Cộng hưởng cảm xúc

Vinh dự và tự hào là cảm xúc chung mà chúng tôi ghi nhận được tại Festival “Về miền Quan họ-2023”. Sự kiện văn hóa quy mô và hấp dẫn này kết thúc từ một tháng trước nhưng dư âm của những cung bậc xúc cảm còn ngân vang mãi…

 

Trong dòng chảy đương đại, di sản văn hóa luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người và song hành cùng sự phát triển đi lên của quê hương. Festival chính là cách thức để những mạch nguồn văn hóa tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay, đồng thời là cơ hội quảng bá giá trị đối với du khách bốn phương và trao truyền di sản đến mai sau.

Đối với nhiều người dân Bắc Ninh, Quan họ hiện không chỉ là niềm đam mê đơn thuần mà đã trở thành lẽ sống. Gắn liền với tình yêu ấy là ý thức trách nhiệm, là sứ mệnh cuộc đời mà bất kể khi nào họ cũng nguyện hết lòng phục vụ nghề chơi. Những nghệ nhân, anh hai, chị hai không quản ngại khó khăn, miệt mài dốc lòng, dốc sức truyền lại nghề chơi cho thế hệ trẻ; những nhà nghiên cứu, người sưu tầm, những nghệ sĩ, diễn viên… đã tận tâm, tận lực để Quan họ được bảo tồn, thăng hoa và tỏa sáng.

Có thâm niên trong nghề chơi Quan họ, từng tham gia hội thi hát Quan họ đầu xuân nội dung 150 câu, liền chị Nguyễn Thị Lụa, khu Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh phấn khởi: Tôi rất tự hào vì sau 3 năm dịch bệnh không khí lễ hội được trở lại tưng bừng, mọi miền cùng hội tụ về sum họp, rộn ràng. Tôi chưa từng thấy nhiều di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam cùng hiện diện như ở Festival năm nay. Được gặp gỡ giao lưu, tiếp xúc với nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành phố trong nước, xem họ biểu diễn và nghe họ giới thiệu về giá trị độc đáo của từng di sản, chúng tôi càng ý thức hơn trách nhiệm gìn giữ di sản của quê hương, dân tộc.

Bây giờ, phong trào ca hát Quan họ lan tỏa, phát triển rộng khắp làng xã, vào từng xóm thôn, góc phố và lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, như một sứ giả, đưa văn hóa Việt Nam hội nhập với bạn bè quốc tế. Tại Festival “Về miền Quan họ -2023”, trong hành trình kết nối, giao thoa các miền di sản trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc, Dân ca Quan họ như một mạch nguồn dẫn dắt với vẻ đẹp lấp lánh, ôm chứa cả sự thổn thức mặn mà của câu hát Ví Dặm; sự day dứt, sâu lắng của đờn ca tài tử; sự tinh tế, sang trọng của Nhã nhạc cung đình Huế; sự khỏe khoắn, mạnh mẽ của Cồng chiêng Tây Nguyên và trên hết chính là mạch nguồn lan tỏa, hòa nhịp kết nối xuyên suốt các miền di sản của dân tộc Việt.

Vang câu hát đón bạn ngày xuân của các nghệ sĩ, nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

 

Vượt cả ngàn cây số đến Bắc Ninh tham dự Festival Về miền Quan họ, NSƯT Hải Yến, Đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam xúc động: Chúng tôi vinh dự được mang nghệ thuật Bài Chòi đến giới thiệu với người dân Bắc Ninh và giao lưu với các di sản vùng miền. Tôi rất vui, cảm thấy ấm áp và trân trọng tình cảm của người dân nơi đây. Khi trực tiếp nghe các nghệ nhân hát Quan họ, được tận mắt thấy các liền anh liền chị trong bộ quần trang phục tứ thân nết na, duyên dáng tôi rất xúc động, thấy mình cũng bị cuốn theo, say đắm. Hy vọng, những dịp giao lưu các miền di sản sẽ tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức để chúng tôi được mang những câu hát quê mình giới thiệu với nhân dân.

Đặc biệt thích chương trình hát thuyền giao lưu các miền di sản tại khu vực Hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế chia sẻ: Chương trình giao lưu “Sum họp trúc mai” mang đến cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, vừa đậm chất Quan họ mà các nghệ sĩ của Nhã nhạc Cung đình Huế và những loại hình di sản khác cũng vinh dự được dạo trên thuyền rồng cùng các liền anh, liền chị Quan họ. Tuy mỗi nơi, mỗi miền có một âm sắc khác nhau nhưng đêm hát trên thuyền tạo được sự gắn kết, giao hòa nhuần nhuyễn, chúng tôi cảm thấy các di sản đều là anh em với nhau. Đó là một không gian nghệ thuật rất ấn tượng và đặc trưng, tôi thấy Bắc Ninh nên duy trì những chương trình như thế vì đây là bản sắc văn hóa của tỉnh.

Di sản văn hóa dù vật thể hay phi vật thể đều được hình thành và lưu giữ bởi những một cộng đồng dân cư sinh sống ở một vùng đất cụ thể. Vì vậy, trong mỗi khúc thức, lời ca, điệu múa, kể cả những đạo cụ, cách phục sức cho đến âm sắc vùng miền đều mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa, gửi gắm những thông điệp từ truyền thống lịch sử và trao đi những cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa… Anh Đoàn Giang, một du khách đến từ Hà Nội tâm sự: Trực tiếp thưởng thức những giọng hát vang ngân từ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, tôi mới thực sự hiểu sức sống mãnh liệt của dòng chảy âm nhạc dân tộc cùng vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt đã được biết bao tài năng trong dân gian trau chuốt nên. Điều mà tôi nhớ nhất là lối ứng xử rất văn hóa, giàu tình cảm mà khiêm nhường của người Quan họ. Vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn cùng những giọng ca cất lên say mê không biết mệt, càng khiến tôi yêu hơn vùng đất này và tin rằng di sản Dân ca Quan họ sẽ còn vang xa mãi mãi…

Festival Về miền Quan họ đã trở thành hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn, mang tính định kỳ, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới của quê hương Bắc Ninh. Những ân tình nồng đượm, cảm xúc bâng khuâng, vương vấn được chắt chiu từ những ngày sum họp ngắn ngủi tại Festival “Về miền Quan họ-2023” sẽ kết tinh thành niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những mục tiêu mới trên những hành trình kết nối mạch nguồn di sản…

V.Thanh

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/cong-huong-cam-xuc