Ảnh minh họa.
Một tin sét đánh đã truyền tới gia đình nhà họ Kỳ: Ông Kỳ Hải Giang vì vi phạm kỷ luật nên đã bị giáng chức từ Cục phó xuống làm một nhân viên bình thường.
Câu chuyện dạy con của người cha làm lãnh đạo
Nhìn đồng hồ đã chỉ đúng 8 rưỡi sáng, thấy con trai Kỳ Dục vẫn đang say sưa ngủ trong phòng, người cha Kỳ Hải Giang chau mày.
Dù hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng ông Kỳ đã dậy từ sớm để chuẩn bị bữa sáng xong xuôi. Thế nhưng cho tới giờ này, Kỳ Hải Giang và vợ vẫn chưa thể dùng bữa.
Vợ ông ngồi trên băng ghế ngoài phòng khách, vừa xem điện thoại di động, vừa chờ con thức dậy, vẻ mặt chẳng có lấy nửa điểm vội vã.
Cậu con trai Kỳ Dục của ông bà năm nay đã lên lớp 11, công việc học tập càng lúc càng bộn bề. Dù vậy, cậu bé bình thường vẫn rất ít khi dậy sớm, riêng ngày cuối tuần còn “tự túc” ngủ nướng tới gần trưa.
Thói quen này từ lâu đã khiến cha cậu là ông Kỳ Hải Giang rất không vui. Ông cho rằng đó là biểu hiện lười nhác của một đứa trẻ quen sống trong nhung lụa.
Bản thân ông Kỳ giờ đây đang giữ chức Cục phó, làm lãnh đạo tại một cơ quan nhà nước. Thế nhưng ngay từ khi còn nhỏ ông đã dậy sớm để cùng cha làm ruộng.
Xuất thân từ nông thôn, lại thêm chí hướng vượt khó vươn lên đã khiến ông Kỳ từ lúc còn trẻ cho tới bây giờ chưa bao giờ cho phép mình được ngủ cố, bất kể đó là cuối tuần hay ngày nghỉ.
Nhớ lại những năm tháng cần cù khi còn niên thiếu, ông Kỳ lại càng thêm bất mãn mà nói với vợ mình: “Thằng bé nhà mình thật chẳng biết giống ai, đến giờ này rồi mà vẫn chưa chịu dậy”.
Nào ngờ lời phê bình này của Kỳ Hải Giang lại chẳng nhận được sự tán thành từ vợ. Bà Kỳ tỏ thái độ coi nhẹ:
“Thì cuối tuần mà, con nó muốn ngủ thêm một lát. Dậy sớm hay ngủ thêm vài phút thì cũng có khiến con mình giỏi lên hay kém đi chút nào đâu”.
Thói quen có phần lười nhác của con trai khiến người cha rất không hài lòng. (Ảnh minh họa).
Ông Kỳ Hải Giang đi đi lại lại quanh nhà mấy lượt, cuối cùng không nhịn được, sải bước vào phòng ngủ của con trai, mở cửa gọi lớn: “Dậy ngay, dậy ngay đi. Bây giờ là lúc nào rồi mà con còn ngủ nướng?”.
Cậu con trai Kỳ Dục miễn cưỡng mở mắt, trên mặt lộ rõ vẻ bất mãn, cự nự đáp: “Bố làm sao thế, mới sáng sớm ra mà…”.
Ông Kỳ nghiêm khắc nhìn con trai một cái rồi phê bình: “Còn sớm sủa gì giờ này nữa? Khi bố bằng tuổi con, vào tầm này mỗi sáng đã chẻ xong cả đống củi, ông nội con ít nhất cũng mang được 2 bó củi đi nhóm lò rồi đấy”.
Kỳ Dục tuy không lên tiếng, nhưng trên mặt hiện rõ vẻ không vui. Nhìn thấy con trai mặt mũi chẳng có nửa điểm tươi tỉnh, ông Kỳ lại càng giận:
“Thái độ con như thế là làm sao? Con không phục có phải không? Những lời cha nói đều là thật. Con ở tầm tuổi này không thể nào so được với ba ngày xưa”.
Kỳ Dục thấp giọng lầm bầm: “Có ai nói là không tin lời cha đâu? Nhưng xưa khác, nay khác, cũng có nhiều điểm cha chẳng thể nào so với con được…”.
Ông Kỳ nghe không hiểu, nghiêm giọng hỏi lại: “Con nói xem cha có chỗ nào không so nổi với con?”.
Cậu con trai ông cười đắc ý: “Chính là nghề nghiệp của cha chúng ta! Bố của cha làm sao so được với bố của con? Cha thử nghĩ xem cha đang làm nghề gì, còn ông nội ngày trước làm gì? Đó chính là một điểm mà con hơn được cha”.
