Chuyển sang thích ứng với Covid-19

Chủ tịch nước nhắc đến việc không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã hội.

Sáng nay 21/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 – 2024, trong đó có việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp là do ảnh hưởng dịch Covid-19. Với diễn biến dịch bệnh đang được kiểm soát thì từ dần đến cuối năm, phấn đấu sẽ tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết phương thức hiện nay đã  chuyển sang thích ứng với Covid-19 bằng những phương thức đã nói như 5K, vaccine, thuốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chúng ta không thể bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19. Chúng ta đừng chuyển từ thực tả sang thực hữu, vấn đề này dẫn đến hậu quả rất xấu cho đất nước. Nói như vậy để không được chủ quan, không đơn giản hoá, thích ứng nhưng phải có kiểm soát tốt, phải đề cao cảnh giác”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ… để nhấn mạnh việc không chủ quan, đề cao cảnh giác. Chủ tịch nước nhắc đến việc không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã hội. Đây mặc dù là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác.

8

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Về kinh tế xã hội, Chủ tịch nước đề nghị dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương nhưng tổng thu vẫn tốt, nguồn thu ngân sách trung ương vẫn hơn 20.000 tỉ. Nước ta đã xuất một số quỹ ra để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội.

Chủ tịch nước cũng nhắc đến tấm lòng của doanh nghiệp, công trạng của nhân dân là vô cùng lớn. Do đó chúng ta phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hoá để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh.

Trong đó riêng TP HCM đã có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể (vaccine +5K). Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với một động lực có cơ sở.

Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu đến con số 6,5% GDP.

9

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống dịch Covid-19 được nhân dân rất quan tâm. Hiện nay, Covid-19 xuất hiện biến chủng Delta khiến không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng bất ngờ trong ứng phó.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua chúng ta đã thực hiện chống dịch bằng ba trụ cột, giãn cách – cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hiện nay chúng ta đã chuyển hướng, không chỉ là 5K trong phòng chống dịch mà phải có vaccine để phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó là kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật, các ứng dụng truy vết, khai báo y tế.

3

Đại biểu Trịnh Xuân An. (Báo Giao thông)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua chúng ta đã có nhiều thành quả tích cực. Nhìn chung là có sự thông suốt trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa nắm chắc được tình hình dịch bệnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, hiện nay trong điều hành chống dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có tình trạng lo lắng quá nên không dám đưa ra quyết sách phù hợp.

“Tôi nghĩ rằng cần phải linh hoạt, chuyển từ quá lo sợ thất bại sang tự tin chiến thắng. Không chỉ vì quá lo sợ mà làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế. Tâm lý quá lo sợ dẫn đến “cát cứ” cần phải có chấn chỉnh nghiêm khắc. Nhất là những địa phương không hết trách nhiệm”, Đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.

Tại phiên thảo luận đại biểu cho rằng: “Vẫn còn hiện tượng loạn giá xét nghiệm Covid-19, ở địa phương này thì giá này, địa phương khác giá khác. Điều này khiến người dân bức xúc”.

Theo đó, về vấn đề y tế trong phòng chống dịch, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, thời gian qua chúng ta chưa phát huy nguồn lực y tế tư nhân trong phòng chống dịch Covid-19 và cần phải tránh tình trạng để loạn giá xét nghiệm.

Đại biểu Trịnh Xuân An thẳng thắn cho rằng, vẫn còn hiện tượng các bệnh viện lớn sợ trách nhiệm không dám trong việc đấu thầu trong trang thiết bị y tế.

Ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 78.600 tỷ đồng trong tháng 8. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt hơn 1,004 triệu tỷ đồng – tương đương bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Đáng chú ý tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch (17.200 tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1.600 tỷ đồng).

 

 

Theo Hải Đăng – Tường Vân (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-sang-thich-ung-voi-covid-19-d169102.html