Cuộc sống khó khăn khiến những người lao động ngoài trời ấy vẫn phải đi làm, vật lộn với cái nắng, cái nóng kinh hoàng để mưu sinh.
Hai ngày qua, Hà Nội nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời có những lúc đã lên đến 58 độ C (nhiệt độ được đo trên mặt đường vào lúc đỉnh điểm). Nếu chỉ ngồi trong phòng, điều hoà luôn ở mức 28 độ mát mẻ ta sẽ chẳng thể nào hình dung được cái nắng bỏng rát như cháy da cháy thịt, hơi nóng ngùn ngụt từ đường bốc lên và mùi nhựa đường cháy khét nồng nặc phả hầm hập dưới chân và đùi kinh khủng đến nhường nào.
Nhiệt độ tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân Thủ đô, đặc biệt là đối với những người lao động phải mưu sinh ngoài trời.
Clip: Mưu sinh trên đường Hà Nội vào một ngày nắng nóng
Nhiệt độ cao đã khiến cuộc sống của người dân Thủ đô đảo lộn.
Xây dựng là 1 nghề phụ thuộc vào thời tiết, chẳng ai có thể xây nhà lúc mưa gió thế nên những ngày nắng là ngày làm việc. Dù có nắng nóng quá sức chịu đựng, công nhân vẫn phải bám công trình, làm việc từ 6h30 sáng đến 11h trưa và từ 1h chiều cho đến 5h chiều.
Dưới thời tiết “trứng đổ ra đường còn chín”, những người thợ xây, thợ hồ cứ vẫn miệt mài với công việc. Anh thợ xây gồng mình kéo thép, đổ bê tông, chị thợ phụ hối hả đánh vữa, chuyển gạch…, mồ hôi ướt đầm áo, mái tóc bết dính vào đầu. Dẫu có mệt mỏi nhưng những người thợ ấy cũng chẳng thể nghỉ, vừa là cái nghề của mình rồi không nghỉ được, vừa là phải làm để kịp tiến độ của công trình.
Những người thợ xây vẫn phải gồng mình lao động.
Ông Bùi Thọ Dân (quê Hà Nam) làm nghề chạy xe ôm tại Hà Nội đã hơn 12 năm nay. Dẫu nghề xe ôm của ông chẳng có ai quản lý, thế nhưng vì đồng tiền bát gạo, nắng nóng như thế này nhưng ông vẫn phải đứng bên đường đợi khách.
“Nóng lắm. Trời lúc 9 rưỡi, 10h còn nóng hơn cả bây giờ (giữa trưa – PV) luôn, bây giờ còn có tí gió, mấy hôm nữa còn nóng không ngồi như này được. Giờ chú nghỉ trưa nhưng tí có khách lại chạy tiếp, không nghỉ được” – ông Dân chia sẻ.
Ông Dân vẫn mong có nhiều khách dù cho thời tiết có nắng nóng.
Không chỉ ông Dân mà những người lái xe ôm khác cũng phải oằn mình giữa trưa nắng, khi không có khách họ tranh thủ ngả lưng nghỉ trưa trên những chiếc xe máy hoặc uống dăm ba ly trà đá để hạ nhiệt.
Người xe ông ngả lưng nghỉ ngơi khi chờ khách.
Gánh hàng rau quanh các đường phố đã trở thành công việc của bà Lan (quê Hưng Yên). Những ngày nắng nóng như đổ lửa như thế này, việc gánh hàng trở nên nặng nề hơn với bà.
“Bình thường là bán cả trưa, ngày thì bán 2 – 3 chuyến. Mệt mỏi lắm, mệt quá thì ngồi nghỉ. Nắng thế này không khoẻ như lúc mát, chứ nắng này mệt lắm” – bà Lan than thở.
Nắng nóng đến người trẻ, sức dài vai rộng còn mệt huống chi là bà Lan đã già yếu. Thế nhưng những ngày nắng nóng vừa qua bà Lan chưa nghỉ bán hàng 1 ngày nào, vẫn cứ gồng gánh gánh hàng chuối khắp phố để kiếm tiền.
Bà Lan
Những ngày nắng nóng bà Lan chưa nghỉ bán hàng hôm nào.
Nhiệt độ tăng cao khiến những người dân lao động ngoài trời tại Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn. Ai cũng tỏ ra mệt mỏi khi phải làm việc dưới cái nắng 37, 38 độ C.
Đồng cảnh ngộ như bà Lan, chị Huệ (quên Hà Nam, bán hàng rong) cũng vô cùng mệt mỏi khi vẫn phải rong ruổi khắp nơi dưới trời nắng nóng. Chị Huệ bán chiếu cói, và có lẽ thời tiết thế này người ta cũng ngại cất tiếng gọi để mua chiếu của chị.
“Thời tiết tôi thấy là quá oi bức, nóng nực. Vì hoàn cảnh khó khăn nên mới phải cố gắng, kiên trì dưới thời tiết này, cố kiếm thêm vài đồng nuôi các cháu ăn học. Người ta ở đây thì người ta cứ trú trong nhà, mình ở quê lên vất vả thì mình đi thôi, cũng ế ẩm hơn” – chị Lan nói.
Chị Huệ là người bán chiếu cói dạo.
Buổi trưa nắng nóng, những con đường có nhiều cây xanh như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Giảng Võ, Trần Phú… người lao động chọn làm chỗ trú chân lý tưởng, trốn cái nắng như cháy da, cháy thịt ngoài kia.
Những người xe ôm, bán hàng rong trốn mình dưới những tán cây xanh tránh nóng.
Còn rất nhiều những người thợ, tài xế, lao công vất vả ngoài kia…
Thời tiết cực đoan này cũng gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ người dân. Các chuyên gia y tế khuyến cáo:
– Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường.
– Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc tập thể dục nên uống từ 2 – 4 ly nước mỗi giờ, không nên bổ sung nước bằng nước ngọt hay đồ uống có cồn.
– Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay.
– Với trẻ nhỏ thường mải chơi, nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt cao hơn ở người lớn do trẻ thường không tự uống bổ sung nước, dấu hiệu cảnh báo một đứa trẻ mắc bệnh do nhiệt tương đối muộn hơn người lớn.
– Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn.
– Xử trí nghi ngờ bị các bệnh do nắng nóng, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, nằm xuống, uống nước, làm mát da bằng cách áp những miếng vải ướt lên vùng da.