Tính đến 16h chiều 28/6, trên các ứng dụng như Air Visual hay Pam Air, chỉ số chất lượng không khí tại các quận nội thành Hà Nội vẫn đang ở mức nghiêm trọng, thuộc nhóm xấu (từ 151-200). Theo chuyên gia, mức độ ô nhiễm này chỉ khoảng 1 đến 2 ngày, không kéo dài, nên chưa thể đánh giá chính xác nguyên nhân chính.
Từ sáng sớm hôm nay (26/8), một màn sương bao phủ toàn bộ thành phố Hà Nội. Cho đến đầu giờ chiều, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội và các tỉnh xung quanh, thông qua các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng rất cao, từ 151-200, báo động đỏ ở hầu hết các vị trí trong nội thành. Đây được đánh giá là mức xấu, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và phụ nữ có thai) tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng… xuất hiện lớp bụi mỏng, gây hạn chế tầm nhìn. Tiết trời oi nồng, khó chịu, độ ẩm tương đối cao (70%). Càng về chiều, lớp bụi này có xu hướng giảm.
Ứng dụng Pam Air cảnh báo tình trạng “thứ 2 đỏ” quanh khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.
Một lớp bụi mỏng bao trùm Hà Nội trong ngày 28/6.
Các ứng dụng chất lượng không khí Hà Nội đều cho ra những con số đáng báo động, nhất là ở mức nhạy cảm.
Khu vực phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm lúc 15h chiều.
Tình trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Anh Thư, Đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết, “Tiết trời Hà Nội hôm nay khó chịu hơn những ngày trước. Di chuyển ngoài đường tầm nhìn bị hạn chế, và phần nào chúng ta có thể cảm nhận được. Hiện tại Hà Nội vẫn đang ở trong mùa chất lượng không khí có xu hướng tốt (các tháng từ tháng 5 đến tháng 9), tháng 10 trở đi đến đầu năm sau chất lượng không khí kém hơn, theo xu hướng những năm gần đây.
Mức độ ô nhiễm này không bằng các đợt trước, chỉ khoảng 1 đến 2 ngày, không kéo dài, nên chưa thể đánh giá chính xác nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng như hôm nay. Điều này cần phải dựa vào các kết quả quan trắc khác. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến chất lượng không khí đột ngột xấu đi, và cũng không loại trừ yếu tố thời tiết”.
Theo những quan sát và đánh giá của GreenID Việt Nam trong 3 năm gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn là vấn đề cần được quan tâm nhiều. Từ những dữ liệu mới nhất mà Trung tâm thu thập được trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018, nồng độ siêu mịn PM 2.5 trung bình năm của Hà Nội năm 2018 ở mức cao (40,1 µg/m3) , vượt quá giới hạn cho phép trong Quy chuẩn kỹ thuật (25 µg/m3.năm).
“Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra rằng khu vực nội thành Hà Nội đang bị ô nhiễm bụi và thông số bụi PM2.5 vẫn là thông số có mức độ ô nhiễm cao nhất. Riêng ở trạm Đại sứ quán Mỹ, trong 3 năm gần đây, chất lượng không khí có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nồng độ bụi PM2.5 năm 2018 giảm đáng kể so với hai năm trước, tuy nhiên xu thế này chúng tôi mới theo dõi được ở 1 trạm, chưa có tính đại diện cho toàn thành phố, vẫn cần thêm nhưng quan sát và nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận chất lượng không khí có thực sự được cải thiên hay chưa” – chị Thư nói.
Ghi nhận của chúng tôi khoảng 15h chiều nay trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Những toà nhà chọc trời ẩn hiện đằng sau lớp bụi ô nhiễm.
Các chuyên gia cảnh báo người dân nên hạn chế ra đường trong tình trạng ô nhiễm ở mức nhạy cảm.
Đối với người dân, GreenID khuyến nghị để ứng phó với tình trạng ô nhiễm hiện nay, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.
Thêm vào đó, người dân hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của mình như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lương cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu giảm phát thải vào môi trường không khí.
Liên quan đến một số ứng dụng theo dõi chất lượng không khí hiện nay như Air Visual hay Pam Air liệu có đưa ra kết quả chính xác hay không, chị Thư cho biết, các ứng dụng này đều sử dụng công cụ đầu đo cảm biến để theo dõi chất lượng không khí.
“Sử dụng các thiết bị cảm biến để giám sát chất lượng không khí đang là xu thế trên nhiều quốc gia trên thế giới. Trong thời điểm mà vẫn còn quá ít các trạm quan trắc tự động cố định, mạng lưới các trạm này chưa được phủ đều trên không gian thì việc sử dụng các thiết bị cảm biến như một giải pháp hữu hiệu để cảnh báo về chất lượng không khí và thông tin cho người dân.
Ngoài ra với ưu điểm giá thành rẻ, linh động, đơn giản, dễ lắp đặt, các thiết bị này còn cho phép cá nhân, tổ chức, cộng đồng đóng góp dữ liệu, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phác họa bức tranh chung về chất lượng không khí trên toàn khu vực. Độ tin cậy về dữ liệu của các cảm biến di dộng này tuy không thể so sánh với các trạm đo tự động, cố định, nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tính tương đồng trong xu thế biến đổi chất lượng không khí và việc sử dụng các máy đo này để theo dõi xu hướng, nâng cao nhận thức và cảnh báo cho người dân là hoàn toàn phù hợp”.
Hà Nội hiện đang nằm trong nhóm ô nhiễm không khí đáng báo động trên thế giới.
Tầm nhìn giao thông của người dân bị hạn chế.
Được biết, tình trạng ô nhiễm này chỉ mang tính ngắn hạn, kéo dài 1 đến 2 ngày.