“Lượng khí xả của xe máy cũng chỉ bằng 1/10 ô tô vì vậy, nếu nói về vấn đề ùn tắc, ô nhiễm thì ô tô mới là nguyên nhân chính chứ không phải xe máy”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có 30 năm nghiên cứu giao thông Hà Nội cho biết.
Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi
Chiều 11/3, trả lời báo chí, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng.
Theo đó, thành phố lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh – Hà Đông) đi vào hoạt động. Trước khi triển khai, đề án sẽ phân vùng hạn chế từng khu vực, từng tuyến phố. Tùy vào mật độ phương tiện và sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải công cộng, đề án sẽ đưa ra từng khu vực hạn chế cụ thể.
“Với mạng lưới xe buýt dày đặc, lại có buýt nhanh BRT, đặc biệt từ quý II năm nay 2 trục đường này còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện đại chạy qua nên đây sẽ là trục đường phù hợp nhất cho việc thí điểm hạn chế hoạt động xe máy”, ông Viện thông tin.
Tuyến đường Lê Văn Lương tập trung khá nhiều khu dân cư và văn phòng làm việc.
Nguyễn Trãi – con đường huyết mạch, lưu lượng phương tiện đông đúc mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Thắng.
Về thời gian thực hiện việc cấm xe máy trên một trong 2 tuyến đường này, ông Viện cho biết, lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.
Đề cập đến việc cấm xe máy hoạt động tại tất các quận vào năm 2030, ông Viện cho biết, với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm trên hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Trong Đề án Ban soạn thảo cũng nêu rõ, với khu vực trung tâm thành phố phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ.
“Với anh em tài xế chúng tôi, xe máy là cần câu cơm”
Trên thực tế tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, xe máy quá tiện lợi và thân thiện. Hầu như các hộ gia đình, người dân đều sở hữu ít nhất một chiếc để phục vụ nhu cầu cá nhân. Trước đề án cấm xe máy ở Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi – 2 tuyến đường được xem là huyết mạch của thủ đô, lưu lượng phương tiện dày đặc mỗi ngày, đã gây ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận.
Anh Hùng (50 tuổi), làm nghề xe ôm trên đường Lê Văn Lương than thở, nếu cấm xe máy, anh buộc phải di chuyển sang địa điểm khác để kiếm ăn.
“Như mọi người đã biết, với anh em xe ôm chúng tôi, xe máy là cần câu cơm. Nếu như đề án đi vào thực tế, nhiều người trong số chúng tôi sẽ mất đi lượng khách thân thuộc. Và đương nhiên ở những tuyến đường khác cũng đã có một số lượng xe ôm “dành địa phận” trước, chúng tôi cảm thấy khó khăn” – anh Hùng nói.
Theo người lái xe ôm này, đường Lê Văn Lương tập hợp nhiều khu cao ốc, building làm việc. Khoảng 9h sáng hoặc 17h chiều, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, ô tô và xe máy xếp hàng dài, lực lượng chức năng cũng được huy động phân làn.
Trước đề án thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, người lái xe ôm khá lo lắng.
Bác Đạt (70 tuổi), sinh sống trên tuyến đường Lê Văn Lương nêu quan điểm, thành phố đưa ra đề án chống ùn tắc rất tốt, nhưng chưa phải lúc để triển khai. Theo bác, trước khi cấm xe máy, thành phố phải làm đường mới, đường trên cao, đường tàu ngầm thì mới có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Nếu cấm đường này, người dân lại đi đường khác, thì cũng vậy thôi. Hãy cấm xe máy chừng nào phương tiện công cộng đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Hiện nay xe buýt thường hay buýt nhanh (BRT) còn nhiều bất cập, trong khi đó tuyến buýt trên cao còn chưa đi vào hoạt động chính thức” – bác Đạt chia sẻ.
Xe máy là phương tiện chủ yếu của người dân Thủ đô.
Bác Đạt cho rằng nên cải thiện hoàn chỉnh hệ thống phương tiện công cộng trước khi triển khai đề án.
Nguyễn Thảo Diệp (Sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết, bình thường con đường Nguyễn Trãi luôn đông đúc, tấp nập bất kể thời điểm. Đề án của thành phố sẽ hiệu quả hơn nếu tuyên truyền, khuyến khích rõ ràng đến người dân.
