Chỉ cần xách giỏ đến chợ, những người phụ nữ ở phường Đông Lương, Đông Hà, Quảng Trị sẽ được ban quản lý chợ tặng tiền. Tuy có vẻ lạ lùng nhưng phong trào đang được mọi người ủng hộ hết sức nhiệt tình.
Phong trào cầm giỏ, làn đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông từ lâu đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhưng cầm giỏ đi chợ mà được phát thêm tiền như một địa phương ở Quảng Trị thì lần đầu tiên mới xuất hiện.
Theo thông tin từ Thanh Niên, tại chợ Trung Chỉ (P.Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị), người dân nào cầm giỏ đi mua đồ sẽ được nhận ngay 10.000 đồng. Hoạt động này đã triển khai được gần một thàng nay và người đứng ra tặng tiền là ông Lê Văn Triêm (65 tuổi, trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ).
“Cũng không nhiều nhặn gì. Với lại chúng tôi cũng chỉ tặng cho người đi chợ chứ không tặng tiểu thương. Tặng tiền cũng là để động viên người dân nói không với túi nilong, gây ô nhiễm môi trường về sau. Làm việc này, chúng tôi vui mà chắc người được nhận tiền cũng sẽ vui. Từ đó cùng nhau gìn giữ môi trường”, ông Triêm chia sẻ với Thanh Niên.
Được biệt kinh phí để tặng tiền cho người đi chợ mang theo giỏ được trích từ một phần tiền của ban quản lý có được nhờ trông giữ xe và cả phần tiền túi của ông Triêm.
Cũng theo ông, với các phụ nữ đi chợ, phần tiền được tặng không giới hạn một lần hay nhiều lần, mà thấy ai xách giỏ đi chợ là ông sẽ tặng.
Bà Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Hội phụ nữ TP.Đông Hà cho biết phong trào chống rác thải nhựa đã được Ban thường vụ Thành ủy Đông Hà chỉ đạo và trở thành hoạt động sâu rộng trên địa bàn thành phố. Bà đánh giá việc ban quản lý chợ Trung Chỉ hưởng ứng phong trào với hành động “rất là dễ thương và rất đáng ngợi khen”.
Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Theo cấp số gia tăng qua từng năm, đây sẽ là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”.