Đà Nẵng sẽ có chính sách ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ gắn với bất động sản nghỉ dưỡng

Đây là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn được đưa ra trong Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị.

Theo Nghị quyết mới được ban hành này, Bộ Chính trị cho rằng Đà Nẵng cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, gồm:

Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng

Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics

Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp

Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. 

Theo đó, sẽ có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Đà Nẵng phải xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao của Thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia tại Đà Nẵng với vai trò là hạt nhân tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Nghị quyết cũng yêu cầu thành phố đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn; chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao phục vụ đô thị và du lịch.

Đà Nẵng cũng phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục hậu quả liên quan đến các vi phạm về quản lý đất đai theo các kết luận của cấp có thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi các tổ chức và cá nhân, nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thành phố phải tạo môi tường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; chủ động thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo phương thức PPP,  BOT, BT; có cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ Chính trị yêu cầu thành phố chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.

Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm là các dự án: Xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời Ga đường sắt và tái phát triển đô thị, dự án phối hợp với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng,…

Thành phố cần khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ công ích với công nghệ hiện đại, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ.

Bộ Chính trị yêu cầu thành phố thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tính kết nối, liên kết vùng, thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai Kỳ Hà – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn và hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng cô) – Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An – Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.

Đồng thời Đà Nẵng cần chú trọng công tác quản lý đô thị, triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng thành phố thông minh”; Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”…