghiệp TQ muốn biến Sihanoukville thành công trường xây dựng
Sihanoukville, được đặt theo tên vị vua quá cố của Campuchia, là một thành phố cảng của tỉnh Sihanoukville, ở phía tây nam của Campuchia và là cảng nước sâu duy nhất của quốc gia này. Nó đã được khách du lịch phương Tây yêu thích vì những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, đồ ăn giá rẻ và môi trường thư giãn. Nhưng giờ đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã biến Sihanoukville thành một công trường xây dựng khổng lồ.
Đi bộ trên đường phố ở Sihanoukville, du khách sẽ tận thấy dấu ấn của người Trung Quốc, mọi ngóc ngách đều xuất hiện chữ trung Quốc, cửa hàng Trung Quốc, khu phố Trung Quốc, các tòa nhà cao tầng và sòng bạc của người Trung Quốc cũng như những người Trung Quốc đánh bạc ở đây.
Tác phẩm điêu khắc sư tử được đặt bao quanh các tòa nhà do người TQ xây dựng ở trung tâm Sihanoukville. Ảnh: VOA
Ông Y Sokleng, Thị trưởng Sihanoukville cho biết, hiện có khoảng 80.000 người Trung Quốc sống ở trong thành phố, con số ngang ngửa với người Campuchia bản địa. Nhưng một số quan chức thành phố ước tính rằng, số người Trung Quốc thực tế có thể gấp hai đến ba lần so với số dân địa phương.
Cục trưởng Cục cảnh sát Sihanoukville, ông Chuon Narin, trả lời phỏng vấn Bangkok Post vào hồi tháng 7, tiết lộ, gần 90% hoạt động kinh doanh của thành phố được điều hành bởi người Trung Quốc. 150 trong số gần 200 khách sạn và nhà nghỉ trong tỉnh do người Trung Quốc khai thác. Họ cũng đã mở 41 phòng khiêu vũ karaoke, 46 tiệm massage và gần 400 nhà hàng Trung Quốc.
Phát triển mang lại suy thoái môi trường
Đầu tư và phát triển quy mô lớn của người Trung Quốc tại Sihanoukville, song song với việc tạo cơ hội việc làm cũng đã gây ra nhiều vấn đề cho thành phố.
Thin Tatha, một nhà nghiên cứu tại tổ chức phi chính phủ Mother Nature Campuchia, nói với VOA: “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hiện nay. Thứ nhất là vấn đề của hệ thống thoát nước, nước không thể chảy ra biển. Vấn đề thứ hai chính là ngày càng nhiều rác trong thành phố. Vấn đề thứ ba là các con đường (do một số lượng lớn các dự án xây dựng) bị phá hủy hoàn toàn và thành phố rất ngổn ngang“.
Đầu tháng 8, Sihanoukville đã hứng chịu một trận lụt hiếm gặp với nhiều con đường và nhà cửa bị ngập lụt.
Maggie Eno, người sáng lập M’Lop Tapang, một tổ chức phi chính phủ thân thiện với trẻ em, cho biết: “Trung tâm của chúng tôi về giáo dục, y tế v.v… đã đặt ở đây 11 năm. Đến trước tháng 9 năm ngoái, chưa trận lũ lụt nào có thể nhấn chìm tòa nhà này“.
Vào mùa hè năm 2019, Sihanoukville đã hứng chịu một trận lụt lớn chưa từng thấy. Theo một số tổ chức phi chính phủ, điều này có liên quan đến sự tập trung của người TQ ở đây. Ảnh: VOA
Bà nói rằng lũ lụt ở Sihanoukville năm nay đặc biệt nghiêm trọng vì một số lượng lớn đồng cỏ tự nhiên và đường thủy đã bị san lấp để phục vụ dự án phát triển và xây dựng của người Trung Quốc, trong khi thành phố không có hệ thống thoát nước thay thế.
Ngoài việc san lấp những đồng cỏ tích nước, các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc cũng đã lấp hồ ở Sihanoukville để xây dựng tòa nhà.
Thin Tatha nói: “Nước trong hồ này trước đây rất sạch, diện tích cũng lớn hơn bây giờ nhưng kể từ khi người Campuchia chuyển nhượng đất cho người Trung Quốc, họ đã cố gắng lấp hồ. Người dân Sihanoukville đã sử dụng nguồn nước này trước đây nhưng bây giờ thì không thể“.
Vấn đề rác thải nằm ngoài tầm kiểm soát
Một số lượng lớn người Trung Quốc đổ về thành phố, làm việc và sinh sống tại đây, dẫn đến lượng rác thải gia đình tăng mạnh. Do các cơ sở thu gom, xử lý rác thải không kịp đáp ứng nên rác đã chất đống trên đường hoặc đổ ra biển.