“Nếu thực sự cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, mình nghĩ thành phố cần tăng cường lượng phương tiện công cộng. Chúng ta cần một thời gian dài để đề án đi vào thực tế, ngay năm 2030 mình nghĩ là quá nhanh, chưa thể thực hiện được. “ – Diệp nói.
“Tôi là một phụ huynh đưa đón con thường xuyên trên hai tuyến đường này”, chị Linh (30 tuổi) tâm sự, “Tôi kịch liệt phản đối giải pháp này. Khi cấm xe máy một trong hai đường thì đường còn lại sẽ tắc gấp nhiều lần do dồn xe cùng một thời điểm. Tắc đường càng nghiêm trọng”.
Nữ sinh Thảo Diệp chia sẻ quan điểm của mình.
“Cấm xe máy càng sớm càng tốt với điều kiện phương tiện công cộng phải nhiều và đúng giờ hơn”
Nguyễn Quốc Việt (Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương đều là hai trong số những tuyến đường huyết mạch, việc cấm xe máy có lẽ là bất khả thi.
“Theo mình, có lẽ vì xây xong đường sắt trên cao nên thành phố đưa ra giải pháp cấm xe máy, nhằm giảm thiểu tình trạng tắc đường. Nhưng các phương tiện công cộng đều khá bất tiện. Bài toán quy hoạch mới giải quyết được tận gốc vấn đề tắc đường hiện nay.
Đi xe máy, ô tô hay xe buýt, đó đều là lựa chọn của mỗi cá nhân, nên được tôn trọng. Xe buýt không được người dân lựa chọn vì nó không lợi bằng xe máy. Nếu qui tổng chi phí về thời gian, giá vé và tính linh động ra thành tiền để dễ so sánh thì đi xe buýt đắt hơn đi xe máy” – Việt nói.
Bạn Quốc Việt có cái nhìn khá vĩ mô về đề án lần này của thành phố.
Trong khi phần lớn người dân nhìn vào mặt bất cập của đề án, một bộ phận không nhỏ nhận thấy trong tương lai, đây là một giải pháp hữu hiệu. Cấm xe máy, thành phố sẽ giảm tải mọi vấn đề như giao thông, dân số,…
“Theo tôi nên thí điểm bằng cách khuyến khích, cổ động và ra các chương trình để thứ 7, chủ nhật, mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Rồi dần dần rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các ngày chẵn hoặc lẻ. Nếu được như vậy, thành phố sẽ có thể triển khai đề án này vào năm 2030″ – Anh Tuấn (35 tuổi) chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Tuấn, một người dân (xin giấu tên) nêu quan điểm, “Cấm xe máy càng sớm càng tốt với điều kiện hạ tầng giao thông phải đầy tốt, phương tiện vận chuyển công cộng nhiều hơn và đúng giờ hơn. Khi đó sẽ tránh được tình trạng tắc đường và ít tai nạn giao thông hơn vì xe máy đi lộn xộn nhất, chẳng có luật gì cả, lạng lách, vượt ẩu, đánh võng và chắc chắn là tệ nạn cướp giật cũng sẽ giảm”.
Trên thực tế, việc cấm xe máy trên 2 con đường huyết mạch khá khó khăn.
“Cấm xe máy mà không hạn chế ô tô sẽ tạo bất bình đẳng trong xã hội”
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên (Nguyên Giám đốc Hiệp hội vận tải Hà Nội) cho biết, việc hạn chế xe máy là cần thiết, dù cấm 1-2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương thì cũng phải được sự đồng thuận của người dân, phải nghiên cứu hết sức chu đáo.
Ông Liên phân tích thêm, cần phải xét số lượng người di chuyển trên 2 tuyến đường này như nào và có đáp ứng được khoảng 50% lưu lượng hành khách trên tuyến đó không thì cơ quan chức năng mới có thể đi đến kết luận được. Cùng với đó, khi đặt vấn đề đến cấm xe máy thì cũng phải tính đến hạn chế xe ô tô cá nhân ở tầm lâu dài.
