Hiện trường vụ tai nạn ở Long An.
Đại tá Trần Sơn cho hay, theo con số khảo sát đối với lái xe container, xe kéo rơ – móc, xe tải nặng có tới 30 đến gần 40% số lái xe dương tính với ma túy.
Lái xe container sử dụng ma túy rất nhức nhối, vô cùng nguy hiểm
Trao đổi với PV, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó Phòng hướng dẫn Luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, việc tài xế xe container gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Long An vừa sử dụng rượu bia, lại dương tính với heroin là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.
“Có thể nói, việc tài xế xe container ở Long An sử dụng rượu bia, dương tính với ma túy mà vẫn điều khiển xe như vậy là coi thường tính mạng của mình và những người khác.
Việc gây ra vụ tai nạn đó có thể xem như hành vi giết người hàng loạt của tài xế chứ không còn là vi phạm quy định của luật an toàn giao thông”, Đại tá Sơn nói.
Ông nhấn mạnh, thực tế, vấn đề tài xế sử dụng rượu bia, nồng độ cồn quá quy định nhưng vẫn điều khiển phương tiện, gây tai nạn đang gây rất nhiều nhức nhối, bức xúc trong dư luận xã hội và vụ tai nạn ở Long An là một trong số các điển hình.
Đại tá Trần Sơn.
“Phương tiện ôtô, xe máy được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ trong tham gia giao thông, do đó, pháp luật đã quy định rất chặt chẽ việc các tài xế không được sử dụng rượu, bia, chất kích thích quá nồng độ trong lúc lái xe để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
Cùng với đó, các mức phạt rất cao về tiền, tước bằng lái xe cũng được đưa ra.
Tuy nhiên, thực tế, việc tài xế sử dụng rượu bia rồi lái xe vẫn diễn ra phổ biến và từng giờ, từng ngày, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân tham gia giao thông.
Vì vậy, các cơ quan chức năng ngoài tuyên truyền cần có chế tài, biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa với vấn đề này”, Đại tá Sơn đặt vấn đề.
Bên cạnh vấn đề rượu bia, vị Đại tá CSGT nêu ra thực tế, cách đây khoảng 6 – 7 năm, qua số liệu kiểm tra, khảo sát của ngành giao thông phối hợp với ngành y tế, đối với các lái xe container, xe tải nặng, xe kéo… có một số lượng lớn dương tính với ma túy.
“Thời điểm đó, theo con số khảo sát của cơ quan chức năng đối với lái xe container, xe kéo rơ – móc, xe tải nặng có tới 30 đến gần 40% số lái xe dương tính với ma túy. Đây là con số rất nhức nhối và vô cùng nguy hiểm.
Bởi, khi tài xế sử dụng ma túy sẽ tạo ra những ảo giác, cảm giác khiến điều khiển xe không chuẩn, rất dễ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng”, Đại tá Sơn chỉ rõ.
Cần xử lý nghiêm lái xe nghiện ma túy
Đại tá Trần Sơn cho hay, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều lái xe đã nói rõ lý do sử dụng ma túy nhằm mục đích giữ tỉnh táo, đảm bảo công việc.
“Nhiều lái xe đã nói do áp lực công việc, phải chạy quay vòng liên tục, chạy xuyên đêm nên để đảm bảo sức khỏe, tỉnh táo, họ đã sử dụng các chất kích thích, ma túy. Có tài xế nghiện lúc nào không biết và khi lên cơn phải phóng bạt mạng để đến chỗ mua thuốc”, Đại tá Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, đối với các tài xế được cấp bằng lái FC không hề đơn giản và nhiều doanh nghiệp vận tải biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn thuê do bất cập ở vấn đề cung – cầu.
“Thực tế, nhu cầu về tài xế có bằng lái xe FC hiện rất lớn nhưng cung thì có hạn. Bởi bằng lái này đòi hỏi rất chặt chẽ, cụ thể, phải có bằng lái xe tải trong vòng bao nhiêu năm mới được học, nâng cấp chuyên môn, kỹ thuật… và thi để lấy bằng FC.
Do đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trong lúc thiếu và có thể biết lái xe đó nghiện ma túy nhưng vì áp lực công việc, kinh doanh, lợi nhuận nên vẫn chấp nhận”, ông Sơn nêu.
Ông nhấn mạnh, qua vấn đề trên cho thấy, một số cơ quan chức năng còn buông lỏng việc kiểm tra sức khỏe của các tài xế xe container, xe đầu kéo…
“Tôi thiết nghĩ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo ngay việc rà soát hệ thống đào tạo lái xe, trong đó cần kiểm tra toàn diện sức khỏe, thử ma túy đối với tất cả tài xế, đặc biệt là tài xế xe khách đường dài, xe container, xe tải nặng…
Đối với người đã sử dụng ma túy, chỉ cần kiểm tra đột xuất sẽ phát hiện ngay có dương tính hay không. Khi xác định đúng, cần có biện pháp xử lý người nghiện theo quy định như tịch thu bằng lái, cấm lái xe vĩnh viễn hoặc có thời hạn tùy theo mức độ”, Đại tá Sơn nêu quan điểm.