Có những sự che chở mãi không ngừng, kể cả khi con đã đủ cứng cáp để tự lăn lộn trên đường đời. Đấy là yêu thương chưa đúng cách.
Có cái câu mọi người hay hãnh tiến mà nói: “Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhiều cha mẹ luôn miệng rằng “cả đời cha mẹ cày cuốc, làm lụng cũng chỉ để dồn hết lo cho con, mong con nên người”. Và nó là sự thật. Hầu hết các cha mẹ đều nghĩ vậy và làm vậy. Việc cha mẹ hy sinh mọi thứ để con trở nên tốt đẹp hơn nghĩ qua thì thấy đúng nhưng nhìn sâu vào và trong một số tình huống chi tiết thì nó lại là sai. Rất sai. Khi mà thứ mà cha mẹ nghĩ tốt cho con hoá ra lại thành tệ đi con. Đúng kiểu: Hy sinh đời bố (nhưng mà lại) cầm cố đời con.
Như câu chuyện gian lận thi cử của 222 trường hợp bị phát hiện tại Sơn La, Hoà Bình và Hà Giang. Tôi cũng như phần đông dư luận đều bất bình và phẫn nộ với những cha mẹ đã tác động nhằm nâng điểm cho con cái họ. Bất bình vì đó là việc làm sai trái dẫn đến sự bất công cho những đứa trẻ khác. Phẫn nộ là bởi nhiều người trong số những cha mẹ ấy đều là những cán bộ công quyền, có chức vị mà biết pháp vẫn phạm pháp.
Tuy nhiên, phần lớn trong số những hành động đó (tôi không dám chắc 100%) xuất phát từ gốc rễ là lòng yêu thương con. Họ muốn trải cho con mình con đường bớt gian truân nhất, mà đơn giản nhất là bằng cách “mua” lấy sự thuận lợi. Tôi không bênh những vị phụ huynh này, nhưng tôi thấy họ yêu con, yêu con một cách mù quáng.
Vì con, nhiều cha mẹ sẵn sàng làm tất cả.
Từ việc bố thì bế con nhong nhong trên đường, mẹ chạy theo mướt mải đút ăn vì đứa trẻ lười ăn nên phải thế. Từ vuốt mặt không kịp nghe cô giáo mắng mỏ tội không biết dạy con, để con ham chơi, không tập trung học khiến thành tích lớp đi xuống. Vẫn phải nhẫn nhịn, vâng dạ lom dom: Dạ, để chúng tôi về dạy dỗ cháu. Trăm sự nhờ cô, mong cô tha thứ để cháu đi học tiếp. Vì nếu con bị đuổi khỏi trường này liệu có thể tìm trường khác với mức học phí thấp thế này mà tốt hơn được không? Tới nhiều bậc cha mẹ “con dại cái mang” cứ dăm bữa nửa tháng lại phải đi bán cái này cầm cố cái kia để lấy tiền trả nợ cờ bạc, lô đề, bóng bánh cho con. Con sai thì cha mẹ gánh.
Hơn thế thì là “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, chấp nhận làm sai cốt để con được hưởng cái sự tốt hơn chúng bạn như đút lót thầy cô, bỏ tiền mua điểm, lễ tết quà cáp chỉ để “thầy cô để mắt đến con tôi”. Người ngoài, bằng con mắt khách quan có thể thấy cái sự yêu thương ấy giống như gà mẹ che chở cho gà con. Chỉ có điều, đám gà mẹ này dù gà con đã dần thành chú gà trống choai, cô gà mái mơ rồi vẫn nhất quyết khư khư dưới đôi cánh của mình.
Vậy nên, hãy đối diện sự thật này.
Những hy sinh đó, những lót ổ dọn đường đó liệu có khiến con bạn trở thành và trưởng thành tốt hơn không?
