Đây là ý kiến được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay (3/11).
Thay đổi mang tính bước ngoặt
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai…
Các đại biểu bày tỏ kỳ vọng việc sửa đổi Luật lần này sẽ thể chế được đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời bảo đảm tính khả thi của các quy định.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) cho biết, qua thực tiễn xét xử của ngành Tòa án, hiện nay, tại Hà Nội, 90% giải quyết khiếu nại hành chính, 50% các vụ tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai; nhiều vụ án hình sự lớn cũng liên quan đến đất đai.
Nguyên nhân cơ bản, cốt lõi nhất của thực tế trên, theo đại biểu, là do Luật Đất đai năm 2013 không còn phù hợp với hiện tại, khiến tranh chấp đất đai “kéo dài, liên miên, không có hồi kết”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính chỉ ra một số vấn đề như cơ chế về giá, cơ chế quản lý và cơ chế bồi thường. Trong đó, với vấn đề về giá, theo đại biểu, có nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại, như quy định pháp luật đất đai không phù hợp, chưa đầy đủ, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.
Trong khi đó, quy định giá bồi thường đất quá thấp, không phù hợp với thực tiễn; chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù thấp; chênh lệch giá giữa thành phố và nông thôn, thành phố và các tỉnh lân cận, giữa thành thị và nông thôn quá cao… dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, việc khiếu kiện kéo dài.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, chúng ta chưa có cơ chế quản lý phù hợp, chưa có hướng dẫn cụ thể các phương thức thu hồi đất đai.
Bên cạnh đó, việc cấp, thu hồi sổ đỏ, thu hồi đất đai của cơ quan nhà nước chưa chuẩn, còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện kéo dài, liên tục; các quyết định hành chính của nhà nước về cấp, thu hồi đất chưa cao.
Nhận thức của người dân chưa cao; công tác giải quyết mốc giới đối với các hộ dân, vấn đề thừa kế của thành viên gia đình còn tồn tại… do cơ chế chưa chặt chẽ cũng được đại biểu đề cập.
Trong bối cảnh như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là thay đổi mang tính bước ngoặt, đột phá về tư duy quản lý, chuyển từ tư tưởng quản lý dùng biện pháp hành chính sang sử dụng công cụ thị trường.
Dẫn quy định về khung giá đất, đại biểu cho rằng, việc chuyển từ Nhà nước quy định như trước đây sang xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường có thể là gốc để giải quyết rất nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến đất đai, xóa bỏ được phần lớn tiêu cực, bức xúc hiện nay.
Khắc phục khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
Quy định về việc thu hồi đất tại dự thảo Luật là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc thu hồi đất phải đảm bảo lợi ích quốc gia; đảm bảo việc bồi thường, di dời để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế cho người dân đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này cũng góp phần đảm bảo lợi ích của người dân cũng như khắc phục tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, để thực hiện được nhiệm vụ thu hồi đất, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phân cấp mạnh và giao quyền cho các địa phương nhiều hơn trong việc định giá đất, trưng cầu ý kiến của người dân về vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng phù hợp với nhu cầu, thực tiễn cũng như nguyện vọng của người dân ở địa phương đó.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, đây là luật khó. Liên quan đến một số nội dung mà Chính phủ xin ý kiến, về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, chủ trương này được nêu rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Tuy nhiên, khi thiết kế thành luật, cần hết sức cẩn thận trong quy định về hạn mức. Bộ trưởng Lê Thành Long bày nhất trí về chủ trương này nhưng đề nghị giao cho cấp tỉnh, có thể là HĐND cấp tỉnh hoặc quy định khung hạn mức chung cho toàn quốc.
Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện để Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Điều 134 của dự thảo Luật, bổ sung các trường hợp để hạn chế tối đa việc không đấu giá, đầu thầu quyền sử dụng đất nhằm thể chế hóa kỹ hơn Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Về các trường hợp đặc biệt về ưu đãi đầu tư và một số chính sách xã hội đặc thù khác, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị tính toán quy định “chính sách xã hội đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định liên quan đến chế độ và quyền để thực hiện trong sử dụng đất”, có những tiêu chí cụ thể quy định ngay trong luật để Chính phủ có điều kiện quy định cụ thể.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại điều 86 của dự thảo Luật, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh yêu cầu quy định bám sát Điều 54 của Hiến pháp.
“Đối với việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh thì tương đối rõ nhưng với các dự án phát triển phát triển kinh tế – xã hội thì nguyên tắc là phải bồi thường thỏa đáng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Về giá đất, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, giá đất định theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Do đó, cần có tính toán để đưa thêm các yếu tố khác nhau để tính bình quân mang tính đại diện nhiều hơn. Đồng thời, cần có cơ chế tập thể, tăng cường vai trò tư vấn. “Trong trường hợp làm khách quan vô tư vì cái chung không có yếu tố vụ lợi sẽ thực hiện được.
Điều 235 của dự thảo Luật quy định, tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đây là quy định rất tốt nhưng không khả thi vì số lượng các vụ khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai rất nhiều, trong khi khả năng xử lý của tòa án trong điều kiện hiện nay chưa đáp ứng được. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị tính toán, phân loại để các cơ quan hành chính ở các cấp xử lý một phần công việc.
Hoàng Nam (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/dam-bao-loi-ich-cua-nguoi-dan-khi-thu-hoi-dat-d186168.html