Ảnh minh họa về lễ hội đập trâu ở Phú Thọ hiện đã được xóa bỏ.
Theo Đại đức Thích Minh Thành, đầu xuân lẽ ra con người nên làm những việc thiện nhưng lại sát hại dã man động vật thì việc cầu mong sẽ khó thành như mong ước.
Đâm trâu, chém lợn là quá man rợ, vô nhân tính
Trong mùa lễ hội đầu năm, bên cạnh những sự an lành thì một vài lễ hội có màn chém giết động vật để tế lễ, gây ra nhiều ý kiến phản đối trong dư luận xã hội.
Trên trang cá nhân của mình, Đại đức Thích Minh Thành, trụ trì chùa Linh Quang (thôn Chương Nghĩa, Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã bày tỏ ước nguyện được gửi các cơ quan chức năng về việc đề nghị nên xóa bỏ ngay tập tục đâm trâu, đập trâu… lễ hội đầu năm mới.
Trao đổi với PV, Đại đức Thích Minh Thành cho biết, ông đã phát nguyện ăn chay trường trước khi đi tu theo Phật nên khi nhìn thấy hình ảnh các con vật bị đày đọa, đặc biệt, các con trâu hiền lành bị đâm, đập đến chết bản thân thấy rất xót xa, đau lòng.
Đại đức Thích Minh Thành.
“Một con vật hiền lành như con trâu, từng được coi là “đầu cơ nghiệp” mà lại bị đâm, đập, cắt gân cho đến lúc quỵ xuống, ngã ra và chết… Hay những con lợn bị trói 4 chân rồi 4 người mặc áo lễ hội kéo chân ra, 1 người cầm mác chém với máu me… để lấy thịt cúng tế.
Những hình ảnh đó đưa lên thực sự rất phản cảm và thể hiện rõ sự quá man rợ, quá vô nhân tính của con người đối với loài vật hiền lành”, Đại đức Minh Thành nêu.
Cảnh tượng trâu bị treo cho đến chết trong một lễ hội ở Yên Bái đã phải thay đổi sang mổ trâu sau khi dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ. (Ảnh chụp năm 2017).
Nhà sư nói thêm, mỗi lần nhìn người ta giết các con vật một cách “man rợ” như vậy, bản thân ông dù rất xót ruột nhưng không biết làm sao có thể giáo hóa cho nhân dân các nơi đó được.
Do đó, năm nay, ông lấy một số hình ảnh ở các lễ hội đâm, đập trâu đưa lên trang Facebook cá nhân với ước nguyện trình lên các cấp chính quyền, mong có tấm lòng từ bi, hiểu được nỗi đau khổ của các con vật, để có biện pháp, quyết định xử lý, giúp giảm bớt đau thương.
Đại đức Thích Minh Thành phân tích thêm, đầu xuân năm mới lẽ ra con người nên làm những việc thiện tâm, cứu giúp người khác cũng như các con vật nhưng lại làm việc ác, sát hại dã man động vật thì việc cầu mong sẽ khó như mong ước.
“Trong giáo lý của Đức Phật dạy rằng, nếu mình muốn có tuổi thọ thì phải tạo ra được sự sống thọ cho người khác và chúng sinh.
Những ngày đầu xuân năm mới, chúng ta đang đi thỉnh phúc, cầu mong sự bình an mà lại tạo ra sự chết non, chết yểu, đau khổ, nghiệt ngã cho chúng sinh như đâm trâu, chém lợn… thì làm sao chúng ta có phúc, bình an.
Đây cũng chính là câu trả lời cho nhiều phật tử, nhân dân đến chùa cầu xin bình an, phúc lành nhưng hầu như đều không được như ý”, Đại đức Thích Minh Thành bày tỏ.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho rằng, trong thời gian qua, một số lễ hội mang tính bạo lực với động vật như chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) hay đâm, đập trâu đã có những tiến bộ khi không thực hiện các hành động bạo lực, dã man với động vật một cách công khai.
Tuy nhiên, các nghi lễ này vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng tiêu cực và bị cộng đồng trong nước cũng như quốc tế phản đối, bởi hành vi hiến tế bằng cách hành hạ vật nuôi đến chết cần được chấm dứt.
Cảnh chém lợn ở làng Ném Thượng nay đã được đưa vào chỗ kín và chỉ một số ít người được theo dõi. Ảnh: Kenh14.
“Mặc dù được giới thiệu là lễ hội truyền thống nhưng đây là thực hành đã lỗi thời và ngày càng có nhiều người Việt Nam phản đối hành động ngược đãi động vật trong các lễ hội này.
Lịch sử và truyền thống không nhất thiết phải được kỷ niệm bằng những hành vi bạo lực và tàn ác với động vật”, đại diện Tổ chức Động vật châu Á nêu rõ.
Nên thu hẹp lễ hội đâm trâu, chém lợn lại trong cộng đồng
Trong khi đó, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng, các lễ hội xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, những lễ hội hiến tế đối với họ cũng mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, với mục đích tế thần để cầu mong may mắn, mùa màng bội thu.
Ông nói những hình ảnh được cho là phản cảm, man rợ hay đầy bạo lực đều xuất phát từ cảm nhận của những “người ngoài”, tức là những người chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của từng lễ hội.
“Đúng là nếu ở ngoài nhìn vào, sẽ thấy những hình ảnh chém lợn, đâm trâu đáng sợ thật, nhưng những người dân địa phương, những chủ thể văn hóa của các lễ hội này lại không thấy như thế.
Trong khi đó, họ mới là người quyết định có nên bỏ hay không các lễ hội đó, còn không một ai có quyền phán xét việc tổ chức các lễ hội này là đúng hay sai”, ông nói.
Vị GS này bày tỏ, trước đây ông cũng đã nêu ý kiến, nên thu hẹp lễ hội trên trong cộng đồng, không mở rộng ra khỏi làng, xã.
Ví dụ, lễ hội chém lợn sẽ là nội bộ của người làng Ném Thượng, người ngoài làng và trẻ em sẽ không được tham gia lễ hội; hay tục đâm trâu, đập trâu, xẻ thịt trâu sau mỗi cuộc đấu cũng chỉ nên diễn ra trong nội bộ, không nên công khai trước đông đảo dân chúng.
Nếu làm được này sẽ vừa để tránh dư luận mà vẫn giữ được tập tục truyền thống.