Người dân nhận lộc sau khi dự lễ dâng sao giải hạn tại một ngôi chùa ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.
Theo Đại đức Thích Minh Thành, hiện nay, có một số chùa đang “lạm dụng vào cửa Phật” và lợi dụng việc “dâng sao giải hạn để ra giá” đối với người dân muốn làm lễ.
Dâng sao giải hạn: Từ tín ngưỡng dân gian thành “mê tín, cuồng tín”
Mỗi năm đều đặn cứ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội lại tấp nập người đến cúng sao giải hạn, cầu an.
Với tâm lý lo sợ sao xấu chiếu mệnh, hàng nghìn người đội mưa, kê ghế ngồi lòng đường vái vọng vào một số ngôi chùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa dâng sao giải hạn.
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, tín ngưỡng dâng sao giải hạn đã tồn tại từ lâu đời trong dân gian.
Tín ngưỡng này nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão tử của Trung Quốc. Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo nó dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa, đồng thời, tín ngưỡng này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt.
Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Cụ thể, có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái âm, Mộc đức, Vân hán, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mạng, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn. Do đó, phải thực hiện việc cúng dâng sao, giải hạn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.
Theo ông Tiến, ông đã tìm kiếm các tài liệu từ trước năm 1954 miền Bắc đã có chuyện người dân đến các đền, phủ để dâng sao, giải hạn nhưng thời điểm đó, đây chỉ là một tín ngưỡng và thực hiện rất đơn giản chứ không như hiện nay.
“Người dân tin rằng, mỗi con người sinh ra thì trời an bài cho một số phận và cho năm này như thế này, năm sau như thế kia…, vì thế, mọi người đều chấp nhận.
Riêng những năm mà tử vi chỉ ra chịu sao xấu phải dâng sao giải hạn nhưng chỉ mua sắm một số thứ cần thiết, rồi làm một cái lễ nhỏ tại đền, miếu… chứ không phải làm rầm rộ, to lớn, đi hàng đoàn như hiện nay”, ông Tiến nói.
Nhà nghiên cứu này chỉ rõ, rất nhiều nhà khoa học, nhà sư đã khẳng định, dâng sao giải hạn không thể giúp xóa đi những tai ách, hạn của con người có thể gặp trong năm đó mà chỉ an ủi về tinh thần, liều thuốc ru ngủ, xoa dịu nỗi lo lắng của con người.
Tuy nhiên, theo ông, đúng là “sự lạ lùng” khi hiện nay, dân trí cao hơn, sự hiểu biết rộng lớn nhưng rất nhiều người lại đi biến một hoạt động tín ngưỡng dân gian là dâng sao, giải hạn trở thành “mê tín, cuồng tín”.
“Về cơ bản, nguyên nhân chính là do niềm tin với xã hội trong người dân giảm đi nhiều, cộng vào đó sự bất an ở xã hội ngày càng tăng lên.
Bởi không biết trông cậy vào đâu để bảo vệ, giải quyết nỗi bất an, làm cho mình an toàn nên người ta đành dựa vào dâng sao giải hạn để giải quyết nỗi lo lắng đó. Họ tin rằng, khi làm sẽ giảm, trừ bỏ, khiến cái hạn không ảnh hưởng đến cuộc sống trong năm đó.
Cũng từ đây, rất nhiều lễ to, đàn lớn với chi phí không hề nhỏ được thực hiện”, ông Tiến bày tỏ.
Một số nhà tu hành đang “lạm dụng vào cửa Phật” trong việc dâng sao giải hạn?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh thêm, trước đây, việc dâng sao giải hạn thường được tổ chức ở các đền, miếu chứ không hề thực hiện ở các chùa.
Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều chùa từ thành phố đến làng quê, các nhà sư trụ trì đều thực hiện việc này.
