Dán mắt vào smartphone, 1 trong 6 thói quen gây ra căn bệnh nghiêm trọng cho người trẻ

Thoái hoá cột sống là tình trạng cột sống lão hoá theo tuổi tác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thoái hoá cột sống đang trẻ hoá do những thói quen xấu.

Biến chứng của thoái hoá

Chị Đỗ Thị Huyền (31 tuổi, quê Thái Bình) mệt mỏi đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai vì chứng đau lưng. Căn bệnh đã đeo đuổi chị Huyền 4 năm nay, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của chị.

Chị Huyền kể sau khi giặt xong chiếc ga giường chị nhắc ga lên vắt nước và thấy tiếng cục ở thắt lưng kèm theo cơn đau nhói. Từ đó đến nay, chị Huyền đi chữa ở rất nhiều nơi nhưng không khỏi. Gần đây, bệnh còn biến chứng sang đĩa đệm khiến lưng đau nhiều hơn.

PGS Nguyễn Hoài Nam – giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ đi khám với các triệu chứng thoái hóa cột sống. Có những trường hợp bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi đã thoái hóa nặng.

Bệnh thoái hóa cột sống ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, người bệnh đau đớn, cứng khớp, hạn chế vận động. Nhiều khi không ngoái được cổ, không cúi gập người được hoặc đứng lên ngồi xuống rất khó khăn.

Dán mắt vào smartphone, 1 trong 6 thói quen gây ra căn bệnh nghiêm trọng cho người trẻ - Ảnh 1.

Dùng smartphone làm tăng bệnh lý cột sống.

Biến chứng của bệnh là gây chèn ép dây thần kinh khiến bệnh nhân có dấu hiệu tê tay (đối với thoái hóa đốt sống cổ), tê chân, triệu chứng đau thần kinh tọa (đối với thoái hóa cột sống lưng), nặng hơn sẽ dẫn tới teo cơ, yếu liệt, đi tiểu không tự chủ, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Khi cột sống bị thoái hóa, chỉ với một tác nhân đủ mạnh như: mang vác nặng sai tư thế, động tác thể thao đột ngột hoặc quá sức,… đĩa đệm sẽ bị chèn ép và thoát vị, gây đau đớn, không thể cử động và dẫn tới các nguy cơ tiềm ẩn: đau rễ thần kinh, rối loạn đại tiểu tiện, teo cơ, thậm chí là tàn phế.

Thoái hóa cột sống diễn tiến thành gai cột sống, đau thần kinh tọa, gù vẹo và biến dạng cột sống…

Thói quen gây hại cột sống

Mang, xách nặng: Nếu thường xuyên mang vác vật nặng ở tư thế cúi khom, thì tải trọng tác động lên cột sống sẽ cao hơn so với khi bê vật nặng ở tư thế thẳng đứng. Giải pháp tốt nhất là ôm trước ngực, ép vật đang mang càng sát người càng tốt và luôn giữ tư thế lưng thẳng.

Hoặc xách nặng một bên tay khiến trọng tâm cột sống bị lệch. Sẽ hợp lý hơn nếu chia đều thành 2 túi để xách nặng đều hai tay.

Nhấc vật nặng ở tư thế không phù hợp: Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị đau cột sống cấp tính.

Dán mắt vào smartphone, 1 trong 6 thói quen gây ra căn bệnh nghiêm trọng cho người trẻ - Ảnh 2.

Nhiều thói quen gây hại cột sống

Dùng gối không phù hợp: Ngủ trên một chiếc gối quá cao sẽ dễ gây vẹo cổ, gù, đau nhức cổ, cứng vai gáy sau khi ngủ dậy. Nếu không điều chỉnh kịp thời, tình trạng này kéo dài sẽ là nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

Ngược lại, nếu gối quá thấp hoặc không dùng gối, cổ sẽ ngửa ra phía sau, cơ cổ sẽ bị chùng xuống, khiến xương sống bị cong, dẫn đến đau cổ và cứng khớp… Thời gian dài sẽ khiến cổ bị co cứng, ảnh hưởng xấu tới đốt sống cổ. Một chiếc gối phù hợp sẽ giúp chúng ta ngủ ngon và không gây những tác hại lên cột sống.

Smartphone: Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người hiện nay. Tuy nhiên, đây chính là một trong những “thủ phạm” gây ra cong vẹo cột sống cổ và lưng. Vì với tư thế cúi đầu khi nhắn tin sẽ gây áp lực cho tủy sống và cột sống cổ, khiến tình trạng cong vẹo cột sống tiến triển nhanh hơn.

Giải pháp nên đặt điện thoại ngang tầm mắt khi sử dụng (không nên đặt trên đùi hay mặt bàn thấp). Bên cạnh đó, việc hạn chế sử dụng smartphone liên tục trong thời gian dài cũng giảm đáng được nguy cơ cong vẹo cột sống và những bệnh khác về mắt và thần kinh.

Tư thế làm ngồi làm việc: Cúi khom người, hoặc tựa toàn bộ người lên dựa ghế là nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống, cong vẹo cột sống ở nhân viên văn phòng.

Lời khuyên là điều chỉnh ghế thích hợp, tránh cúi người về phía trước hoặc ngã người ra sau quá nhiều. Tư thế đúng là lưng thẳng tạo thành góc vuông với cánh tay để trên bàn, chân chạm sàn cho cảm giác thoải mái nhất.

Không nên ngồi làm việc quá lâu một tư thế. Nên vận động, nghỉ giải lao sau khoảng 60 phút làm việc. Nhờ đó cột sống được “thư giãn” và tránh tình cong vẹo cột sống.

Các động tác sai: Đột ngột, như ngủ bật dậy. Tư thế với như lấy đồ trên cao hoặc vặn xoay nửa người ra phía sau khi cần trao đổi hoặc lấy đồ… là những tác hại không nhỏ đến cột sống.

 

Ngọc Anh , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/dan-mat-vao-smartphone-1-trong-6-thoi-quen-gay-ra-can-benh-nghiem-trong-cho-nguoi-tre-82019412215178.htm