Những đứa trẻ lười ăn vẫn không chịu ăn dù cha mẹ người diễn tuồng kẻ đút mớm. Thậm chí, nó nghĩ rằng nó là một vị vua tha hồ cướp đồ chơi của bạn, bố mẹ mắng có thể nằm lăn ra đất ăn vạ vì nó biết cha mẹ rồi cũng phải chiều theo ý nó. Những đứa con lô đề bài bạc cá độ bóng đá bán đến mảnh sổ đỏ cuối cùng của cha mẹ rồi thì cũng trốn nợ bay đi chỗ khác để lại cha mẹ với khối nợ lớn và không còn nhà để ở. Những đứa con chẳng cần phải nỗ lực học tập vì điểm số đã có bố mẹ lo. Những đứa con ra đời chẳng cần biết gì vẫn có thể vào cơ quan nhà nước ngồi trên đầu kẻ khác.
Nhìn lại những người bạn của mình trong suốt 12 năm học phổ thông và 4 năm Đại Học, tôi thấy nhiều người bạn của mình ra đời làm kẻ thất bại như thế. Có cô bạn làm báo nhưng cả đời chẳng viết nổi một cái tin, chọn một cơ quan báo chí chỉ để oai oách có thẻ nhà báo chứ mấy đồng nhuận bút chẳng mua nổi thỏi son, cái túi của cô ấy.
Lại có những người bạn bố mẹ bán cả nhà cho đi du học nhưng sau nhiều năm học nước ngoài về Việt Nam vẫn lêu bêu vì những năm tháng du học thứ cậu ta có chỉ là cái mác du học chứ kiến thức chẳng có gì. Thậm chí có lần gặp người nước ngoài, thứ tiếng Anh cậu nói bập bẹ lõm bõm như thể cậu chưa từng sống ngày nào ở nước ngoài. Là bởi 5 năm xứ người cậu chỉ toàn chơi với người Việt. Hay như có kẻ con một bố mẹ dồn tất thảy cho con nhưng rồi ra đời đi làm chỗ nào cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là lại bỏ vì bị đuổi. Năng lực yếu kém mà chăm chỉ học hỏi thì đã đành nhưng lười biếng chỉ thích làm nhẹ lương cao, sếp mắng một câu là đốp chát lại sếp mười câu thì đuổi việc là điều không tránh khỏi.
Chúng ta, giờ cũng đã trở thành những người cha, người mẹ rồi. Liệu chúng ta có học được gì từ những người bạn cùng thời của chúng ta qua chính cách mà bố mẹ họ đã hy sinh cho họ? Liệu chúng ta có thấy rằng mình cần phải thay đổi tư duy về việc hy sinh cho con? Là còn chưa kể đến những gánh nặng mà con cái phải mang vác từ chính sự hy sinh của cha mẹ.
Như ở Singapore, nhiều cha mẹ khánh kiệt tài sản vì dồn hết tiền bạc lo cho con ăn học để rồi những đứa con ấy ra trường đi kiếm việc làm vừa phải tự lo chi phí sinh hoạt của mình vừa phải nuôi lại chính cha mẹ mình khiến họ cũng bạc mặt ra. Như ở Trung Quốc, Hàn Quốc trong nhiều lý do khiến giới trẻ không muốn kết hôn là vì họ còn phải nuôi cha mẹ mất sức lao động và không đủ tiền để mua được một căn nhà trên thành phố.
Hy sinh cho con, đó là điều tốt đẹp nhất mà nhiều cha mẹ tâm niệm trong lòng. Nhưng hy sinh kiểu nào và đánh đổi ra sao thì nhiều cha mẹ lại không nghĩ tới. Cứ nghĩ mình mua thật nhiều cá cho con mà quên rằng cần câu và kỹ năng câu cá mới giúp con họ có cá mà ăn. Cứ vắt kiệt cùng đời mình ra để lót ổ dọn đường cho con để rồi nhiều đứa trẻ 40 tuổi vẫn nuôi con mình bằng tiền chu cấp từ ông bà nội ngoại. Nghĩ mà thấy thương ít giận nhiều…