Phổi của anh Dương Hồng Quý – bệnh nhân chết não hiến tạng cứu 6 người, đã được kíp y bác sỹ bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi tên Đ. Kíp bác sĩ 500 người đã phải chạy đua với thời gian, từng giây từng phút, để cứu em Đ. khỏi tay tử thần.
Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Một thành tựu được ghi nhận sau nhiều nỗ lực suốt thời gian qua.
Đặc biệt, gần đây nhất, 500 bác sĩ đã tham gia 6 kíp mổ lấy và ghép tạng từ bệnh nhân chết não Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở Ninh Bình), phát hiện bị mắc bệnh dị dạng mạch máu não vào tháng 11/2018. Họ đều là các bác sĩ Việt Nam, không cần sự trợ giúp từ chuyên gia nước ngoài. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng thời lấy 6 tạng từ cùng một người cho chết não và tiến hành ghép cùng một thời điểm cho 5 bệnh nhân.
Phổi của anh Quý đã được kíp y bác sỹ bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi tên Đ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não. Ngày 12/12, em Đ. được tiến thành đại phẫu ghép phổi.
Nụ hôn vĩnh biệt người vợ gửi trao chồng trước khi anh ra đi mãi mãi. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
500 bác sĩ chạy đua với thời gian cứu sống bệnh nhân 17 tuổi chỉ còn chờ chết
Đ. chỉ mới 17 tuổi và đã trải qua 5 năm chống chọi với bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối (Langerhans). Đây là một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt, bệnh tự miễn, không có phương pháp điều trị triệt để.
Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu huỷ hết các thành nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng. Giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép 2 phổi, nếu không, bệnh nhân sẽ tử vong sau vài tháng.
Trước khi được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Đ. đã trải qua quãng thời gian đau đớn với những biểu hiện kén hoá và nhiễm trùng phổi rất nặng. Ngoài ra, em còn mắc cùng lúc nhiều bệnh lý khác, như sỏi thận phải (từng mổ năm 2016), sỏi trong gan, suy chức năng gan do hoá chất…
Em Đ. sau khi được cứu sống từ hai lá phổi của anh Quý. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Tình thế dồn đến nguy kịch. Khoảng thời gian giữa tháng 12, không hề có sẵn 2 phổi với những chỉ số tương thích có thể ghép cho Đ. Có những ca ghép phổi rốt cuộc vẫn phải chấp nhận cái chết sau cơ man mòn mỏi đợi chờ, nhưng không có người hiến tạng.
Vận may đã mỉm cười với Đ. khi anh Dương Hồng Quý trước lúc lâm chung, đã sẵn sàng hiến 7 mô/tạng của mình cho người ở lại. 2 lá phổi trong số đó đã được chọn để ghép cho em. Đây là lần duy nhất có sự khớp nhau giữa người cho và người nhận, với các xét nghiệm hòa hợp hoàn toàn trùng khớp dù là 2 người xa lạ.
9h sáng 12/12, ca phẫu thuật bắt đầu. Sự sống hay cái chết lúc này chỉ còn phụ thuộc vào “ván bài cuối cùng” này. Ánh mắt của Đ., dù đã rất yếu, vẫn cố mở nhìn kíp bác sĩ như gửi một lời cầu cứu. Nghị lực, sức mạnh cùng khát khao sống đã cứu lấy chính em, sau hơn 14 tiếng đồng hồ, ca ghép tạng được đánh giá phức tạp hơn hẳn so với các trường hợp trước đây, kết thúc.
Mọi người cùng chờ đợi một phép màu. 500 bác sĩ Việt Nam đã phải chạy đua với thời gian, từng giây từng phút, gắng gượng cứu sống bệnh nhân 17 tuổi chỉ còn chờ chết.
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa vợ anh Quý và mẹ em Đ.
Khi còn sống, anh Quý chỉ mong muốn được giúp ích cho đời và luôn tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn. Bản thân nhà anh Quý rất khá giả, cùng với đó việc anh hoàn toàn tự nguyện hiến tạng “đập tan” nhiều tiếng xấu trước đây đối với nghĩa cử cao đẹp này. Phần nhiều, trong số chúng ta đã từng nghĩ, những hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng bán tạng của người thân chỉ vì đồng tiền.
Sau khi được nhận 2 lá phổi từ anh Quý, ca phẫu thuật dẫu thành công vẫn khiến kíp bác sĩ lo toan. Lúc mở phổi của bệnh nhân, bên trong đầy mủ. Sau đó, phổi chờ ghép được rửa sạch máu, chuẩn bị cuống phổi, cắt giảm thể tích phổi do người nhận có trọng lượng chỉ bằng 50% người cho. Nguy cơ nhiễm trùng tạng rất cao. Thể trạng Đ. bị suy dinh dưỡng trầm trọng trên nền phổi vừa được ghép có nguy cơ xuất hiện nhiều vi khuẩn.
Như một phép màu thực sự giữa cuộc đời, 10 ngày sau phẫu thuật, Đ. hồi tỉnh. Diễn biến sức khoẻ của em rất tốt, đã có thể tự thở và bắt đầu tập vận động.
Cuộc gặp gỡ xúc động giữa 2 bên gia đình. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Nhà Đ. vốn nghèo. Em bước vào trận chiến sinh tử lần này không có bất cứ một đồng tiền nào đóng viện phí. 5 năm chạy chữa, của cải trong nhà có bao nhiêu mẹ Đ. đem bán hết để cứu con. Đến cả đi vay cũng vay hết rồi, nợ cũ cứ thế chồng chất nợ mới.
Biết được hoàn cảnh của bệnh nhi, gia đình anh Quý đã chủ động gặp mẹ Đ. để hỗ trợ một phần kinh phí. Cuộc gặp gỡ xúc động giữa 2 người, ở hai tâm thế khác nhau, một bên là vợ, bên là mẹ, nhưng cùng chung một nỗi đau: sợ mất người thân yêu.
Chị Phương – vợ anh Quý, nén nỗi đau để trao đi một chút tấm lòng dành cho Đ. cùng lời dặn: “Mong rằng cháu nhanh khỏe mạnh để sống tiếp phần đời của chú Quý, cháu nhé. Yêu thương cháu nhiều lắm!”.
Chị từng nói, phép màu không đến với anh Quý, nhưng đến với 5 người, đó là điều chị cảm thấy vui nhất… Như lời chị nhắn nhủ, “Mọi người phải sống khỏe mạnh đấy! Nếu có duyên chúng ta sẽ còn gặp lại”.
Dù anh ra đi nhưng con người anh mãi còn lại với đất trời này. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia
Sau cùng, chị gửi lời sau cuối đến anh.
“Hơn một tháng trời bền bỉ chiến đấu với bệnh tật cùng anh, em chưa bao giờ khóc trước mặt anh không phải vì không thương anh mà vì em sợ yếu mềm sẽ làm anh đau lòng hơn. Em luôn mạnh mẽ mà nhưng bây giờ thì em không còn đủ dũng cảm nữa. Khóc bất chấp mọi nơi, mọi chỗ, kệ cho xấu luôn…
Từ qua đến giờ mọi người nói về anh nhiều quá khiến em đau đớn. Nhưng anh dặn phải đối mặt mà. Em không sao anh nhé, đừng lo cho mẹ con em vì còn có nhiều người mà.
Hãy yên nghỉ anh nhé”.