“Việc tổ chức cúng dâng sao giải hạn ở các chùa là trái với giáo lý của Phật giáo. Tôi đã trực tiếp đến một số chùa và thấy, một số nhà sư trụ trì khi làm có giải thích rất rõ cho người dân là làm việc này chỉ để giúp yên tâm chứ không giải quyết, xóa bỏ được sao xấu, hạn…
Nhưng một số trụ trì khác lại lờ đi việc giải thích rõ mà chỉ lợi dụng vào nắm bắt tâm lý bất an của người dân khi có sao xấu trong năm để nhằm mục đích thương mại hóa, biến thành thương vụ làm ăn… Đây là điều hoàn toàn sai trái”, ông Tiến chia sẻ.
Ông cũng dẫn thêm ví dụ, về việc một ngôi chùa có tiếng ở Hà Nội đã thu mỗi người đến dâng sao từ 200.000 – 300.000 đồng để làm lễ dâng sao, nhưng khi cúng, nhiều người dân dù đã nộp tiền đầy đủ lại không thấy tên của gia đình được xướng lên.
“Nguyên nhân về sau được xác định là do nhà chùa nhận quá nhiều người đến dâng sao dẫn đến bị thiếu, sót không ít tên các gia đình. Như vậy, rõ ràng mất tiền rồi nhưng cũng chẳng được gì cả”, ông Tiến bày tỏ.
Đại đức Thích Minh Thành (trụ trì chùa Linh Quang, thôn Chương Nghĩa, Nghĩa Châu, Nghĩa Hưng, Nam Định) nhìn nhận, thực chất dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật không có.
Nhưng với tâm từ bi của tăng ni thời xưa đã chuyển hóa đưa lễ này vào chùa với mong muốn người dân biết về kính lễ Phật, được nghe giảng giải, bỏ điều xấu, ác, năng làm việc thiện và không làm các khóa lễ lớn, tốn kém bên ngoài.
“Lễ cúng dâng sao giải hạn hay cầu an ở chùa làm đúng thường tùy hỷ của Phật tử tức, ai góp bao nhiêu tiền, vật phẩm thì tùy tâm chứ nhà chùa không bắt buộc phải đóng thế này, thế kia.
Sau khi Phật tử tùy tâm đóng góp, nhà chùa sẽ dùng tiền đó mua các con vật để phóng sinh và mua hoa, quả, bánh kẹo dâng Tam bảo, làm cơm chay để mời bà con hưởng lộc sau lễ cúng.
Lễ cúng thực hiện đơn giản nhưng quan trọng hơn là sau đó, cần giảng giải cho Phật tử hiểu về nhân quả, về những đạo lý, chân lý. Từ đó để họ tránh xa những điều xấu, đừng có mê tín, mù mờ mà hãy chăm làm việc thiện đức, theo chánh tín để tìm đường thoát khổ”, Đại đức Thích Minh Thành nói.
Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Minh Thành, thực tế, một số nhà tu hành ở không ít chùa lại không thực hiện theo cách trên mà đang “lạm dụng vào cửa Phật” trong việc dâng sao giải hạn.
“Tôi biết có chùa lợi dụng vào việc dâng sao giải hạn này để ra giá, mỗi người tùy theo sao xấu phải nộp từ 200.000 – 300.000 đồng, gia đình mà 5 người nộp 1 – 1,5 triệu…
Chưa kể, có chùa còn bày ra, khi dâng sao giải hạn, mỗi người phải có 12 quả trứng và sau lễ, họ gom lại hàng nghìn quả trứng đế bán cho các đại lý, nhà hàng. Hay khi cắt sao giải hạn thay vì 36 đồng tiền xu lại dùng 36 đồng tiền giấy với mệnh giá 10, 20, thậm chí 50.000 đồng.
Việc này rõ ràng là có những chùa đang lạm dụng vào đức tin của người dân và làm khổ cho người dân”, Đại đức Minh Thành bày tỏ.
Nhà sư này nêu rõ, nhân dân, Phật tử là những người thân bằng, quyến thuộc, cả đời kính Phật, mang cơm, gạo đến cúng dường cho các quý thầy ăn, tu hành nhưng một số sư lại không hiểu.
“Mình sống trên miếng cơm, manh áo của nhân dân, Phật tử nhưng lại đi tạo ra những đau khổ cho họ thì thực sự tôi rất đau lòng”, Đại đức Thích Minh Thành nói thêm.