Cô TRẦN THỊ HƯƠNG, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP. Đông Hà, là người rất trăn trở và luôn mong muốn bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn giao thông. Nỗi trăn trở ấy cùng những cách làm, giải pháp hay đã được cô Hương đưa đến chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, qua đó mang về giải Nhất. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện ngay sau khi cô đón nhận tin vui này.
Thành quả của sự nỗ lực
– Trước tiên, xin chúc mừng cô vừa đoạt giải Nhất chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”. Cô có thể cho biết cơ duyên nào đưa mình đến với cuộc thi này?
– Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” vốn không xa lạ với những người làm công tác sư phạm chúng tôi. Đây là chương trình được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên trên khắp cả nước tham gia. Từng nhiều lần đến với chương trình, tôi đã rút ra cho mình kha khá kinh nghiệm. Năm học 2021 – 2022, tôi được ban tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” trao giải Khuyến khích. Trở lại với chương trình trong năm nay, tôi đã vượt qua chính mình và những người dự thi khác, vinh dự đoạt giải Nhất. Đây là niềm vui rất lớn đối với tôi.
– Để đạt được thành tích đáng mừng này, cô đã nỗ lực như thế nào?
– Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Bộ Công an và Honda Việt Nam tổ chức. Năm nay, riêng Quảng Trị có gần 14.000 bài dự thi gửi đến chương trình. Trong đó có nhiều bài dự thi chất lượng cao, được đầu tư kỹ lưỡng, rất công phu, sáng tạo… Điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi khá lớn.
Tham gia chương trình, tôi cùng các giáo viên khác trải qua 2 vòng thi. Ở vòng 1, chúng tôi phải hoàn thành bài thi trắc nghiệm và tự luận. Ban tổ chức sẽ chọn ra 30 giáo viên trên toàn quốc có bài thi xuất sắc nhất để tham dự vòng 2. Tại vòng này, các giáo viên sẽ thực hiện tiết giảng mẫu và quay video gửi tới ban tổ chức với nội dung xây dựng kế hoạch bài giảng theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học và giảng dạy thử nghiệm ở địa phương.
Cô Trần Thị Hương (thứ 4 từ trái sang) nhận giải Nhất cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” – Ảnh: T.L
Biết rằng những người tranh tài với mình đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên tôi đã dồn toàn tâm, toàn sức cho cuộc thi. Ở vòng 1, tôi chủ động trau dồi kiến thức và bám sát thực tế công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh của trường mình để có nguồn tư liệu quý. Trong vòng 2, những áp lực đến với tôi và các giáo viên khác lớn hơn. Vì vậy, tôi đã tập trung lên kế hoạch giảng dạy; làm đồ dùng dạy học; chuẩn bị thiết bị quay, âm thanh; huy động sự tham gia của học sinh… Tất cả sự nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng.
– Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” mang lại điều gì ý nghĩa cho cô?
– Tôi thấy chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” là một sân chơi tìm hiểu kiến thức về luật giao thông đường bộ cùng các kỹ năng tham gia giao thông an toàn rất bổ ích, ý nghĩa. Tham gia chương trình, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học” được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng vào việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học và tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”. Trên cơ sở đó, dựa vào điều kiện thực tế địa phương, nhà trường, học sinh của mình, tôi sử dụng bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học” một cách có hiệu quả. Thông qua cuộc thi, tôi rất vui khi được đóng góp sáng kiến để đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường.
Hành động để không còn những nỗi đau
– Là một giáo viên tiểu học và cũng là một người mẹ có con nhỏ, cô thấy việc giáo dục cho trẻ em về an toàn giao thông có ý nghĩa như thế nào?
– An toàn giao thông là một trong những chủ đề nóng hổi, được cả xã hội quan tâm. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra, khiến nhiều người, trong đó có các em nhỏ tử vong. Đây là điều không chỉ tôi mà nhiều người khác rất trăn trở. Từ thực tế ấy, tôi nghĩ rằng, bảo vệ trẻ trước nguy cơ tai nạn giao thông là việc làm hết sức cần thiết. Một trong những biện pháp để bảo vệ trẻ chính là giáo dục về an toàn giao thông.
Thực tế, việc giáo dục cho trẻ em về an toàn giao thông có ý nghĩa rất quan trọng. Khi được trang bị kiến thức an toàn giao thông đầy đủ, các em nhỏ sẽ biết điều gì nguy hiểm đối với mình; nêu cao ý thức; hình thành thói quen tốt… Các em cũng sẽ xác định được những hành vi vi phạm luật an toàn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu…
Nhờ vậy, các em sẽ tránh phạm phải lỗi sai và biết lên tiếng phê phán những hành vi vi phạm. Không chỉ đem đến lợi ích cho bản thân, việc được giáo dục về an toàn giao thông còn giúp các em nhỏ có thể chia sẻ với người xung quanh về các quy định pháp luật. Trẻ hoàn toàn có thể giúp người lớn tuổi qua đường; hướng dẫn các bạn tham gia giao thông an toàn; nhắc nhở mỗi khi bố mẹ lơ là, không chú ý quan sát trên đường…
– Qua thực tiễn giảng dạy, cô thấy học sinh tiểu học đến với những giờ học, buổi ngoại khóa về an toàn giao thông với tâm thế ra sao?
– Tại ngôi trường mà tôi đang công tác, học sinh đến với những giờ học, buổi ngoại khóa về an toàn giao thông trong tâm thế rất hào hứng, háo hức. Đơn cử như mới đây, khi nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa “Chúng em với an toàn giao thông”, các em rất vui mừng, thích thú vì được cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Đông Hà hướng dẫn đội mũ bảo hiểm; trả lời các câu hỏi tình huống; giao lưu văn hóa, văn nghệ… Tại sân chơi tìm hiểu về an toàn giao thông cấp trường, chính các em học sinh đã làm thầy cô phải bất ngờ về sự am hiểu, tài năng, sáng tạo… của mình.
– Theo cô, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường?
– Thực hiện tốt việc giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cách để học sinh hình thành nhận thức, hành động đúng. Từ đó, các em có thể tự bảo vệ mình, thân nhân, bạn bè và mọi người xung quanh.
Để nâng cao chất lượng giáo dục về an toàn giao thông trong nhà trường, tôi nghĩ, điều tiên quyết là phải đẩy mạnh công tác truyền thông. Bên cạnh đó, việc tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường cũng hết sức cần thiết.
Tôi mong muốn sở, phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường. Một nhiệm vụ quan trọng khác là cần tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường. Việc xây dựng các mô hình về an toàn giao thông trong mỗi ngôi trường có ý nghĩa quan trọng.
Đơn cử, tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chúng tôi, thời gian qua, mô hình “Cổng trường an toàn, phụ huynh xếp hàng đón con” đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Đây cũng là cách chúng tôi giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh.
Ngoài các giải pháp trên, tôi nghĩ cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường. Theo tôi, bảo vệ trẻ trước tai nạn giao thông không phải là việc riêng của các em nhỏ, phụ huynh mà là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng. Vì thế, tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng hành động để hai tiếng “giá như” không còn trở thành nỗi ám ảnh.