Ngày 24/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về vấn đề nồng độ cồn khi lái xe.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ với dự án này. Điều 8 dự thảo về các hành vi bị nghiêm cấm, một số đại biểu đề nghị không quy định cấm tuyệt đối người lái xe mà máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Thay vào đó, dự thảo nên quy định mức nồng độ cồn cụ thể được phép chạy xe.
Trong báo cáo, Chính phủ cho rằng dự thảo Luật hiện tại quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, dựa trên quan điểm “tính mạng người tham gia giao thông là trên hết”. Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, hạn chế tai nạn và thống nhất với khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.
Theo báo cáo, tài xế sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng khả năng phán đoán, xử lý tình huống. Nhiều vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người có nguyên nhân từ tài xế có hơi men. Sau thời gian quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, Chính phủ cho rằng tai nạn giao thông liên quan sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì “quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam”. Các ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức phù hợp từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong buổi thảo luận hôm qua, vấn đề này tiếp tục làm “nóng” nghị trường. Một đại biểu cho rằng “quy định này có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt cũng như góc độ sinh học. Khi bị thổi nồng độ cồn, người kiểm soát giao thông và tài xế phải tranh cãi rằng có uống rượu, bia hay không”.
Một đại biểu khác đề nghị thiết kế quy định như Luật Giao thông đường bộ 2008, tức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định, nếu vượt ngưỡng mới bị xử phạt. “Một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa nhưng khi lái xe, nếu đo nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt. Điều này chưa hợp lý và chưa thuyết phục, dễ gây tranh cãi khi người dân bị thổi nồng độ cồn”, đại biểu nêu ví dụ.
Ý kiến này có lẽ cũng là thắc mắc của nhiều người dân thời điểm hiện tại. Như lỡ uống 1 ly bia, 1 chén rượu, thì sau bao lâu mới hết nồng độ cồn? Có khi nào uống trái cây lên men mà cũng có nồng độ cồn hay không? Đã là máy móc thì thường có sai số nhất định, có khi nào máy đo “chập chờn” hay không?
Ở luồng quan điểm ngược lại, có đại biểu khẳng định việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn thời gian qua góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn, thay đổi nhận thức người dân, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, nên đại biểu này đồng tình với quy định tại dự thảo Luật.
Có thể thấy, dẫn chứng lập luận của hai luồng quan điểm về vấn đề đều rất có lý, có thể nói “bất phân thắng bại”. Vì vậy, cần xem lại hướng giải quyết sự việc của Chính phủ, là “nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và tính khả thi”. Cơ quan thẩm quyền cần sớm có nghiên cứu khoa học thực tế, chính xác, rõ ràng; làm căn cứ quyết định; để vấn đề được “chốt” một cách thực sự thuyết phục.
Minh Khang
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/co-nen-sua-quy-dinh-ve-nong-do-con-d201311.html