Ngày 12/6, các bác sĩ của Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM đã cấp cứu cho 1 gia đình 7 bà cháu bị ngộ độc nặng khí CO2 do sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu. Một cháu bé đã tử vong.
Cả nhà cấp cứu vì ngộ độc
Theo đó, gia đình Lê Văn Mười Hai (65 tuổi, ngụ trên đường số 43, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM) chạy máy phát điện gây độ độc khí CO2. Sáng sớm ông Hai dậy đi uống cafe nhưng sau đó trở về nhà 2 lần gọi cửa không ai mở cửa. Trong nhà có vợ ông và 6 cháu nhỏ từ 6 đến 12 tuổi.
Ông Hai nghĩ mọi người đang ngủ nên đi ra ngoài và đến 13h chiều ông về gọi cửa tiếp. Một cháu bé ra mở cửa nhưng người mệt lử và có bất thường. Ông Hai vội vã gọi người tới trợ giúp và đưa 7 bà cháu đi cấp cứu.
Bệnh viện Quận Thủ Đức nơi cấp cứu các nạn nhân.
Các bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Quận Thủ Đức, tuy nhiên khi vào tới bệnh viện một cháu bé đã tử vong. Theo các bác sĩ 7 bà cháu đều ngộ độc nặng CO2. Cháu bé tử vong do tình trạng ngộ độc nặng CO2 gây ra tình trạng suy hô hấp, ngưng tim ngưng thở do thiếu oxy máu. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa hơn một tiếng đồng hồ nhưng không qua khỏi.
Còn lại các bệnh nhân đang được theo dõi rất kỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên cả gia đình bị ngạt khí. Vào tháng 12/2018, một gia đình ở thành phố Vinh, Nghệ An đốt than để sưởi ấm khiến cả 4 người phải nhập viện.
Theo đó, thời tiết lạnh nên gia đình đã đốt than củi Lào để sưởi ấm và đóng kín cửa đi ngủ. Đến nửa đêm cả nhà khó thở và ngất nên được đưa đi cấp cứu. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao.
Cũng thời điểm đó, 1 doanh nhân ở thành phố Hải Phòng mới 34 tuổi đi làm về không vào nhà và ngủ trong xe ô tô. Khi người thân phát hiện ra thì doanh nhân trẻ này đã tử vong do ngạt khí trong xe ô tô.
Cái chết êm ái
Nói về nguy cơ ngộ độc khí CO, theo PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Hà Nội CO, CO2 là chất khí không màu, không mùi, không vị, không nhìn thấy, ngửi thấy, hay cảm nhận nhưng khả năng gây tử vong rất tàn độc.
Tại Việt Nam, thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc khí CO, CO2 nhưng tới nay vẫn chưa chưa có con số thống kê nào về số ca cấp cứu, tử vong do ngộ độc khí này gây ra. Mặc dù các bác sĩ, chuyên gia liên tiếp cảnh báo nhưng vẫn có các ca ngộ độc CO, đau lòng nhất là ngộ độc cả nhà.
Một trường hợp ngộ độc CO được bác sĩ cấp cứu trước đó.
Khí CO rất nguy hiểm vì con người hít phải với lượng lớn, nồng độ oxy trong máu giảm gây nên hiện tượng ngạt khí. Người bệnh sẽ lịm dần và khi không còn oxy gây ngừng thở, tử vong nhanh chóng. Nếu được cấp cứu kịp thời cũng ảnh hưởng tới thần kinh.
Điều đặc biệt, PGS Côn cho biết, những bệnh nhân ngộ độc khí CO hay CO2 đều không biết và lịm dần vào cái chết. Người ta thường gọi đây là cái chết êm ái vì nạn nhân không thể tự thoát ra được.
Lý giải tình trạng ngạt khí, PGS Côn cho biết khi đốt cháy bất cứ cái gì từ xăng dầu, than củi, các khí đốt khác trong một không gian kín, khí oxy sẽ tiêu hao dần và khí CO độc hại hoặc khí CO2 tăng do động cơ thải ra.
Khi lượng oxy giảm thì phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu khí oxy sẽ hình thành khí CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cơ thể hít phải một lượng khí CO, nó làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy của máu.
Các triệu chứng ngộ độ CO theo thứ tự nặng dần, lúc đầu người bệnh cảm thấy đau đầu, khó thở, chóng mặt rồi dẫn tới lú lẫn và suy nghĩ khó khăn.
Nạn nhân cảm thấy mất phối hợp động tác, buồn nôn và nôn, mạch nhanh, ảo giác, không thể làm theo lệnh chính xác, ngã gục.
Nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời sẽ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt, hôn mê, co giật, tụt huyết áp, suy hô hấp và suy tim, tử vong.
Bác sĩ Phúc còn cho biết khí CO gây tổn hại tế bào thần kinh cực kì nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, đặc biệt là với trẻ nhỏ.