Bà Maggie Eno cho biết: “Vấn đề rác thải hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi nước dâng cao và làm ngập đường phố, dòng nước sẽ đưa số rác thải không được thu gom kịp thời trôi dạt trên đường phố. Khi từng túi từng túi rác thải bị đòn vào ống cống hướng ra biển, đến đầu cống nó sẽ bị chặn lại. Hàng ngàn hộp xốp và túi nhựa đã chặn dòng nước. Nước dâng lên ngày càng cao và gây ra lũ lụt“.
Cảng Sihanoukville từ một thị trấn ven biển nhỏ nổi tiếng với du khách phương Tây đã biến thành một công trường xây dựng lớn bởi người Trung Quốc. Theo các quan chức địa phương, 90% doanh nghiệp ở đây được điều hành bởi người Trung Quốc. Ảnh: VOA
Ông Chương, một chủ kinh doanh người Phúc Kiến, Trung Quốc đến Sihanoukville để làm ăn vài năm trước, gần đây đã mở một quán bar mới trên tầng thượng tòa nhà. Ông nói rằng sự gia tăng đột ngột và mạnh mẽ về dân số ở Sihanoukville đã gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng của thành phố.
Giá nhà tăng đột biến khiến dân địa phương buộc phải chuyển đi
Song song với suy thoái môi trường, nhiều loại giá khác nhau như giá thực phẩm và bất động sản tăng vọt, đã tác động rất lớn tới các gia đình, xã hội bản địa.
Bà Maggie Eno chỉ ra: “Tốc độ phát triển ở đây vô cùng mạnh mẽ, nhanh đến mức nhiều người Campuchia đã mất nhà mà họ đã thuê vì chủ nhà đã đồng ý cho người Trung Quốc thuế với giá thuê gấp hơn nghìn lần hoặc những chủ nhà này đã bán lại nhà cho người Trung Quốc. Vì vậy, dù các kiến trúc được mở rộng nhưng người Capuchia lại không đủ tiền để ở và như thế họ buộc phải rời đi“.
Bà Roth Chanphalkun, đồng giám đốc của tổ chức M’Lop Tapang đã tiếp xúc trực tiếp với các gia đình người Campuchia bản địa.
Bà nói: “Một số người tìm thấy một mảnh đất nhỏ, họ vẫn có thể mua được. Một số người phải di chuyển, họ không biết họ sẽ đi đâu, vì họ không thể làm công việc họ có thể làm trước đây. Tất cả điều này đã khiến cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn“.
Trong khi, bà Eno cho rằng đầu tư của người Trung Quốc vào Sihanoukville đã gây ra nhiều vấn đề, chủ yếu là do sự phát triển tập trung vào xây dựng các tòa nhà và sòng bạc, nhưng không tập trung vào con người.
Đây là một sòng bạc ở Sihanoukville, Campuchia, do người Trung Quốc kinh doanh. Ảnh: VOA
“Kể từ khi người Trung Quốc đến đây một, hai năm trước, hầu hết các nhà hàng, nhà trọ và khách sạn đều bị dỡ bỏ và thay thế bằng những sòng bạc. Hầu như tất cả những tiểu thương trên bãi biển, xe ba bánh, nhà cung cấp điện thoại di động đều không thể phục vụ khách du lịch quốc tế hay khách du lịch Campuchia nữa. Họ không thể kiếm sống. Họ buộc phải rời thành phố“.
Một thanh niên 28 tuổi người Capuchia cho biết: “Tôi đã từng có một cửa hàng ở đó. Chủ sở hữu cho thuê 500 USD/tháng. Nhưng sau đó ông ấy đã cho người Trung Quốc thuê lại vì họ trả tiền thuê lên tới 1.500 USD/tháng. Tôi không đủ tiền để thuê cửa hàng đó và tôi không có cách nào để mở cửa hàng“.
Điều này thể hiện rõ nhất ở bãi biển Ochheuteal, Sihanoukville. Các bãi biển ở đây vẫn rất đẹp, nhưng không có người dân địa phương hoặc khách quốc tế đến bãi biển. Các nhà hàng và quán bar trên bãi biển về cơ bản do người Trung Quốc mở.
Bo Nov, một tiểu thương 56 tuổi và vợ ông vẫn cố gắng mưu sinh bằng cách mở một quầy ăn nhỏ trên bãi biển trước một nhà hàng Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi không hề vui vì không có người Campuchia nào đến đây trong khi người Trung Quốc không mua những thứ mà tôi bán“.