Kỳ Hải Giang nghe vậy, cũng không có cách nào nói lại kiểu lý sự này của con trai. Bởi thực chất, cha của ông là một người làm nông, cuộc sống gia đình trước kia cũng có nhiều điểm túng thiếu.
Trong khi đó, bản thân ông bây giờ nhờ phấn đấu nhiều năm nên đã trở thành lãnh đạo. Hai vợ chồng có mỗi một người con trai, vì vậy luôn dành cho con những thứ tốt đẹp nhất từ nhỏ đến lớn, khó trách được khiến Kỳ Dục tự phụ, đắc ý về xuất thân của gia đình mình.
Thấy hai cha con đang căng thẳng trong phòng, bà Kỳ vội lên tiếng giải vây cho Kỳ Dục:
“Con trai, dậy rồi thì mau ra ăn sáng đi, đừng có để cha con phải càu nhàu nữa”.
Bữa sáng cuối tuần hôm ấy, dù hai vợ chồng đã cất công dậy sớm chuẩn bị thịnh soạn, nhưng ông Kỳ Hải Giang chẳng hề cảm thấy ngon miệng.
Trong đầu ông vẫn mãi suy nghĩ về thói quen lười biếng của Kỳ Dục, cũng liên tục nhớ tới sự tự đắc khi con trai nhắc tới xuất thân của cha mình…
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Không tới mấy ngày hôm sau, một tin sét đánh đã truyền tới gia đình nhà họ Kỳ: Ông Kỳ Hải Giang vì vi phạm kỷ luật nên đã bị giáng chức từ Cục phó xuống làm một nhân viên bình thường. Dù vợ ông nhiều lần gặng hỏi đầu đuôi, nhưng Kỳ Hải Giang đều từ chối trả lời.
Đối với vấn đề về công việc của cha, Kỳ Dục không dám đưa ra ý kiến. Thế nhưng từ sau ngày hôm đó, cậu đã không bao giờ còn ngủ nướng, bắt đầu chăm chỉ học tập.
Thấy Kỳ Dục càng ngày càng nỗ lực, ông Kỳ mừng thầm trong lòng. Một hôm, Kỳ Hải Giang hỏi con trai của mình: “Sao dạo này con lại chịu dậy sớm thế?”.
Kỳ Dục hừ nhẹ một tiếng rồi đáp: “Làm gì còn cách nào đâu ạ? Vì bây giờ nghề nghiệp của bố con so với bố của cha năm xưa đã không còn mạnh hơn bao nhiêu nữa rồi…”.
Hai năm sau, Kỳ Dục thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Trong buổi tiệc ăn mừng hôm ấy, ông Kỳ mới đem chân tướng sự việc nói cho tất cả mọi người.
Hóa ra, việc bị giáng chức chỉ là một màn diễn do ông dựng nên, mà đồng nghiệp trong cơ quan ai cũng đều giúp ông giữ kín bí mật này trong suốt hai năm trời.
Cho tới khi biết được sự thật, Kỳ Dục mới hiểu ra tất cả. Thì ra, cha vì muốn cậu tự rèn giũa bản thân mình nên đã âm thầm giấu gia đình, chịu đựng đủ mọi điều tiếng và áp lực suốt một khoảng thời gian dài.
Nghe những lời bộc bạch của cha, Kỳ Dục rơi nước mắt. Cậu nghẹn ngào nói: “Cha ơi, sau này con sẽ không bao giờ đem cha đi so sánh nữa. Bởi trên thế gian này, bất kể người cha nào cũng không tốt bằng cha của con”.
Lời bình
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Có người đã từng nói: “Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi cha, hay rời cha để đến với gia đình của riêng mình, lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn điều đó”.
Khác với sự chăm sóc dịu dàng cùng những cử chỉ quan tâm ân cần của mẹ, cha không mấy khi biểu lộ tình cảm của mình ra bên ngoài. Thế nhưng hơn ai hết, cha luôn âm thầm hy sinh bản thân mình vì vợ con mà chẳng bao giờ nói ra một lời than phiền hay trách cứ.
Có đôi khi, bạn nghĩ rằng mình đã lớn, bạn tự cho mình quyền tự hào khi có được những thành tựu vĩ đại.
Thế nhưng lúc quay đầu nhìn lại, bạn có nhận ra rằng, bạn mới nhận ra rằng trên con đường trưởng thành hay bậc thang bước tới thành công của chúng ta, mọi sự suôn sẻ, may mắn mà ta những tưởng là trời ban lại đều đến từ sự hy sinh thầm lặng của chính cha mình.
Có lẽ, trên thế gian này, người thầy đầu tiên của mỗi người chính là cha của họ. Những người làm cha không nói cho con mình rằng chúng phải sống như thế nào, mà họ dùng chính cuộc sống của mình để cho con cái chứng kiến điều đó.
Cũng bởi vậy mà Roger Barcon đã để lại câu nói: “Đức hạnh và uy tín của người cha là di sản quý nhất của người con”.