Tuần dương hạm Pyotr Velikiy lớp Kirov phóng tên lửa ngày 19/9/2017. Tàu chiến này được cho là sẽ trang bị tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon. Ảnh: BQP Nga
Nếu được phóng đi từ tàu ngầm, các tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga sẽ chỉ mất chưa tới 5 phút để tiêu diệt những mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ lục địa.
Tin tức từ các phương tiện truyền thông Nga cuối tuần qua cho thấy, tên lửa hành trình siêu thanh Zircon được đề cập nổi bật trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin đang được tính toán sử dụng cho đòn tấn công đầu tiên nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ lục địa.
Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà lãnh đạo Nga, nhân dịp đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân “Ngày Tận Thế” chống lại nước Mỹ.
Thứ vũ khí mà ông Putin nhắc tới ở đây là tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon (hay còn gọi là 3M22 Tsirkon). Với tầm tấn công khoảng 620 dặm (1.000 km), điều này có nghĩa là nó sẽ phải được phóng đi từ một tàu chiến mặt nước hoặc tàu ngầm ở rất gần bờ biển phía Đông hoặc phía Tây nước Mỹ, nếu muốn phá hủy các mục tiêu nằm sâu bên trong lục địa.
“Trong bối cảnh thời chiến, chẳng có một tàu hải quân nào của Nga có thể tiếp cận đến gần Mỹ như vậy mà lại vẫn còn sống sót. Do vậy, vấn đề ở đây nên được hiểu là Zircon hiện đang được tính toán làm vũ khí thực hiện đòn tấn công đầu tiên”, các chuyên gia vũ khí Nga chia sẻ trên tờ Washington Free Beacon.
Một trong số những chuyên gia này cho biết, “Kịch bản hợp lý duy nhất là tàu chiến mặt nước hoặc tàu ngầm Nga sẽ phải tiếp cận một bờ biển nào đó của Mỹ rồi sau đó phóng tên lửa Zircon tấn công bất ngờ”.
Theo một số thông tin, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos II do liên doanh Nga – Ấn chế tạo là phiên bản xuất khẩu của 3M22 Zircon
Theo Dmitry Kiselyov, người dẫn Chương trình “Tin tức hàng tuần” của Nga thì các mục tiêu trong tầm ngắm là một số trung tâm chỉ huy chiến lược cũng như các cơ sở trọng yếu mà khi xung đột xảy ra sẽ được quan chức cấp cao Mỹ dùng làm nơi trú ẩn để tiếp tục duy trì hoạt động của chính quyền.
Các mục tiêu này bao gồm: Lầu Năm Góc, Trại David, Đài Vô tuyến Hải quân Jim Creek ở Washington, Căn cứ hậu cần Fort Ritchie ở Maryland và Căn cứ Không quân McClellan ở California.
Ông Kiselyov cho rằng tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga sẽ chỉ mất chưa tới 5 phút để tiêu diệt những mục tiêu nêu trên nếu được phóng đi từ tàu ngầm.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các tuyên bố của Tổng thống Putin hay ông Kiselyov thực tế đến mức nào và bao lâu nữa thì tên lửa Zircon mới có thể được triển khai.
Ông Putin cho biết, chi phí phát triển Zircon sẽ được cắt giảm tối thiểu vì nó tương thích với các tên lửa hành trình Kalibr đã được lắp đặt trên tàu chiến và tàu ngầm Nga. Mặc dù vậy, tên lửa Kalibr do Novator chế tạo lại được thực hiện ở một cơ sở thiết kế hoàn toàn tách biệt nên tuyên bố về “khả năng tương thích” giữa hai hệ thống là không rõ ràng.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon (Akula) – một trong những tàu ngầm lớn nhất từ thời Liên Xô. Ảnh: AP
Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, Quân đội Nga nhấn mạnh tới việc sử dụng Zircon để chống lại các mục tiêu có giá trị cao không phải là một động thái mới và mang tính táo bạo.
Chính một chuyên gia hàng không vũ trụ Nga từng cho biết, “những địa điểm này từ lâu đã được liệt vào danh sách mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các tên lửa hành trình liên lục địa (ICBM) của Nga”.
Tuy nhiên, việc ông Kiselyov hiện đứng ra “phất cờ” và công khai xác định các trung tâm chỉ huy Mỹ làm mục tiêu cho thấy, có vẻ như Nga đang cảm thấy an toàn hơn và đủ năng lực bảo vệ mình nhiều hơn cũng khả năng tấn công, theo cách chưa từng thấy trước đây.
Mark Schneider, quan chức Lầu Năm Góc từng tham gia hoạch định chính sách liên quan đến vũ khí hạt nhân cho biết, “mối đe dọa của Putin là chưa từng có tiền lệ”.
“Đây là mối đe dọa về đòn tấn công hạt nhân đầu tiên của ông Putin trực tiếp nhằm vào nước Mỹ”, Schneider chia sẻ trên tờ Washington Times.
Dmitry Peskov, phát ngôn viên tổng thống Nga đã tìm cách làm rõ những phát biểu của ông Putin sau khi truyền hình Nga đưa tin về các mục tiêu trên đất Mỹ có khả năng bị tấn công.
“Tổng thống nói rằng, nếu đất nước của chúng ta bị đe dọa và các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã được triển khai gần biên giới đối phương thì một đòn đáp trả tương xứng sẽ phải được thực hiện”, ông Peskov phát biểu trên hãng thông tấn TASS hôm 25/2.
“Các tên lửa của chúng ta không chỉ nhắm vào các bệ phóng mà còn tấn công cả các vùng lãnh thổ nơi đặt trung tâm chỉ huy của kẻ thù. Nhưng xin nhớ rằng, tổng thống đã không đề cập đích danh một một vùng lãnh thổ nào cả”, phát ngôn viên Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Nga phóng thử tên lửa từ hệ thống phòng không bảo vệ Thủ đô Moscow