Giữa lúc cuộc sống bị đảo lộn trăm đường vì dịch bệnh, vẫn có những câu chuyện tử tế, giản dị và vẫn có những người đặt người khác lên trước bản thân mình.
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi tin tức đầu tiên về dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) được loan đi từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Cho tới lúc này, cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng với những diễn biến phức tạp và khó đoán của nó. Dịch bệnh cứ thế ập đến theo cái cách rất mơ hồ. Không ngờ trước, không kịp trở tay và hơn hết là không biết nó đến từ đâu. Tất cả chỉ dừng lại ở những đồn đoán.
Nhanh như chớp mắt, dịch bệnh giờ đây đã lây lan ra 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 69 nghìn ca nhiễm, hơn 1600 người thiệt mạng. Tổ chức Y tế Thế giới đã thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu, virus Corona không còn là chuyện của riêng người dân Vũ Hán nữa.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 16/02 ghi nhận 16 trường hợp dương tính vớiCovid-19. Những ca lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, nỗi lo về sự bùng phát của bệnh dịch đã hiện hữu khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Trước đó, cảnh tượng hàng trăm người chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau từng chiếc khẩu trang y tế giá “cắt cổ” ở các hiệu thuốc, những gian hàng trống trơn trong siêu thị… là minh chứng rõ ràng cho sự đảo lộn đó.
Người dân chen lấn, xô đẩy để mua khẩu trang y tế.
Suy cho cùng, những hành động đó cũng xuất phát từ mong muốn bảo vệ bản thân và gia đình của mỗi người. Tuy vậy, những sự đảo lộn kể trên chỉ phản ánh một phần nào đó về tình hình ứng phó với dịch bệnh tại Việt Nam.
Trong nguy khó, vẫn luôn có những con người không chỉ nghĩ cho bản thân mình.
Chuyện về những người chỉ biết nghĩ cho người khác
“Sáng nay công ty tôi có cuộc họp sớm. Dù việc đấu tranh với cái lạnh 13-14 độ của buổi sáng Hà Nội chẳng dễ dàng gì nhưng tôi vẫn đến kịp giờ. Điều lạ lùng là cô bạn cùng team, người luôn gọi hàng chục cuộc mỗi lúc tôi ngủ quên lại không thấy đâu dù mọi người đã ngồi chật ních phòng họp. Đứng dậy ngoái nhìn, tôi phát hiện cô bạn đang ngồi gọn lỏn trong góc tường, đeo khẩu trang kín mít.
Kết thúc cuộc họp, trở về bàn làm việc tôi lập tức hỏi tại sao. ‘Tao đang sốt sốt, lỡ đâu corona mất rồi. Không ngồi một góc để nó lây sang mọi người à?’, cô bạn trả lời bằng một câu hỏi. Rồi cứ thế, nó chẳng buông tha chiếc khẩu trang 1 giây nào, kể cả khi báo cáo công việc với sếp.
Tới chiều, sau khi đã ‘làm’ 1 viên cảm sủi, cô bạn hết sốt, lại tươi vui khẽ hé chiếc khẩu trang nhoẻn miệng cười. Tôi thở phào”.
Đó là chia sẻ của Dũng (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) về người đồng nghiệp của mình. Cho tới hiện tại, sức khỏe của cô bạn này hoàn toàn bình thường, triệu chứng nóng sốt chỉ là do cảm mạo thông thường mà thôi. Tuy nhiên kể từ đó, cả công ty đều học theo tinh thần này và việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc được thực hiện vô cùng nghiêm túc.
Dân văn phòng đeo khẩu trang đến nơi làm việc để phòng dịch.
Một câu chuyện khác được Kim Anh (25 tuổi, nhân viên kế toán) chia sẻ về anh chàng shipper mà theo cô, là đáng yêu nhất mà mình từng gặp.
“Do bận quá nên tối qua mình không nấu cơm mà gọi đồ ăn ship về nhà. Tuy nhiên khi shipper đến nơi, thay vì gọi mình ra lấy đồ thì thì anh ấy nói: ‘Em đang ho nên muốn tránh tiếp xúc với khác, đồ ăn em treo ngoài cửa, chị ra lấy giúp em với’.
Mình thực sự bất ngờ vì tới khi chạy ra cửa lấy đồ, mình cũng không hề đeo khẩu trang. Chỉ biết nói cảm ơn anh shipper và cảm thấy vui vui khi thấy một người lạ lại lo lắng cho sức khỏe của mình”, Kim Anh nói.
Hay như mới đây, trong lúc cả nước đang phải căng mình ứng phó với dịch bệnh khiến nhu cầu nước rửa tay, sát khuẩn của người dân tăng đột biến, vượt qua khả năng cung ứng tạo tình trạng khan hiếm và đội giá. Thầy trò Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã cùng nhau điều chế nước rửa tay khô để phát miễn phí cho người dân khiến dư luận đặc biệt hoan nghênh.
