“Đại dịch” tự kỷ: VN có khoảng 1 triệu người mắc, ảnh hưởng trực tiếp tới 8 triệu người

Hội chứng tự kỷ đang tăng ở Việt Nam được ví như là “đại dịch” cần có sự chung tay của cả cộng đồng để giúp trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập.

Tự kỷ là vấn đề không phải của một cá nhân một gia đình

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm cho biết tự kỷ là vấn đề của toàn cầu, trên thế giới ở những nước phát triển nhất vẫn có trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây tỉ lệ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ (tự kỷ) được phát hiện ngày càng tăng.

Tự kỷ cho đến nay vẫn là một hội chứng nan giải, chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Trẻ tự kỷ có 3 nhóm biểu hiện như: thiếu tương tác xã hội, thiếu giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có các hành vi bất thường lặp đi lặp lại…

Đại dịch tự kỷ: VN có khoảng 1 triệu người mắc, ảnh hưởng trực tiếp tới 8 triệu người - Ảnh 1.

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm.

“Theo các thống kê khác nhau trên thế giới có khoảng từ 1-2% trẻ tự kỷ. Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỷ, nhưng có khoảng tới 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, đó là bố mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột trên hoặc dưới của trẻ tự kỷ”, GS. Liêm cho hay.

Tự kỷ hiện nay là vấn đề đang rất quan trọng, cần phải có chính sách can thiệp, chính sách quốc gia cho trẻ.

GS. Liêm trăn trở, việc phát hiện trẻ tự kỷ sớm ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, nhiều phụ huynh lại có quan điểm nhầm lẫn tự kỷ với bệnh tâm thần hay nhân quả của kiếp trước… Những sai lầm này khiến cho trẻ tự kỷ đã không được can thiệp sớm.

Trẻ tự kỷ can thiệp càng sớm càng tốt, cần can thiệp ngay từ lúc nghi ngờ không đợi khi trẻ có dấu hiệu lâm sàng. Độ tuổi tốt nhất là 1-2 tuổi, do não bộ trẻ ở giai đoạn này đang trong quá trình hình thành và phát triển.

Ở giai đoạn này nếu can thiệp giáo dục sớm sẽ thay đổi được những khiếm khuyết trong não bộ, trẻ sẽ tiến bộ tốt hơn.

GS. Liêm nhấn mạnh thái độ của bố mẹ và gia đình quyết định sự tiến bộ của đứa trẻ tự kỷ. Nếu gia đình giấu con bị tự kỷ trẻ sẽ không có cơ hội để tiếp xúc với cộng đồng, trẻ sẽ không thể tiến bộ và hòa nhập được.

“Đại dịch” tự kỷ

Còn theo bác sĩ Quách Thúy Minh, Nguyên trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Hội chứng rối loạn tự kỷ hiện nay đang là một “đại dịch” thực sự. Bệnh viện Nhi hiện nay mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trẻ chậm nói và có những vấn đề tự kỷ nghiêm trọng.

Chăm sóc cho một đứa trẻ tự kỷ thường rất khó khăn và vất vả, trẻ tự kỷ thường có những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi… Ngoài ra, trẻ tự kỷ thường có những bệnh lý phối hợp như: rối loạn ăn uống, nôn trớ, trào ngược, động kinh… bệnh lý thực thể khác.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai, Đại học y Hà Nội cũng cho hay, 70% số trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có ít nhất một bệnh lý cơ thể hoặc tâm thần kết hợp. Một số bệnh lý thường gặp phối hợp ở trẻ tự kỷ như: bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý miễn dịch, các rối loạn tâm thần – thần kinh,…

Đại dịch tự kỷ: VN có khoảng 1 triệu người mắc, ảnh hưởng trực tiếp tới 8 triệu người - Ảnh 2.

Series “Sách cho trẻ tự kỷ”.

Cho đến nay, chưa có thuốc có khả năng chữa khỏi hội chứng tự kỷ. Tất cả các thuốc chỉ làm giảm bớt triệu chứng. Đặc biệt, là bệnh lý hoặc rối loạn kết hợp với tự kỷ.

Trước mối nguy của tự kỷ, GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm cùng các cộng sự đã cho ra mắt Series “Sách cho trẻ tự kỷ” nhằm tăng cường nhận thức cho các cô giáo các trường mầm non, các vị phụ huynh giúp phát hiện và điều trị sớm cho trẻ tự kỷ để các cháu có một chất lượng sống tốt hơn và có thể hòa nhập xã hội.

Series “Sách cho trẻ tự kỷ” xuất bản lần đầu gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài dịch ra tiếng Việt và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt của các tác giả Việt là bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt…