Ảnh: Reuters
Đặc khu trưởng Hong Kong công bố video phản đối, gọi cuộc biểu tình là “bạo loạn” nhưng thừa nhận luật dẫn độ gây tranh cãi.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã công bố một đoạn video kéo dài 3 phút thể hiện sự phản đối cực lực đối với người biểu tình vì “tổ chức một cuộc bạo loạn” và biến thành bạo lực.
Trong đoạn video, bà Lâm chỉ trích những người đã tham gia vào cuộc biểu tình quanh các trụ sở công quyền của Hong Kong từ sáng nay.
“Rõ ràng đây không còn là một cuộc biểu tình hòa bình, mà là động thái xúi giục bạo loạn có tổ chức một cách hiển nhiên. Đây không thể là hành động thể hiện tình yêu đối với Hong Kong”.
“Kể từ chiều nay, một số người đã gây ra những hành động nguy hiểm, thậm chí có khả năng gây chết người. Những hành động ấy bao gồm đốt phá, sử dụng các thanh sắt sắc bén và ném gạch về phía các sĩ quan cảnh sát, cũng như phá hoại hạ tầng công cộng”.
Bà Lâm cho rằng những hành động ấy là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của những người dân thường, những thanh niên trẻ tuổi dự định thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình, các phóng viên, sĩ quan cảnh sát và các công chức.
Bà Lâm cho hay, bà hiểu rằng có những quan điểm khác biệt về dự luật dẫn độ.
“Những vấn đề liên quan tới đại lục và Hong Kong đã bị một số người lợi dụng để gây xung đột nhưng đối đầu căng cẳng hoàn toàn không phải giải pháp”, bà Lâm hối thúc người dân bình tĩnh, “Nếu những biện pháp cực đoan và bạo lực có thể giúp họ đạt được mục tiêu thì những cảnh tượng ấy sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.
Bà Lâm cũng thừa nhận yếu tố gây tranh cãi trong dự luật. Trong một cuộc phỏng vấn với TVB của Hong Kong, bà Lâm đã rơi nước mắt nói rằng bà sẽ không hồi đáp trước những lời kêu gọi từ chức hoặc rút lại dự luật dẫn độ.
Đặc khu trưởng Hong Kong nhấn mạnh:
“Cho dù có áp dụng được luật này hay không, vì lợi ích của Hong Kong, thì quan điểm của chúng tôi là như thế này: Không thể phủ nhận rằng luật này gây tranh cãi. Tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận và giải thích về dự luật sẽ rất có ích, nhưng nó sẽ không hoàn toàn loại trừ được những lo lắng và những điểm gây tranh cãi liên quan tới luật”.
Về khả năng những tranh cãi xung quanh dự luật có thể tạo đòn bẩy cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và Lâm cho hay, thời điểm chỉ là “một sự trùng hợp” và bà không mong dự luật sẽ trở nên phức tạp hơn do thương chiến.
Khi được hỏi về các cuộc biểu tình, bà Lâm nói: “Tôi lo ngại về việc giới trẻ tham gia vào việc này. Tôi rất buồn khi thấy rất nhiều người tham gia bởi Hong Kong vẫn luôn là một xã hội tĩnh tại và có lý lẽ”.
“Họ nói tôi đã bán mất Hong Kong, làm sao tôi có thể cơ chứ?”, bà Lâm nói, “Tôi được sinh ra ở đây và tôi sống ở đây cùng với mọi người. Tôi đã hy sinh bản thân mình cho Hong Kong”.
Cuộc biểu tình hôm nay, 12/6, đã chứng kiến tình trạng hỗn loạn bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong khi người biểu tình tìm cách vào bên trong tòa nhà. Cảnh sát đã phải dùng tới hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để trấn áp biểu tình.
Theo chính quyền Hong Kong, ít nhất 22 người đã bị thương và được đưa tới bệnh viện trong các vụ va chạm giữa cảnh sát và người biểu tình.