Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT.
Ông Trump luôn đe dọa sa thải và sa thải nhân viên trong lúc rối ren, một quản lý sòng bạc của ông Trump cho hay.
14 thành viên nội các “ra đi”
Hãy quay lại năm 2016 khi ông Donald Trump còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, ông đã cam kết xung quanh ông sẽ là những người giỏi nhất.
Nhưng việc thay thế bà Kirstjen Nielsen ở vị trí người đứng đầu Bộ An ninh nội địa đánh dấu thành viên thứ 14 trong nội các Tổng thống Trump từ chức, bị sa thải hoặc điều chuyển sang vị trí khác.
- Một tuần gây rối loạn của ông Trump: Chiến lược đánh bại đảng Dân chủ hiệu quả không ngờ
So sánh với những người tiền nhiệm, ông Barack Obama mất 9 Bộ trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông George W.Bush cũng điều chuyển 4 quan chức trong 4 năm đầu tiên trong khi ông Trump chưa kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
Và không chỉ đối với thành viên nội các. Theo Viện nghiên cứu Brookings tại Washington D.C, 66% tất cả nhân viên cấp cao đã ra đi khi ông Trump trở thành Tổng thống.
Mức độ thay thế giữa các cố vấn cấp cao được gọi là “Đội A” của Tổng thống đã thiết lập kỷ lục: khoảng 2/3. Còn ở cấp Nội các, gần một nửa đã chuyển đi cho đến nay.
Ngoài ra, đối với những người thay thế cho những người không còn trong Đội Trump, dường như có một ưu tiên dành cho các lãnh đạo tạm thời bất kể các công việc quan trọng như thế nào.
Ví dụ, người sẽ thay thế bà Nielson, ông Kevin McAleenan, sẽ chỉ đảm nhiệm công việc này tạm thời. Bộ Quốc phòng, sau sự ra đi của ông James Mattis, mới có Quyền Bộ trưởng, Văn phòng Nhà Trắng hiện do quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney đứng đầu. Gần đây nhất, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) Randolph “Tex” Alles cũng phải rời chức vụ.
“Điều này giúp tôi có thể thay đổi các vị trí rất nhanh và linh hoạt hơn”, ông Trump nói hồi tháng 1.
Điều này cũng giúp ông “né” được các phiên điều trần gây tranh cãi tại Quốc hội với các chức vụ như Bộ trưởng quốc phòng, an ninh nội địa và nội địa. Bên cạnh đó, ông Trump thích tự mình điều hành mọi thứ.
“Lý thuyết hỗn loạn”
Nhưng ông Trump điều hành công việc dựa trên lý thuyết hỗn loạn của riêng mình. Điều này không mới đối với ông nhưng hoàn toàn lạ lẫm với Phòng Bầu dục. Và đó là một cách đáng lo ngại – thậm chí đáng sợ – để điều hành công việc, Gloria Borger – nhà phân tích chính trị của CNN cho hay.
Lý thuyết hỗn loạn của Trump, theo người cộng sự lâu năm của ông, có nghĩa là làm ngược lại với những gì mọi người gợi ý và sau đó cho thấy rằng ông ấy đúng.
Hãy xem xét những gì đã xảy ra với sòng bạc của ông Trump ở thành phố Atlantic, cụ thể hơn là Taj Mahal vào năm 1990 – bằng chứng mang tính biểu tượng của ly thuyết hỗn loạn của ông Trump vẫn không thay đổi trong nhiều thập kỷ.
“Ông Trump luôn luôn làm việc với một nhóm rất nhỏ. Có khoảng 6 người điều hành toàn bộ”, Alan Lapidus, kiến trúc sư của Trump nói. Điều này lý giải vì sao không có vị trí nào quá lâu ở lại trừ chính ông, thành viên gia đình ông và một vài người.
Và khi 1/3 số máy đánh bạc ngừng hoạt động, đó là sự hỗn loạn. “Ông Trump đã làm gì để cố gắng và giải quyết vấn đề? Ông ấy quyết định đe dọa sẽ sa thải giữa lúc rối ren”, Jack O’Donnell, một trong những người quản lý sòng bạc của Trump nói.
Điều này nghe có tương tự với việc chính sách nhập cư và an ninh biên giới không như Tổng thống muốn, và ông quyết định sa thải Kirstjen Nielsen, người đứng đầu Bộ An ninh Nội địa, Gloria Borger bình luận.
Theo hãng tin CNN, bà Nielsen đã phản đối yêu cầu khôi phục chính sách ly tán các gia đình nhập cư bất hợp pháp của ông Trump.
Các Tổng thống được cho là những người bình tĩnh giữa hỗn loạn. Nhưng Trump thì không, ông ấy chính là sự hỗn loạn, nhà bình luận của CNN nói.