Ðến với các bản làng vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc non nước Cao Bằng, đâu đâu cũng thấy sự hiện hữu của đá. Ðá len lỏi vào trong đời sống của người dân từ những điều bình dị nhất như cái cối giã gạo đến hàng rào bao quanh nhà ở. Ðối với người Nùng An ở Cao Bằng, đá không chỉ là vật liệu chế tạo ra nông cụ sản xuất, vật dụng phục vụ sinh hoạt mà còn là dấu ấn tinh thần, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người dân.
Hàng rào đá tại các bản làng của người Nùng An. |
Trong tâm thức của người Nùng An, mỗi hòn đá như có “linh hồn” sống, gắn bó với con người từ những điều đơn sơ, giản dị đến những hoạt động quan trọng trong gia đình như sử dụng đến đá trong quá trình dựng nhà, người Nùng An thường làm lễ rước đá. Những viên đá to, có kích thước lớn được người dân chọn đem làm trụ đế cột nhà sàn thường là ở những ngọn núi sau nhà. Đá có màu sắc xanh lam đậm bị bào mòn bởi thời gian. Bên ngoài gai góc, bên trong kết cấu trắng sáng, rõ từng thớ đá và rắn chắc. Nếu đá ở ngọn núi sau nhà không đạt tiêu chuẩn, người Nùng An sẽ chọn những hòn đá to ở những ngọn núi khác. Dù xa hay gần, những viên đá được chọn được làm lễ cẩn thận trước khi đem về dựng nhà. Người Nùng An quan niệm rằng đá là của thiên nhiên nên sẽ có vị thần cai quản, nếu tự ý lấy đá về làm nhà thì căn nhà sẽ gặp nhiều điều không may mắn.
Đá không chỉ được sử dụng làm các vật dụng quan trọng mà còn được chế tạo thành các vật liệu hữu ích phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Chiếc cối giã, cối xay bằng đá đặt bên hiên nhà hay góc bếp đã trở thành một hình ảnh mang đậm nét văn hóa, sinh hoạt của các hộ gia đình vùng cao. Với họ những chiếc cối đá được đục đẽo công phu, qua bao thế hệ cha truyền con nối giờ là chứng tích của thời gian, là kỷ vật của tiên tổ. Mỗi vòng xoay của cối đá cũng như sự luân hồi của tạo hóa, được rồi mất, đến rồi đi, khiến người ta giác ngộ để sống giản đơn, vị tha, thanh bình, yên ả, sống có tình có nghĩa với nhau. Người xưa thường có câu “Một đời cối đá bằng ba đời người” cho thấy sự hiện diện bền bỉ, trường tồn của cối đá trong đời sống, sinh hoạt cũng như vòng đời của họ.
Ngoài cối xay đá, máng đá cũng là biểu tượng của người Nùng An. Xưa kia, trước mỗi cửa nhà, cạnh ngay bậc cầu thang lên xuống, nhà nào cũng có một chiếc máng bằng đá để đựng nước. Trước, máng đá được người dân dùng để nhuộm chàm, máng đựng nước rửa chân tay, máng ăn cho gia súc… Ngày nay, dưới sự phát triển của các làng nghề, nhất là làng nghề rèn, làng nghề làm giấy bản truyền thống của người Nùng An, chiếc máng đá được tận dụng trở thành một vật dụng quan trọng, giúp người dân chế tạo các sản phẩm thông qua những hoạt động thủ công truyền thống.
Nhắc đến công dụng của đá trong đời sống của người dân tộc Nùng An ở vùng cao, không thể không nhắc đến những hàng rào đá rêu phong, độc đáo. Trong quá trình canh tác nương rẫy, người dân tích tụ những hòn đá cản trở hoạt động cày cấy để xếp hàng rào bảo vệ hoa màu. Qua thời gian, những bờ giậu đá được người dân kỳ công xếp dài trở thành biểu tượng của những bản làng. Không cần một chất liệu kết dính bền chặt như xi măng, chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo của người dân, từng viên đá được đặt ngẫu nhiên nhưng lại khớp với nhau đến lạ kì. Chỉ có đá và bàn tay điêu luyện của những nghệ nhân không chuyên vùng cao mới tạo nên những bờ giậu đá kiên cố mà nên thơ giữa núi rừng. Hàng rào đá không chỉ giúp người dân bảo vệ những con thú không vào phá nương mà còn là kiệt tác nghệ thuật mà thiên nhiên trao tặng cho con người.
Được bao bọc bởi núi đá, quanh năm sống với đá. Sớm ngủ dậy thấy núi đá trước mặt. Đá kê cột, đá xay lúa xay ngô, đá bắc bếp đun nấu, đá làm hàng rào, đường đi, đá bắc cầu qua sông, qua suối, đá che chở cuộc sống con người và trở thành vật linh thiêng được cộng đồng dân tộc Nùng An ở Cao Bằng ngưỡng vọng. Dung dị và nhẹ nhàng, những phiến đá trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.