Nước rửa tay được thầy trò nhà trường tự điều chế để phát miễn phí cho người dân.
Dựa theo công thức được WHO công bố, nước rửa tay tại đây được thầy trò nhà trường cho thêm thành phần nano bạc, giúp kéo dài thời gian kháng khuẩn khi sử dụng. Thành phẩm được chiết ra các chai có dung tích 500ml để phát cho người dân, với những ai không mang theo chai đến đựng, họ sẽ được phát 1 chai có dung tích 100ml.
Thầy Đào Anh Quang (tiến sĩ hóa học vật liệu và hóa lý, khoa công nghệ hóa môi trường) – người trực tiếp thực hiện công đoạn pha chế, kiểm tra chất lượng cuối cùng – cho biết tuy chương trình mới diễn ra hôm qua nhưng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bà con.
Hiện nhóm thực hiện chỉ có 20 người, máy móc vật tư vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng hoạt động này vẫn sẽ tiếp tục đến khi không còn khả năng làm nữa.
“Hơn hết, đây là thời điểm mọi người cần chung tay bảo vệ nhau trước dịch bệnh diễn biến phức tạp”, thầy chia sẻ.
Cũng với tinh thần ấy cùng mong muốn được chia sẻ với cộng đồng, mới đây, đội ngũ giảng viên và sinh viên thực tập Viện Kỹ thuật Hóa học và Viện Công nghệ Snh học – Thực Phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã phối hợp tự sản xuất 500 lít dung dịch sát khuẩn để chuẩn bị chuyển xuống xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) – nơi hàng nghìn người dân đang phải cách ly đặc biệt.
GS.TS Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: “Trong bối cảnh cả nước đang cùng nhau đẩy lùi và phòng tránh dịch virus corona, chúng tôi mong muốn dung dịch sát khuẩn này sẽ giúp một phần cho người dân xã Sơn Lôi có thể đẩy lùi được dịch bệnh. Nhiều sinh viên đang học tại trường cũng đến từ Sơn Lôi, và hiện tại đã bị cách ly. Đây là một sự chia sẻ nhỏ đối với các em”.
Một câu chuyện khác, truyền cảm hứng nhiều nhất trong những ngày qua, vào một chiều mưa Hà Nội trước “tâm bão” dịch bệnh do virus corona, em Nguyễn Ngọc Trinh (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) đến trụ sở Thành đoàn Hà Nội với toàn bộ số tiền lì xì 3 triệu đồng em nhận được trong dịp Tết vừa rồi, với mong muốn cùng các anh chị đoàn viên, thanh niên Thủ đô mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho mọi người.
Cùng với đó là bức thư viết tay gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thư có đoạn:
“Cháu luôn suy nghĩ và nhớ đến lời ông dặn mọi người hãy “Chống dịch như chống giặc”. Vì vậy, cháu đem toàn bộ số tiền được lì xì ngày tết vừa rồi là 3.180.000 đồng góp với Thành đoàn Hà Nội để mua khẩu trang và nước rửa tay phục vụ mọi người phòng chống dịch bệnh như lời ông dặn.
Cháu cũng sẽ xin tham gia cùng các anh chị Thành đoàn Hà Nội đi phát khẩu trang và nước rửa tay cho nhân dân trong những ngày sắp tới”.
Bức thư gửi Thủ tướng chính phủ của cô bé lớp 4.
Nhận số tiền lì xì từ em học sinh nhỏ tuổi, chị Bùi Lan Phương – trưởng ban công tác thiếu nhi Thành đoàn, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội thành phố Hà Nội – cho biết số tiền em gửi tặng sẽ được dùng để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn.
Thành đoàn Hà Nội sẽ tổ chức phát miễn phí vào ngày 08/02 tới đây đồng loạt tại 6 địa điểm di tích, thắng cảnh trên địa bàn thành phố và tại nhiều tuyến phố khác.
“Em viết bức thư này mong muốn các bạn, các anh chị và mọi người sẽ cùng chung tay góp sức phòng, chống dịch tốt nhất có thể” – Ngọc Trinh chia sẻ.
Bé Ngọc Trinh.
5 giờ 4 phút ngày 10/02, chuyến bay mang số hiệu HVN68 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), đưa 30 công dân Việt Nam, trong đó có cả thai phụ 8 tháng và trẻ em từ tâm dịch Vũ Hán trở về trong tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt.
Trước đó là 9 giờ liên tục không ăn, không ngủ của phi hành đoàn được giao phó nhiệm vụ “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”.
Phi hành đoàn chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 30 công dân về nước từ Vũ Hán.
