Son Heung-min đang trên đường trở thành siêu sao tầm cỡ thế giới. Chứng kiến anh ta tỏa sáng, nhiều người hẳn tự hỏi, làm thế nào mà một cầu thủ châu Á có thể phi thường đến vậy? Và đây là câu trả lời…
Trở lại Etihad vào đêm thứ Tư tuần trước, phút thứ 10, Son Heung-Min có bóng ngay rìa vòng cấm. Sau một nhịp khống chế, anh thậm chí không cần nhìn khung thành mà chỉ cúi xuống, nhằm đảm bảo chắc chắn trái bóng ở vị trí phù hợp, rồi quét chân phải, uốn quả bóng lượn vòng cung qua tầm với của thủ môn Ederson và nằm gọn trong lưới.
Đây là lần thứ 3 Son sút tung lưới Ederson, góp công lớn đưa Tottenham vào bán kết Champions League 2018/19. Có cảm giác ngôi sao người Hàn Quốc làm điều đó thật dễ dàng.
Nhiều người gọi đó là bản năng. Nhưng điều này có thể gây hiểu nhầm, rằng Son sinh ra đã được Chúa ban tặng món quà là đôi chân có mắt, chỉ cần vung lên, và bùm, một bàn thắng được ghi.
Thực ra, để trở thành một tiền đạo đã ghi 20 bàn và kiến tạo 9 mùa này, với tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn cực cao (20,4% ở Champions League và Premier League), Son đã trải qua một hành trình dài không tuổi thơ, chỉ có bóng đá và bóng đá với một người được mệnh danh là “ông bố bóng đá”.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1990, 2 năm trước khi Son được sinh ra. Đó là thời điểm bố của anh, cựu tiền đạo Son Woong-Jung quyết định giải nghệ ở tuổi 28 vì chấn thương gân Achilles. Vốn tham vọng trở thành cầu thủ nổi tiếng ở xứ Kim chi, ông đã rất tức giận với bản thân mình, đồng thời đổ lỗi cho hệ thống đào tạo bóng đá Hàn Quốc không đủ tốt khiến ông bỏ dở giấc mơ.
“Khi còn là cầu thủ, tôi luôn bất mãn với bản thân vì không được trang bị đủ nhiều các kỹ năng để xử lý quả bóng đúng cách”, bố của Son nói, “Tôi ghét các nội dung tập luyện mà tôi phải thực hiện mỗi ngày. Thành thực mà nói, hệ thống bóng đá Hàn Quốc bị ám ảnh bởi chiến thắng khiến các cầu thủ trẻ bị vắt kiệt sức từ khi còn nhỏ”.
Vì vậy, Woong-Jung quyết định dồn tất cả cho cậu con trai, tức Son Heung-Min, khi anh ra đời vào năm 1992. Ông cũng phải đợi thêm vài năm nữa, khi Son có thể chạy và đá quả bóng, để bắt đầu triển khai kế hoạch của cuộc đời.
Thay vì dạy con theo những gì từng được học, Woong-Jung quyết định làm ngược lại. “Là một cầu thủ, điều cần thiết là nắm vững kỹ thuật cá nhân, tập trung vào khả năng kiểm soát, rê dắt, chuyền và dứt điểm”, ông cho biết, “Còn những thứ khác có thể học sau”.
Son đã không chơi một trận đấu đúng nghĩa, để tránh các chấn thương không mong muốn, cho đến khi gia nhập lò đào tạo của FC Seoul năm 16 tuổi. Thời gian dài trước đó, 6 tiếng liên tục mỗi ngày, Son tập đi tập lại sao cho có thể làm chủ trái bóng một cách nhuần nhuyễn. Anh cũng không sút quá sớm, bởi theo Woong-Jung, điều đó khiến đầu gối bị căng quá nhiều.
Lớn thêm một chút, Son sẽ theo cha tới sân với cái thùng lớn chứa 80 quả bóng vào lúc bình minh và sút khoảng 1000 lần. Son dứt điểm rất ổn với chân phải, nhưng thay vì hài lòng với tài sản đó, Woong-Jung yêu cầu con tập sút bằng chân trái, và đầu, sao cho giống… chân phải.
