Đà tăng trưởng của Apple trớ trêu thay, lại đang phụ thuộc vào Android

Nếu Apple biết cách mở cửa dịch vụ của mình với người dùng ngoài hệ sinh thái phần cứng của mình, đó có thể là một mỏ vàng cho tăng trưởng trong tương lai.

Đã có nhiều báo cáo nói về những nỗ lực của Apple để cố bán thêm nhiều sản phẩm cho khoảng 1,4 tỷ người đã sở hữu iPhone và những phần cứng khác của công ty. Nhưng để tăng trưởng, công ty sẽ cần củng cố lại mắt xích yếu của mình: bán sản phẩm cho hàng ty người khác, những người đang không sở hữu các thiết bị của Apple.

Vấn đề hóc búa lúc này của Apple là doanh số cả ba dòng sản phẩm trụ cột của họ – iPhone, máy tính Mac và iPad – đều đang chững lại. Để tiếp tục tăng trưởng, công ty đang tìm cách bán cho những người đang sở hữu thiết bị của họ các phụ kiện và dịch vụ gia tăng, như thuê bao Apple Music, ứng dụng hay Apple Watch và tai nghe không dây AirPod, với phiên bản mới vừa được Apple thông báo vào thứ Tư vừa qua.

Đà tăng trưởng của Apple trớ trêu thay, lại đang phụ thuộc vào Android - Ảnh 1.

Các dịch vụ internet đang là nguồn thu lớn thứ hai sau iPhone đối với Apple.

Doanh thu từ các phần cứng phụ kiện này cộng với các dịch vụ và ứng dụng internet đóng góp tới gần 22% doanh thu của Apple trong quý nghỉ lễ vừa qua. Đó là một tin vui cho công ty nhưng nên nhớ rằng phần lớn các nguồn thu này đến từ những người đã sở hữu thiết bị của Apple, nhưng giờ đây doanh số thiết bị mới của họ đang không tăng trưởng đáng kể lắm.

Những người không sở hữu thiết bị Apple – mỏ vàng bỏ quên của Apple 

Tuy nhiên, công ty lại đang bỏ qua hàng tỷ USD doanh thu từ những người không sở hữu thiết bị của mình. Khoảng 85% smartphone mới chạy Android. Một tỷ lệ tương tự như vậy các máy tính cá nhân mới đang chạy Windows. Đó là còn chưa kể chỉ có một tỷ lệ nhỏ phần cứng của Apple cho phép TV kết nối internet.

Tuy vậy, một số sản phẩm dịch vụ của Apple, bao gồm ứng dụng Health, iMessage, Apple News và Apple Watch, lại chỉ hoạt động trên các thiết bị Apple. Các sản phẩm khác, bao gồm AirPod, HomePod và Apple Music, dù vẫn hoạt động được với các thiết bị không phải của Apple, nhưng thiếu thốn chức năng và hiếm khi được sử dụng.

Đà tăng trưởng của Apple trớ trêu thay, lại đang phụ thuộc vào Android - Ảnh 2.

Các phụ kiện như Apple Watch và AirPod mới chỉ hoạt động tốt nhất đối với thiết bị của Apple.

Hãng nghiên cứu Consumer Intelligent Research Partners cho biết, trong các mẫu nghiên cứu của họ về người tiêu dùng, hãng không nghĩ từng có trường hợp người dùng nào sử dụng thiết bị Android với tai nghe AirPod. Trong khi đó có khoảng 8% người sở hữu iPhone tại Mỹ cũng có AirPod.

Hãng nghiên cứu App Annie ước tính, chỉ có chưa đến 10% thiết bị Android có cài đặt ứng dụng Apple Music. (Dữ liệu từ mạng di động và công ty phân tích không cho biết chính xác trong số 50 triệu thuê bao Apple Music có bao nhiêu người không sở hữu iPhone). Hiện ứng dụng Apple Music được người dùng xếp hạng 3,5 sao trên cửa hàng ứng dụng Google Play.

Những người không phải là tín đồ phần cứng của Apple có thể là một tập người dùng khổng lồ đầy tiềm năng cho nhiều sản phẩm của công ty, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật số. Khi động lực tăng trưởng đang ngày càng khó khăn hơn cho công ty, Apple không thể tiếp tục xem họ như lớp khách hàng thứ cấp được nữa.

Đà tăng trưởng của Apple trớ trêu thay, lại đang phụ thuộc vào Android - Ảnh 3.

Trong nguồn thu từ các mảng không liên quan đến phần cứng, cửa hàng App Store đang chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Đồng hồ đang điểm đối với chiến lược vượt qua phần cứng của Apple. Thứ hai này sẽ là lúc công ty giới thiệu các dịch vụ mới, bao gồm gói thuê bao cho streaming video trực tuyến và các trang tin trả phí. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Apple có đưa các dịch vụ này tới với những người dùng không sở hữu thiết bị của công ty hay không và nếu có thì như thế nào.

Những dấu hiệu cho thấy Apple đang chuyển mình

Nếu Apple dành riêng các dịch vụ mới này cho những thiết bị của riêng họ, tất nhiên điều này sẽ đảm bảo tỷ lệ đăng ký trên số lượng người sở hữu thiết bị của Apple sẽ vẫn cao. Nhưng nó sẽ thật phiền phức.

Thử tưởng tượng đến việc bạn muốn xem một bộ phim của Apple, bạn sẽ buộc phải xem trên iPhone thay vì mở trên chiếc TV trong phòng ngủ. Bạn trả tiền cho gói đọc báo trả phí qua internet nhưng lại không thể đọc chúng trên máy tính ở nơi làm việc.

Quan trọng hơn, nếu Apple giới hạn thuê bao dịch vụ video và tin tức chỉ dành riêng cho thiết bị của riêng họ, điều đó sẽ làm xáo trộn lập luận của những nhà đầu tư khi cho rằng, Apple đang muốn chuyển mình thành một công ty ưu tiên dịch vụ, thay vì phần cứng.

Đà tăng trưởng của Apple trớ trêu thay, lại đang phụ thuộc vào Android - Ảnh 4.

Apple Music đã xuất hiện trên loa Amazon Echo, liệu các dịch vụ khác có đi theo chiến lược đó?

Cho dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy Apple không có dự định giới hạn phân phối nội dung của mình trong phạm vi hệ sinh thái của riêng họ. Apple Music hiện đã có mặt trên chiếc loa thông minh Echo của Amazon.com và công ty đã đạt được các thỏa thuận để cho phép những TV khác truy cập vào dịch vụ video trực tuyến của họ.

Bất kỳ một công ty nào cũng ao ước có được một tập người dùng lớn nhất có thể cho các dịch vụ internet của mình. Nhưng với Apple, ít nhất trong kỷ nguyên của iPhone, lại chưa bao giờ bận tâm về việc làm các sản phẩm của mình hoạt động tốt với thiết bị của cả thế giới. Đó là việc của Google, của Facebook hoặc của Netflix. Yêu cầu họ phá bỏ lối mòn cũ đó là việc không dễ.

Đó chính là lý do để chờ đón sự kiện Apple vào hôm nay. Có lẽ không có thiết bị mới nào ra mắt, nhưng những gì Apple mang tới trong hôm nay sẽ cho thấy họ có muốn phục vụ những người không sở hữu thiết bị của công ty như các khách hàng thực sự của mình không.

Tham khảo Bloomberg