Sau những nỗ lực cải tạo giáo dục không ngừng nghỉ, hành trình kỳ diệu trở thành “Giáo viên toàn cầu” đã giúp cô giáo Trần Thị Thúy xuất sắc lọt Top 10 Nhân vật Truyền cảm hứng trong đêm Gala WeChoice Awards 2019.
Với câu chuyện kỳ diệu từ một giáo viên trường làng vươn ra biển lớn, cô giáo Trần Thị Thúy đã chính thức lọt Top 10 Nhân vật Truyền cảm hứng trong đêm Gala WeChoice Awards 2019. Cô có biệt danh khác là “cô giáo toàn cầu” khi vinh dự trở thành 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize), một giải được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Cô giáo Trần Thị Thúy hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh tại trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Nổi tiếng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, cô Thúy đã tạo nên môi trường học tập giúp học sinh có thể kết nối với học trò các nước khác chỉ thông qua màn hình máy tính. Đều đặn 1 tiết/ tuần, các cô trò lại đến với rất nhiều quốc gia khác nhau, khi thì đến Trung Quốc, khi thì qua Nhật, khi lại đến hẳn Kim tự tháp Ai Cập…
Cô giáo Trần Thị Thúy chính thức lọt Top 10 Nhân vật Truyền cảm hứng của lễ trao giải WeChoice Awards.
Sau những nỗ lực nỗ lực cải tạo giáo dục không ngừng nghỉ suốt gần 10 năm trời, cuối cùng cô Thúy cũng gặt hái được những thành quả nhất định. Năm 2016, cô cùng học trò đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin với dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta trước thuốc trừ sâu”. Với dự án này, cô tiếp tục được trở thành một trong 4 giáo viên tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft 2017 tổ chức tại Canada. Vượt qua hơn 40 nhóm khác, nhóm của cô Thúy xuất sắc giành giải chung cuộc – giải cao nhất tại Diễn đàn.
Với những thành quả đó, cô Thúy vinh dự trở thành một trong số ít giáo viên được trực tiếp phỏng vấn ngài Anthony Salcito, Phú Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft. Đứng trước những người có sức ảnh hưởng to lớn với giáo dục, cô kể về hành trình kiến tạo con chữ và những giá trị thay đổi mình đã mang lại. Câu chuyện của cô làm lay động trái tim những người lắng nghe và đã có lời mời chào đến với nền giáo dục mới. Song, đáp lại lời mời ấy, cô Thúy đã khẳng khái từ chối với lý do: “Ra đi là để trở về“.
Sau những nỗ lực cải tạo giáo dục không ngừng nghỉ suốt gần 10 năm trời, cuối cùng cô Thúy cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định.
Sau hành trình dài rong ruổi khắp giải thưởng lớn, cô Thúy vẫn là cô giáo làng quê với mong ước đem tiếng Anh là “vũ khí” đặc biệt cho các em học sinh trường THPT Đức Hợp. Cô luôn tự khiêm tốn với những gì mình đạt được và cho rằng bất cứ giáo viên nào có tâm với học trò cũng đều có thể chạm đến ước mơ này: “Chị chỉ là giáo viên bình thường, nhưng thực lòng chị luôn mong những điều tốt nhất cho học trò và muốn biến tiếng Anh thành lợi thế của các em”.
Vân Trang , theo Trí Thức Trẻ