Quán nhỏ nằm trên đường Lý Thái Tổ, phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) nhưng lại là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách yêu thích các món bánh truyền thống, dân dã của quê hương: Bánh bèo và bánh bột lọc. Chủ quán là đôi vợ chồng già nhưng vẫn hàng ngày cần mẫn với nghề đã được trao truyền qua bao thế hệ.
Quán có cái tên rất đẹp: Ngọc Sương (đặc sản bánh bèo gia truyền) do bà Phạm Thị Ngọc Sương (66 tuổi), người đã gắn bó với nghề làm bánh khoảng 30 năm qua và là người trực tiếp trao truyền cho chồng, con cùng những người thân gia đình. Nghề làm bánh, nhất là món bánh bèo được xem là “báu vật” mà gia đình bà gìn giữ.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, bà Ngọc Sương đã được chứng kiến bà ngoại làm bánh với các loại bánh khá phổ biến ở TP. Đồng Hới, như: Bánh chì, bánh rán và ấn tượng nhất là bánh bèo bởi loại bánh này trải qua nhiều công đoạn. Mẹ của bà Ngọc Sương cũng là “tay” làm bánh có tiếng một thời và nhờ nghề này mà cả gia đình bà có cuộc sống ổn định, êm ấm.
Từ nhỏ được phụ bà, phụ mẹ làm bánh nên bà Sương đã “nằm lòng” bí quyết để có món bánh thơm ngon, đậm đà hương vị quê nhà mà không nhiều người làm nghề có được. Chồng bà là ông Đinh Gia Bình, từng là người lính tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xuất ngũ lập gia đình, ông đồng hành cùng bà trong công việc làm bánh và trở thành nhân lực chính của nghề. Ở tuổi 67 nhưng trông ông rất nhanh nhẹn, hoạt bát “luôn tay, luôn chân” khi làm bánh.
Nếu như trước đây, bà Sương nắm vai trò chủ đạo trong làm nghề thì những năm gần đây, sức khỏe của bà không được tốt, ông thay bà đảm đương mọi công việc để giữ nghề. Ông Bình, bà Sương đều là người gốc Đồng Hới (phường Đồng Hải ngày nay). Vì chiến tranh nên sơ tán lên vùng Cộn và gắn bó với mảnh đất này. Hai ông bà đều tâm niệm là dù có khó khăn đến mấy cũng không để nghề thất truyền, phải giữ nghề, phát truyền nghề để ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước.
Một ngày của ông Đinh Gia Bình bắt đầu từ 4 giờ 30 phút với công việc đầu tiên là nhen lò, xay bột, trộn bột, bắc nồi lên bếp… Trong khoảng thời gian chờ nước sôi, ông tranh thủ ra sân tập thể dục rồi vào đổ bánh để tầm 6 giờ là có sản phẩm phục vụ học sinh ăn sáng trước khi tới trường và thực khách ở các độ tuổi. Hàng chục năm làm nghề, trải qua nhiều thời điểm hết sức khó khăn nhưng lúc nào bà Sương cũng canh cánh bên mình lời dạy của bà ngoại rằng: “Phải đặt cái tâm làm nghề lên hàng đầu. Phải chọn cho được tôm tươi, tôm tự nhiên để làm nhân bánh. Không vì lợi nhuận hay một lý do gì mà mua tôm không bảo đảm chất lượng”.
Ghi nhớ lời dạy của bà ngoại, gia đình bà Sương luôn lấy chất lượng để tạo dựng thương hiệu bánh cho gia đình mình. Muốn có bánh ngon, đậm vị béo, thơm, mềm, ngọt… ông bà luôn chọn loại gạo không quá dẻo, cũng không quá khô rồi giã, xay, trộn theo công thức riêng của gia đình. Nhân bánh phải là tôm sông tươi sống (tôm đất) cộng với ít thịt nạc tươi ngon. Để bánh có độ dẻo vừa, mềm và mướt, gia đình bà Sương luôn sử dụng bếp than khi hấp bánh chứ không dùng lò điện vì nếu dùng lò điện, bánh không bảo đảm độ ngon, lại nhanh cứng dù tốn rất ít thời gian.