Chuyến bay này được hãng thiết lập theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm cùng đội ngũ kỹ sư, nhân viên có chuyên môn cao. Hành trang họ mang theo ngoài những vật dụng thông thường như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay… còn có một thứ rất đặc biệt, đó là… bỉm! Mọi thứ được sắp xếp để đảm bảo cho một hành trình đặc biệt, họ “không được phép” đi vệ sinh để hạn chế tối đa sự lây nhiễm.
“Chuyến bay được lên kế hoạch và triển khai chỉ trong vòng 4 ngày với những yêu cầu hết sức khó khăn, ngặt nghèo. Tuy nhiên với tinh thần “không để đồng bào mình bị bỏ lại phía sau”, tất cả chúng tôi đều nỗ lực, chung tay cho hành trình đưa công dân Việt Nam về nước an toàn”, cơ phó Trung Dũng chia sẻ.
Khó khăn, vất vả và cả những rủi ro đi kèm, nhưng những thứ đọng lại trong đôi mắt các thành viên phi hành đoàn khi về tới sân bay Vân Đồn chỉ là sự rưng rưng vì xúc động, hạnh phúc và phần nào đó mãn nguyện vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó. Giây phút đó, họ thực sự là những người hùng theo cách của riêng mình.
“Đây có lẽ sẽ là một kỷ niệm mà tôi sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời cầm lái của mình”, Trung Dũng nói.
Các thành viên phi hành đoàn chuyến bay HVN68, bé Ngọc Trinh, thầy Anh Quang, anh shipper hay cô bạn đồng nghiệp của bạn…, họ sống và nghĩ về người khác thậm chí trước cả bản thân mình. Bằng những hành động thiết thực, họ đang từng ngày góp một phần sức nhỏ bé để bảo vệ cả cộng đồng, làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.
Bài học từ tinh thần Omoiyari giúp Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ sau thảm họa
Đất nước mặt trời mọc từng chứng kiến rất nhiều thảm họa. Giữa những mất mát, đau thương, người Nhật vẫn luôn kiên cường, đoàn kết cùng nhau vượt lên trên gian khó. Đó là nhờ có tinh thần Omoiyari – tinh thần biết nghĩ cho người khác.
Thảm họa sóng thần, động đất tại Nhật Bản năm 2011 có sức tàn phá kinh hoàng, khiến hơn 15 nghìn người thiệt mạng, hơn 120 nghìn công trình nhà ở bị phá hư hoại hoặc phá hủy hoàn toàn, hơn 4 triệu gia đình mất điện… Nhưng khi nó qua đi, điều để lại trong tâm trí cộng đồng thế giới là gì?
Có người thấy sợ hãi, có người thấy xót thương cho đất nước vốn thường xuyên phải đương đầu với thiên tai. Nhưng trên tất cả, thứ người ta nhớ nhất cho tới tận bây giờ lại là hình ảnh những người dân Nhật Bản kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đồ tiếp tế, tuyệt nhiên không có chen lấn, xô đẩy. Họ chủ động nhường nơi ở tốt và giúp người già và trẻ nhỏ sơ tán, dù có thể họ cũng là người đã mất đi tất cả.
Người Nhật luôn biết cách khiến cả thế giới ngạc nhiên và ngưỡng mộ với cách sống của mình, đặc biệt là suy nghĩ luôn hướng về người khác, hướng về cộng đồng. Nước Nhật hiện tại dù có nhiều đổi thay, nhưng những giá trị tinh thần như Omoiyari sẽ không bao giờ mai một.
Người dân HH Linh Đàm đội mưa kiên nhẫn xếp hàng chờ mua khâu trang đúng giá.
Giống như những câu chuyện vừa chia sẻ ở trên, người Việt ta cũng vốn nổi tiếng bởi tinh thần đoàn kết, thứ sức mạnh giúp dân tộc ta vươn lên mạnh mẽ dù trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc. “Omoyari” của người Việt cũng mộc mạc, chất phác như chính con người của chúng ta. Nó có thể không đến từ những thứ to lớn, vĩ mô mà xuất phát từ những điều nhỏ bé, bình dị.
Đó có thể là lời nhắc nhở dễ thương như “anh ơi quên gạt chân chống” văng vẳng trên đường mà chẳng biết xuất phát từ ai; hay “bạn ơi quên đeo khẩu trang” trên chuyến xe buýt giờ tan tầm những ngày có dịch chẳng hạn…
Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đang hoành hành tại nước ta, tinh thần nghĩ cho người khác lại càng cần phải được phát huy hơn bao giờ hết. Tự bảo vệ mình giống như việc tạo ra chiếc lá chắn, suy nghĩ và hành động vì những người xung quanh thì tạo nên “tường thành” giúp cả cộng đồng chặn đứng dịch bệnh.
Cuns, theo Trí Thức Trẻ