Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, phía hồ Tây đã mở cửa xả nước vào sông Tô Lịch khiến nước sông đổi màu, trong xanh hơn; nhiều người dân thích thú, thoải mái buông cần câu bắt cá.
Sau đợt mưa dài ngày ở Hà Nội do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, phía hồ Tây đã mở cửa xả nước vào sôfcá trông Tô Lịch. Nước sông Tô Lịch đã chuyển sang màu xanh đậm khác với dòng nước đen kịt, hôi thối thường ngày.
Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh biếc, người dân thoải mái buông cần câu cá
Trưa ngày 2/9, mực nước sông Tô Lịch đo được đã gần chạm ngưỡng 4m. Dòng nước xanh ngắt lạ thường thu hút rất đông người dân Thủ đô đổ về khu vực sông Tô Lịch để câu cá. Do dòng chảy từ Hồ Tây khá mạnh nên lượng cá lớn nhỏ cũng theo cửa xả này trôi về phía sông Tô Lịch đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt khá nhiều.
Nước sông Tô Lịch xanh biếc khiến nhiều người thích thú
Theo quan sát của chúng tôi, có đủ loại cá như cá mè, cá trôi, cá chép… với trọng lượng từ 0,5 – 1kg.
Chia sẻ với PV, một người ngồi câu cá ven sông Tô Lịch cho biết, “Bình thường nước ở đây bẩn lắm. Tôi là người sống ở đây từ bé rồi nên mong nước càng xanh đẹp càng tốt. Bao giờ mà có nước trong xanh chảy như thế này thì mới được”.
Không ít cần thủ tập trung về đây câu cá
Do nước chảy xiết nên các cần thủ phải sử dụng loại lưỡi lục được kẹp cùng phao và thả xuôi theo dòng nước và giật liên tục để bắt cá.
Theo chia sẻ của một người dân thì lượng cá đổ về đây khá lớn, thậm chí có người đã bắt được gần 1 tạ cá và liên tục đem về nhà đến 3 – 4 lần.
Trên bờ sông, khá đông người dân hiếu kì đứng quan sát các cần thủ.
Nhiều người dân hiếu kì đứng trên bờ theo dõi
Được biết, TP Hà Nội hiện nay đang thí điểm nhiều biện pháp để “hồi sinh” sông Tô Lịch, trong đó có việc áp dụng công nghệ Nhật và Đức. Bước đầu, các công nghệ này đã đưa kết quả tích cực, trong đó nước đã giảm mùi hôi và lượng ô-xy trong nước cũng cao hơn…
Ngoài ra, công ty thoát nước cũng đang trình TP phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào Hồ Tây. Từ nguồn nước bổ cập đó, Công ty thoát nước Hà Nội sẽ cho xả trực tiếp từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch. Đây là một trong những phương án được các chuyên gia đánh giá cao trong việc “hồi sinh” sông Tô Lịch.