Trong khi Son cố gắng dứt điểm, Woong-Jung sẽ đóng vai đối thủ và bất ngờ ập đến từ đằng sau, hay bên trái hoặc phải. Có nghĩa là đồng thời với rèn luyện kỹ năng sút, Son buộc phải hình thành thói quen quan sát và phán đoán. Nó dĩ nhiên rất có ích vào bây giờ, khi anh phải đối mặt với những hậu vệ hàng đầu ở châu Âu. Anh rất giỏi để thoát khỏi sự kiểm soát của đối thủ và sút bóng chính xác đến mức không cần nhìn cầu môn.
Vì không có chiều cao lý tưởng, Woong-Jung cũng làm mọi cách để con trai có một thể hình cao lớn. Ông không cho con tập tạ trước năm 18 tuổi. Thay vào đó, chỉ chạy, chống đẩy và gập bụng. Khẩu phần ăn mỗi ngày của Son cũng rất khác so với bạn bè cùng trang lứa. Woong-Jung hướng con tới những món như bánh mỳ, rau củ, trái cây của phương Tây, vừa để phát triển như họ vừa có thể thích nghi ngay nếu chuyển đến châu Âu trong tương lai. Bố của Son còn cực đoan đến mức, nếu con trai muốn ăn cơm, ông trộn cơm với… sữa. Lẽ dĩ nhiên, ông cấm tiệt đồ ăn giàu chất béo hay đồ uống có gas hoặc cồn.
Mỗi khi Son nhìn bạn bè nhấm nháp khoai tây chiên cùng lon Coke, Woong-Jung lập tức đưa con trai trở lại thực tế bằng cách ném cho quả bóng, bên cạnh lời nhắc nhở về giấc mơ vươn tới một ngôi sao. Và Son lại lao vào tập luyện, từ lúc bình minh đến khi tối mịt, dưới các tán cây trong công viên, trước cửa nhà hay tại sân trường, mùa đông cũng như mùa hè.
Nếu muốn giải trí một chút, khoan nghĩ đến trò chơi điện tử hay dán mắt vào TV, bố của Son sẽ ném cho anh một vài cuốn sách mà ông chọn sẵn. Nó có thể viết về hành trình của một cầu thủ nổi tiếng, tấm gương vượt khó, hay phương pháp tập luyện và dinh dưỡng thể thao, cũng có thể về một câu chuyện truyền cảm hứng hoặc chỉ đơn giản là những bài học làm người, sự trung thực và khiêm tốn. Woong-Jung đọc cả trăm cuốn mỗi năm, và lựa ra khoảng 30, với những nội dung đáng chú ý được đánh dấu, để dành cho Son. Nó rất có ích trong việc hình thành tính cách của Son sau này, luôn chăm chỉ, cầu thị và khiêm tốn.
Lúc này, khi đã 26 tuổi và trở thành cầu thủ nổi tiếng, được Trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES định giá 93,9 triệu euro, cao thứ 33 thế giới, Son vẫn giữ thói quen tập luyện theo những nội dung được học từ ông bố, bên cạnh giáo án của HLV. Thành công của Son là sự xác tín cho phương pháp độc đáo của Woong-Jung, đến mức Chủ tịch Tottenham, Daniel Levy cũng phải nói rằng, bố của Son có thể trở thành HLV trong Học viện của Spurs.
Woong-Jung không nghĩ đến đề nghị đó. Như ông nói, “tôi không có ý định kiếm tiền thông qua con trai”. Bây giờ ông đã đủ hạnh phúc rồi, khi được ngắm nhìn Son chạy trên sân, ghi bàn và trượt trên cỏ để ăn mừng với nụ cười rạng rỡ. Sau đó chờ cậu con trai trở về quê nhà Chuncheon để cả hai lại cùng tập luyện, như những ngày xưa khi Son là một cậu bé…