Đã đến lúc có cách tiếp cận khác với “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc ở Biển Đông

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 7 cho đến gần cuối tháng 10, khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay.

Đã đến lúc có cách tiếp cận khác với Trung Quốc

Trả lời Trí Thức Trẻ, nhà nghiên cứu Biển Đông Bill Hayton cho rằng, có một số yếu tố khiến Trung Quốc xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam kéo dài từ tháng 7 cho đến gần cuối tháng 10, khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay.

Đầu tiên, đây rõ ràng là hành vi trả đũa của Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng và chứng tỏ họ có thể kiểm soát khu vực Biển Đông, thậm chí cả ở những nơi rất gần bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã quyết định thực hiện hành vi này sau khi Việt Nam cho phép công ty Rosneft (Nga) và các đối tác Nhật Bản khoan dầu khí ở khu vực mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là nằm trong Đường lưỡi bò phi pháp. Hành động tương tự cũng xảy ra với Malaysia với cùng lý do.

Ngoài ra, so với trước đây, Trung Quốc đã mạnh hơn ở Biển Đông. Các căn cứ mà nước này xây dựng phi pháp cho phép nhiều tàu hơn tham gia vào hoạt động vi phạm và tiếp nhiên liệu mà không phải quay về cảng ở Trung Quốc. Điều này khá khác biệt so với tình hình 5 năm trước.

Cuối cùng là vấn đề thời tiết. Năm 2014, một cơn bão sắp diễn ra đã buộc Trung Quốc phải kết thúc sớm hoạt động trái phép của mình.

Đã đến lúc có cách tiếp cận khác với cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Tòa trọng tài xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016.

Mặc dù Việt Nam kiên cường không chấp nhận lùi bước, nhưng căng thẳng ở Biển Đông vẫn kéo dài. Có lẽ đây là thời điểm thử một cách tiếp cận khác – buộc hành vi của Trung Quốc đối mặt với biện pháp pháp lý quốc tế. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng là đã vi phạm UNCLOS, vì vậy, một lựa chọn là đưa vụ việc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm năm 2013, chuyên gia người Anh gợi ý.

Sau phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016 bác bỏ yêu sách Đường lưỡi bò, Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động nạo vét san hô để phun đất mở rộng đất nền đảo nhân tạo từ 2017 nhưng vẫn xây dựng thêm các cấu trúc mới. Vấn đề là Trung Quốc luôn “lùi một bước, tiến 2 bước”. Vì vậy, tôi nghĩ hiện tại đang là thời điểm họ tạm dừng để củng cố lợi ích.

Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ không chấp thuận COC và kể cả Trung Quốc có ký kết thì họ cũng không tuân theo các cam kết mà họ đã ký.

Biện pháp pháp lý duy nhất là đưa vụ việc ra tòa trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS. Các biện pháp khác mà tôi cho rằng chúng ta có thể làm là đưa vấn đề này lên các cơ quan của LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng LHQ, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Tổ chức hàng hải quốc tế…

GS James Kraska, Đại học Hải chiến Mỹ

Nhận định về việc Trung Quốc xâm phạm EEZ Việt Nam trong thời gian qua, Giáo sư Jaime Naval, Đại học Philippiness cho rằng, các hành động khiêu khích và điều tàu thăm dò vào vùng EEZ của Việt Nam lặp đi lặp lại cho thấy Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách của mình ngay cả khi việc này có nguy cơ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông.

GS Đại học Philippines cũng nhấn mạnh rằng, trong khi Trung Quốc tiếp tục rêu rao rằng, nước này không có kế hoạch hoặc ý định quân sự hóa thì hành động của họ đã phủ nhận toàn bộ những gì Bắc Kinh tuyên bố.

