Ở tuổi 70, ông Quang vẫn ngày ngày đội mưa nắng bán từng chiếc bánh để chăm lo cho vợ. Ông chẳng bao giờ than vãn vì từ ngày cưới bà về ông đã luôn tự hứa sẽ đem đến cho bà một cuộc sống tốt nhất có thể.
“Hôm qua bán xong, tui đi xe ôm về nhà, tới ngã tư 3 tháng 2 với Lý Thường Kiệt thì bị xe đụng, tui với chú xe ôm té cái ầm xuống đất, ê ẩm hết cả mình mẩy” – ông Quang kể lại.
Tôi giật mình hỏi: “Ủa sao hôm nay chú không ở nhà nghỉ ngơi cho khoẻ, mà đi bán lại liền vậy?”.
Ông Quang tỉ mỉ xếp lại mấy chiếc bánh trên khay rồi bảo: “Phải đi bán chứ chú, vợ chồng tui chỉ trông vào cái khay bánh này, không bán lấy gì mà ăn”. Từ hồi cưới bà, ông vẫn luôn tự hứa với lòng dù có phải trải qua bao nhiêu vất vả thì cũng không để bà phải thiếu ăn thiếu mặc một ngày nào.
Lấy chồng mù loà làm sao mà nương tựa
Dưới gốc cây quen thuộc trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) hơn 25 năm qua ông Trương Minh Quang (70 tuổi) vẫn cần mẫn bán từng chiếc bánh thuẫn bất kể ngày nắng hay mưa. Cả tuổi trẻ bôn ba khắp các con hẻm ở Sài Gòn bán bánh, đến khi sức đã không còn đủ để rong ruổi khắp nơi, người đàn ông mù loà chọn nơi đây để dừng chân mưu sinh.
Ông Quang sinh ra ở Mỹ Tho (Tiền Giang), năm 9 tuổi sau một lần bị bệnh nặng, mắt ông mờ dần rồi dẫn đến mù lòa. “Sau 10 ngày kể từ lúc phát bệnh thì mắt tui hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Lúc đó tui sợ lắm, tưởng chừng không thể tiếp tục sống được nữa, xung quanh chỉ toàn là bóng tối. Đi đâu cũng khó khăn, bữa thì té xuống mương, bữa thì té dưới bếp. Mất hơn 1 năm mới có thể chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng nữa” – người đàn ông bật cười khi kể về biến cố cuộc đời, đôi khi nghĩ lại cứ như một trò đùa của ông trời.
Lớn lên, ông Quang đi bán vé số để kiếm sống, mỗi ngày ông đi xe đò 30km xuống chợ Cai Lậy để bán vé số. Cũng nhờ vậy mà ông quen vợ mình – bà Nguyễn Thị Cưu (72 tuổi). “Bả lớn hơn tui 2 tuổi, mà chắc tại tui nói chuyện dễ thương nên bả thương” – ông Quang kể.
Bà Cưu tiếp lời: “Gia đình ổng qua hỏi cưới, má tui không chịu. Má nói: má chỉ gả con có một lần thôi, nên sợ mày khổ, người ta mù loà vậy rồi làm sao mà nương tựa hả con”. Nhưng tình yêu đâu ai lý giải được, dẫu biết cơ cực nhưng bà vẫn muốn cùng ông đi qua những tháng ngày phía trước.
Vậy rồi chẳng đám cưới rình rang, chẳng một lời chúc phúc, hai người về chung một mái nhà, bà làm bánh đem ra chợ bán, ông đi bán vé số, nương tựa nhau rau cháo qua ngày.
Những ngày tháng rong ruổi giữa thị thành
Một thời gian sau, kinh tế khó khăn buộc hai vợ chồng phải dắt nhau lên Sài Gòn để kiếm sống. Ông Quang nhiều lần bị giật vé số thua lỗ vốn nên chuyển sang bán bánh phụ vợ.
Mỗi sáng, bà dậy sớm làm bánh, rồi ông Quang phải đi bộ hàng chục cây số khắp các con hẻm ở Sài Gòn để bán bánh. Bất kể là trời nắng hay mưa, ông chưa một lần than vãn mệt mỏi. Hôm nào cũng thế bán hết bánh ông mới đi bộ về nhà.
Giữa thị thành rộng lớn không người thân thích, bà là ánh sáng của ông, còn ông là niềm hy vọng cho cuộc đời của bà. Họ nương tựa vào nhau, chở che nhau qua những ngày gian khó. “Vợ chồng tôi cố gắng làm ngày làm đêm chỉ mong sao có được một chỗ ở đàng hoàng, con cái có một tương lai tốt hơn” – ông Quang tâm sự.
Và rồi hai vợ chồng cũng có với nhau cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì biến cố lại một lần nữa ghé qua.
Niềm hy vọng cuối đời vụt tắt
Con trai của ông bà qua đời đột ngột ở tuổi 28. “Nó là niềm hy vọng lớn nhất của hai vợ chồng tui. Nhưng….” – ông Quang lặng đi.
“Buổi sáng hôm đó nó ngồi chơi với mấy đứa bạn, rồi tự nhiên thấy khó chịu, rồi gục xuống, đưa vào bệnh viện thì bác sĩ nói bị viêm màng não, không lâu sau thì nó đi” – bà Cưu kể lại. Niềm hy vọng lớn nhất của ông bà vụt tắt, từ ngày đó bà Cưu yếu đi nhiều rồi liên tục bệnh không thể làm bánh như trước đây nữa. Ông Quang dù rất suy sụp nhưng vẫn cố gắng đi bán để chăm lo cho bệnh tình của vợ.
“Người ta nói ở hiền gặp lành, tui tin vậy đó chú. Nhiều lần tui bị lừa, người ta tới mua nhưng không trả tiền, nhưng cũng không ít lần tôi gặp người tốt. Người ta thấy tui ngồi bán ngoài đường nên cho tui chiếc ghế bố, cái dù để che nắng che mưa. Nhiều khách quen hay ghé ủng hộ lắm. Có cháu bé lâu lâu được mẹ chở qua mua bánh, chiều nào đi học về ngang qua chỗ tui nó cũng la lớn: Con chào ông. Vậy đó là tui thấy vui lắm chú!” – ông cười hiền khô, dẫu ở cái tuổi 70 việc ngồi ngoài đường phố bán buôn đâu có sướng vui gì.
Khay bánh là cả nguồn sống của 2 vợ chồng già. Thế nên trừ mấy bữa bệnh nằm liệt giường, chứ hôm nào ông cũng ra góc đường ngồi bán. “Bây giờ tui chỉ mong sao mình có sức khoẻ để có thể buôn bán, kiếm đồng ra đồng vô chăm sóc cho vợ đến ngày cuối cùng” – ông tâm sự.
Tôi cười hỏi: “Mấy năm qua, Tết nhất chú có mua quần áo mới tặng cho cô không?’.
Ông cười: “Tiền mua gạo còn chật vật mỗi ngày thì tiền đâu mà sắm sửa hả chú. Tui tặng bả cả cuộc đời tui luôn rồi nè”.
Để cùng chung tay với H’Hen Niê – Đại sứ Cộng đồng của Grab – mang một mùa xuân ấm áp hơn đến với vợ chồng cụ Quang và những mảnh đời khó khăn, bạn chỉ cần mở ứng dụng Grab, vào mục GrabRewards, sau đó chọn quy đổi điểm sang các giá trị đóng góp mà bạn mong muốn (1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng hoặc 50.000 đồng). Grab sẽ gửi tặng những phần quà Tết đến các hoàn cảnh còn khó khăn vào cuối tháng 1/2019.