Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/9/2018.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/9/2018. Chiều ngày 11/9/2018, lễ đón chính thức Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô đã tiến hành hội đàm.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước. Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế-xã hội; cảm ơn Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã quan tâm thăm hỏi và chia sẻ với nhân dân In-đô-nê-xi-a trước những thiệt hại do các trận động đất liên tiếp vừa qua gây ra.
Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo cho rằng trong bối cảnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước những thay đổi sâu sắc, mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen, hai nước cần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích nhân dân hai nước, hoà bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; và trao đổi, thống nhất lập trường trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đánh giá cao việc ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 – 2023 trong dịp này, giao các bộ ngành tích cực thực hiện hiệu quả, đạt các kết quả cụ thể hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô cho rằng hai bên vẫn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể khai thác; nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hạn chế áp dụng các rào cản và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết song phương và đa phương. In-đô-nê-xi-a ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc không tiếp tục áp dụng các quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại di động, ti vi; ưu tiên cho hàng nông, lâm, thủy hải sản, thép, sản phẩm chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị điện của Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường In-đô-nê-xi-a.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh trong thời gian qua, nhất là việc triển khai Bản Ghi nhớ về Tăng cường hợp tác giữa quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan giữa hai nước ký năm 2010 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước giai đoạn 2017 – 2022; nhất trí tăng cường hợp tác về hải quân, không quân, công nghiệp quốc phòng; phòng, chống tội phạm.
Hai bên nhất trí tăng cường đàm phán phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa hai nước và giao Cuộc họp Nhóm Kỹ thuật đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982. Hai bên khẳng định giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá bị bắt trên tinh thần nhân đạo và quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước cũng như luật pháp quốc tế. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc phối hợp giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, trong đó có việc ký Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá; đồng thời nhất trí sớm xây dựng Quy tắc hành xử trên biển và sớm ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác biển và nghề cá giữa hai nước.
Hai nhà Lãnh đạo cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như năng lượng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và hợp tác biển, trong đó có hợp tác kinh tế biển, khoa học biển, môi trường biển và xây dựng cơ chế tham vấn về các vấn đề biển. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác hàng hóa nông sản và nghiên cứu lập liên doanh, liên kết trong chế biến – nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ và xuất khẩu đồ gỗ; mở rộng hợp tác du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng Hà Nội – Gia-các-ta.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay, hai bên cần duy trì tham vấn về các vấn đề liên quan đến an ninh và chiến lược ở khu vực; phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực. Hai bên đánh giá cao và cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM.
Hai bên khẳng định lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, theo đó cam kết ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể gây căng thẳng hoặc làm leo thang căng thẳng, tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và quy chuẩn đã được công nhận rộng rãi. Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô chân thành cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Sau hội đàm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược” .
Sau Hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược Việt Nam – In-đô-nê-xi-a giai đoạn 2019 – 2023 và Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững giữa hai nước nhân dịp này./.