Trung Quốc âm mưu dùng cả cây gậy và củ cà rốt với ASEAN

Nhắc tới việc thay thế yêu sách Đường lưỡi bò bằng Tứ Sa sau khi tòa án quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ Đường lưỡi bò, ông Naval cho rằng, khi một quốc gia bất chấp thiệt hại về uy tín, tiến hành một loạt các biện pháp gây bất ổn, thì có lý do để phỏng đoán rằng họ có thể có nhiều tính toán cả cũ và mới trong tay.

Đã đến lúc có cách tiếp cận khác với cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 3.

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng hơn nữa vào các cơ sở quân sự, các cơ sở hạ tầng ở Biển Đông mà nước này xây dựng trái phép để phục vụ để hỗ trợ và thúc đẩy sức mạnh lớn hơn trong khu vực, chuyên gia Philippines nói thêm.

Còn trên mặt trận ngoại giao, ông Naval dự đoán, Trung Quốc sẽ nâng cao vị thế của mình bằng cách lợi dụng sự khác biệt trong lợi ích và quan điểm của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, trong khung thời gian 3 năm mà ASEAN và Trung Quốc cam kết hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử, rất có khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực và tiếp tục các hành vi hung hăng ở Biển Đông trước khi COC ra đời, bởi các hành vi khiêu khích có thể sẽ bị COC kiềm chế. Nói cách khác, trước khi có nhiều quy định khác được đưa ra, Trung Quốc đang tìm mọi cách để củng cố lợi thế dẫn đầu của mình.

Cụ thể, cùng với việc tiếp tục củng cố các cơ sở quân sự mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang treo lơ lửng một “củ cà rốt” thông qua thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông Naval chỉ ra.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, chuyên gia Collin Koh (Singapore) cho rằng, để ngăn cản Trung Quốc tái diễn hành vi vi phạm, ASEAN nhất thiết phải có chung tiếng nói chống lại sự hung hăng của nước này.

Đã đến lúc có cách tiếp cận khác với cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 4.

Tất nhiên, tiếng nói của một ASEAN thống nhất cần phải kết hợp với các hành động của các cường quốc ngoài khu vực được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ. Thực tế là hiện tại, với việc còn nhiều khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN trong mối quan tâm đến vấn đề Biển Đông và lợi ích kinh tế với Trung Quốc, cũng như nhận thức khác nhau đối với vai trò của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ trong vấn đề Biển Đông, vẫn còn nhiều cơ hội cho Bắc Kinh khai thác các vấn đề nội bộ của khối.

Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi của mình trong COC

Về đàm phán COC, còn rất nhiều khác biệt giữa các bên. Thứ nhất là về phạm vi của COC, Trung Quốc muốn COC chỉ đề cập đến Trường Sa, nhưng các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam muốn COC áp dụng cho toàn bộ khu vực Biển Đông.

Thứ hai là tính chất pháp lý của COC. Việt Nam, Malaysia và Philippines muốn COC ràng buộc về mặt pháp lý, có nghĩa là nếu một bên vi phạm thỏa thuận thì bên khác có thể đưa vi phạm đó ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế, ví dụ như Tòa trọng tài hoặc tòa quốc tế. Các phát biểu của giới chức cấp cao Việt Nam đều thể hiện điều này.

Ngoài ra, Việt Nam yêu cầu các quốc gia không được có hành vi tiếp tục bồi lấp và quân sự hóa các đảo, không được đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Các yêu cầu này nhằm vào hành động của một quốc gia duy nhất, đó là Trung Quốc. Những quan điểm này, tất nhiên Trung Quốc không đồng ý.

Sau khi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào năm tới, đến năm 2021 sẽ là Brunei và sau đó là Campuchia. Có lẽ Trung Quốc mong chờ việc COC được thúc đẩy theo quan điểm của mình trong nhiệm kỳ của Campuchia, nhưng làm được hay không là chuyện khác. Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi của mình và sẽ không thông qua nhất trí trong trường hợp này.

TS Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh 

Lan Hương, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/da-den-luc-co-cach-tiep-can-khac-voi-cay-gay-va-cu-ca-rot-cua-trung-quoc-o-bien-dong-82019161164532516.htm