Nếu như ở Thừa Thiên-Huế, người ta đổ bánh bèo vào những chiếc chén nhỏ, mỗi chén một bánh thì bánh bèo Đồng Hới lại có cách bài trí riêng, hương vị riêng. Những chiếc bánh tròn, mỏng, trắng đến tinh khôi, đều tăm tắp được xếp rất khéo léo trên đĩa. Mỗi lớp bánh được rải đều một lớp tôm chấy vàng, phần trên cùng là ít một ít tóp mỡ.
Việc chế biến nước mắm cũng đòi hỏi sự khắt khe không kém phần chọn bột, chọn tôm. Nước mắm phải là loại nguyên chất, được chưng cất theo phương pháp thủ công từ các làng nghề truyền thống vùng biển Quảng Bình, cộng với các gia vị để tạo vị thơm, độ mặn, ngọt vừa phải. Khi ăn, thực khách dùng thìa cho nước mắm rải đều trên bánh và cảm nhận vị mát dịu của chiếc bánh, cùng với vị thơm bùi của tôm, cảm giác giòn tan của tóp mỡ và sự đậm đà của nước mắm.
Để làm nên những chiếc bánh giống nhau, ông Bình đã dùng chiếc mâm nhôm mang đến thợ gò thành những khuôn nhỏ hình tròn. Ông cho rằng, với sáng kiến này, có thể đổ một lúc nhiều bánh thay vì sử dụng khuôn có sẵn (diện tích nhỏ) nhằm tiết kiệm thời gian, công sức.
Cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn, món bánh bèo Ngọc Sương nổi tiếng không chỉ ở TP. Đồng Hới mà còn thu hút rất đông khách du lịch đến thưởng thức và mua làm quà tặng cho người thân, gia đình. Quán nhỏ ngay trước hiên nhà bà Sương trở thành điểm hẹn của nhiều gia đình, đông nhất là các dịp cuối tuần, dịp nghỉ lễ.
Nhờ làm bánh, ông Bình, bà Sương nuôi 4 người con ăn học thành tài (4 người con đều tốt nghiệp đại học), trong đó, người con trai đầu có trình độ tiến sĩ. Điều đặc biệt là các con của ông bà đều tiếp cận với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Riêng người con trai thứ 3 là anh Đinh Phạm Gia Dũng dù đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, thu nhập tốt ở TP. Hồ Chí Minh nhưng khi thấy cha mẹ già yếu, anh đã lựa chọn về quê nối nghề từ cha mẹ.
Anh Đinh Phạm Gia Dũng trải lòng: “Khi nghe cha mẹ nói rằng chắc chỉ duy trì nghề làm bánh được vài năm thôi vì sức khỏe yếu, tôi thấy xót xa lắm. Sau nhiều ngày suy nghĩ, lựa chọn có cả sự đánh đổi được mất, vợ chồng tôi quyết định về về quê nối nghề từ cha mẹ và là thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề này…”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Dũng chia sẻ: Tuổi trẻ, được đi đây, đi đó thưởng thức ẩm thực đủ mọi vùng miền, nhưng lại thiếu món ngon Quảng Bình. Mỗi lần về quê, anh đều mang bánh bèo, bánh lọc vào làm quà và được các bạn rất thích thú, ai cũng tấm tắc khen ngon. Từ đó, anh luôn trăn trở làm sao để các món ăn truyền thống của quê nhà được nhiều người biết đến. Vì vậy, khi về quê, anh đã dành nhiều tâm huyết, công sức để đưa món bánh của gia đình đến được nhiều hơn với thực khách, nhất là khách du lịch.
Ngoài bánh bèo, anh còn đầu tư nhiều thời gian cho món bánh bột lọc, chuẩn bị các phụ kiện để đóng gói, bảo quản thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mua bánh làm quà của khách du lịch. Anh đang nỗ lực từng ngày để xây dựng thương hiệu bánh bèo, bánh bột lọc Ngọc Sương phát triển không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn lan rộng đến các địa phương khác trên cả nước.