Đại biểu lý giải việc Bộ trưởng Nhạ, Bộ trưởng Thể có nhiều phiếu tín nhiệm thấp

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phùng Xuân Nhạ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng các ngành “đứng mũi, chịu sào” ở lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc của xã hội như GD&ĐT, GTVT đều sẽ phải chịu một phần thiệt thòi khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Các Bộ trưởng GD-ĐT, GTVT chịu thiệt về s phiếu!

Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, 2 người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, số phiếu tín nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành thể hiện rõ những vấn đề đang nổi cộm mà xã hội quan tâm.

Ông Quốc cho rằng, với 2 người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất gồm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ GTVT do đây là những ngành có các vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

“Theo cá nhân tôi, sau những cuộc lấy phiếu tín nhiệm này nên đặt vấn đề cổ vũ, chia sẻ nhiều hơn là so sánh người này tín nhiệm hơn người kia”, ông Quốc nói.

Đại biểu lý giải việc Bộ trưởng Nhạ, Bộ trưởng Thể có nhiều phiếu tín nhiệm thấp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Tiến Tuấn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm cơ bản khách quan và với các ngành đang có nhiều bức xúc như GD&ĐT hay GTVT sẽ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp.

Theo ông Lợi, dù kết quả lấy phiếu khách quan nhưng thực tế, cũng có một số khó khăn, tồn tại không phải do “tư lệnh” ngành tạo ra mà xuất phát từ bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri, nhân dân cả nước đối với lĩnh vực.

Ông dẫn ví dụ, với ngành GD&ĐT rất cần thiết đổi mới, cải cách nhưng làm sao để giảm tải, đỡ gánh nặng cho học sinh, sinh viên hay giải quyết vấn đề thi cử khi luôn luôn có những bức xúc xảy ra thì cần sự chung tay giải quyết.

“Trong vấn đề Giáo dục, những bức xúc không phải xuất phát hôm nay mà do cả quá trình trước đây chưa giải quyết dứt điểm và “tư lệnh” ngành nhận nhiệm vụ được hơn 2 năm cũng phải chịu hệ quả từ quá khứ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng phải thấy lá phiếu hôm nay nhằm nhắc nhở lĩnh vực của mình đang rất có vấn đề, phải cố gắng hơn nữa và nếu khó khăn cần báo cáo Chính phủ. Nếu Chính phủ thấy khó khăn phải báo cáo Quốc hội.

Qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, cả Quốc hội, Chính phủ đều phải thấy được vấn đề cần tập trung giải quyết theo yêu cầu, mong muốn của người dân”, ông Lợi nhấn mạnh.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cũng bày tỏ, rõ ràng, “tư lệnh” của các ngành “đứng mũi, chịu sào” ở một số lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc của xã hội như Giáo dục, Giao thông chắc chắn phải chịu một phần “thiệt thòi” khi bỏ phiếu tín nhiệm chứ không do thể hiện của cá nhân các ông.

“Với ngành Giáo dục, muốn phát triển cần cả xã hội quan tâm và bên cạnh việc thầy phải xứng đáng thầy thì học trò cần cố gắng, gia đình chăm lo, phối hợp.

Nói như thế để thấy rõ, giáo dục không chỉ do ngành mà còn cần từ gia đình, xã hội, nên không thể bắt buộc đổ hết trách nhiệm lên đầu “tư lệnh” ngành”, ông nêu rõ.

2 lý do khiến Bộ trưởng Nhạ, Bộ trưởng Thể nhiều tín nhiệm thấp

Đánh giá việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ GTVT nhận phiếu tín nhiệm thấp cao nhất, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, có 2 nguyên nhân.

Đại biểu lý giải việc Bộ trưởng Nhạ, Bộ trưởng Thể có nhiều phiếu tín nhiệm thấp - Ảnh 3.

ĐB Phạm Tất Thắng.

Trước hết, những ngành, lĩnh vực có thể coi là ghế “nóng” như giao thông phải đáp ứng được yêu cầu phát triển rất cao như đường sá phải được mở mang, giao thông phải bớt ùn tắc…

Còn đối với giáo dục hỏi chất lượng phải nâng cao, đổi mới giáo dục phải diễn ra mạnh mẽ hơn.

“Tuy nhiên chúng ta ở trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhất là nguồn lực cho các lĩnh vực cần đầu tư nhiều này bị hạn chế. Do đó, các Bộ phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu đòi hỏi của dư luận xã hội, đại biểu, cử tri rất cao mà nguồn lực có hạn.

Đây là áp lực rất nặng nề của những Bộ này và chính vì nguồn lực có hạn nên chắc chắn kết quả của ngành không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, đại biểu, nhân dân..

Còn để giải quyết mâu thuẫn ở các ngành này không thể trong thời gian ngắn và không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành đó mà cần sự phối hợp giữa các Bộ ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị”, ông Thắng phân tích.

Ông chia sẻ, với 2 “tư lệnh” ngành có phiếu tín nhiệm thấp còn do thời gian qua có một số sự cố mà người dân, đại biểu quan tâm và việc này ảnh hưởng nhất định đến cái nhìn của đại biểu với các vị trong thời điểm này.

“Tôi nghĩ kết quả này bình thường và nó phản ánh đánh giá, nhìn nhận khách quan của đại biểu. Còn rõ ràng những ngành này, “tư lệnh” có rất nhiều áp lực và phải nỗ lực hơn nữa để có thể đáp ứng được kỳ vọng mong muốn của đại biểu, dư luận xã hội”, ông nói thêm.

Theo kết quả, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có số phiếu tín nhiệm cao: 140 phiếu (chiếm 28,87% tổng số đại biểu Quốc hội). Số phiếu tín nhiệm: 194 phiếu (chiếm 40% tổng số đại biểu Quốc hội). Số phiếu tín nhiệm thấp: 137 phiếu (chiếm 28,25% tổng số đại biểu Quốc hội)

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Số phiếu tín nhiệm cao : 142 phiếu (chiếm 29,28% tổng số đại biểu Quốc hội). Số phiếu tín nhiệm: 221 phiếu (chiếm 45,57% tổng số đại biểu Quốc hội). Số phiếu tín nhiệm thấp: 107 phiếu (chiếm 22,06% tổng số đại biểu Quốc hội).