Ở Việt Nam dù đường có rộng thênh thang mà có 2-3 làn đường dành cho xe ô tô thì người lái xe ô tô vẫn cố chen lấn lên để xếp thành 5-6 hàng rồi chen chúc nhau để đi. Xe máy cũng có tình trạng như vậy. Tuy nhiên, xe ô tô lại chiếm diện tích mặt đường nhiều hơn nên cần phải xem xét để đánh giá đúng.
“Nếu chỉ nói đến việc cấm xe máy mà không nói đến việc hạn chế xe ô tô đi trong nội thành thì sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Từ đó dẫn đến những phản ứng của người dân và không tạo được sự đồng thuận.
Để làm được điều đó, các cơ quan thi hành công vụ phải gương mẫu trước thì mới thuyết phục được người dân vì bây giờ số lượng xe ô tô cá nhân của các cơ quan nhà nước khá nhiều. Nếu người có tiền mua sắm ô tô nhưng người dân có xe máy không được đi thì sẽ tạo nên sự bất hợp lý”, ông Liên nói.
Ông Bùi Danh Liên – Nguyên Giám đốc Hiệp hội vận tải Hà Nội. Ảnh: Internet.
“Người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc gấp 5-10 lần so với hiện nay”
Trong khi đó, nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có 30 năm nghiên cứu giao thông Hà Nội cho biết nếu cấm đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi thì sẽ gây tắc nghẽn cho cả thành phố Hà Nội. Bởi để đi đến một nơi nào đó, hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe phải đi qua 2 con đường này. Người dân có thể không ở, không đến khu đó nhưng vẫn phải đi qua đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương để chuyển sang 1 con đường khác.
Khi đó hai con phố này không còn tắc nhưng các con phố cạnh bên sẽ trở nên tắc nghẽn kinh hoàng hơn. Bàn sâu hơn về việc này, ông Thủy khẳng định chỉ hạn chế xe máy mà không hạn chế ô tô là một sai lầm về mặt nguyên tắc. Bởi xe máy chỉ chiếm mặt đường nhỏ bằng 1/5-1/10 so với ô tô. Nói cách khác, khả năng gây ùn tắc của nó không bằng tô ô.
“Hiện nay, 70-90% người dân đi xe máy, trong khi đó giao thông công cộng chỉ đáp ứng được 8-10%. Nếu cấm xe máy, người dân sẽ di chuyển bằng gì, lấy gì đi lại để mưu sinh. Lượng khí xả của xe máy cũng chỉ bằng 1/10 ô tô vì vậy, nếu nói về vấn đề ùn tắc, ô nhiễm thì ô tô mới là nguyên nhân chính chứ không phải xe máy.
Đến khi cầm xe máy người dân sẽ cố gắng chuyển sang đi ô tô, trong khi xe máy chiếm mặt đường chỉ bằng một phần ô tô mà đường đã tắc thì khi toàn bộ người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc hơn gấp 5-10 lần so với hiện nay.”
Ông Thủy cho rằng, việc cấm xe máy, ô tô không phải một sớm một chiều, mà cần phải có lộ trình cụ thể, giải quyết từng bước một.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Internet.
Theo đó, thứ nhất hạ tầng giao thông phải tốt lên, đường thông hè thoáng. Các cửa ngõ thành phố phải mở rộng ra, xóa các điểm đen giao thông, tăng thêm cầu vượt…
Thứ hai, phải phát triển mạnh giao thông công cộng, ít nhất, hệ thống này phải đảm bảo được trên 40%.
Tiếp theo, công tác quản lý của nhà nước phải tốt hơn, quy hoạch, sử dụng giao thông thông minh, điều khiển giao thông hợp lý, khoa học mới có thể giảm bớt ùn tắc.
Thứ tư, không nên xây dựng quá nhiều nhà cao tầng ở trong khu trung tâm. Phải thực hiện chính sách giãn dân, tăng quỹ đất cho giao .
Cuối cùng là vấn đề tuyên truyền, động viên người dân đi đúng đường, thực hiện đúng luật giao thông và giáo dục người dân hạn chế bớt đi xe máy, ô tô, tập trung đi phương tiện công cộng.