Có nhiều thông tin không tốt dẫn đến nhiều lý do để bạn cân nhắc và từ bỏ việc uống nước ngọt cũng như các loại đồ uống không cồn mà lâu nay bạn vẫn yêu thích.
Một nghiên cứu mới đã theo dõi hơn 450.000 người từ 10 quốc gia châu Âu trong 19 năm và phát hiện ra rằng những người uống từ hai hoặc nhiều hơn hai ly nước ngọt loại bất kỳ mỗi ngày đều có nguy cơ tử vong cao hơn bất kỳ nguyên nhân tử vong nào. Không ai trong số họ bị ung thư, tiểu đường, bệnh tim hoặc đột quỵ trước khi tham gia nghiên cứu.
Ảnh: Internet.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 3-9-2019 trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy đàn ông và phụ nữ uống hai hoặc hơn hai ly nước ngọt có đường có nguy cơ tử vong do rối loạn tiêu hóa cao hơn. Với một lượng tương tự, những người uống thức uống có ga dành cho người ăn kiêng cũng sẽ có nguy cơ tử vong cao do bệnh tim mạch.
Tiến sĩ Sharon Horesh Bergquist, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Y Emory ở Atlanta cho biết: “Bằng chứng thực nghiệm cho thấy lượng đường trong máu và lượng đường nạp vào cao có thể làm suy yếu lớp niêm mạc ruột, dẫn đến “hội chứng rò rỉ ruột” và tác động đến hệ thống miễn dịch đường ruột gây viêm ruột, thay đổi hệ vi sinh và tăng khả năng bị nhiễm trùng đường ruột.
Những quá trình này có thể làm tăng khả năng mắc phải các bệnh tiêu hóa”.
Tiến sĩ Sharon Horesh Bergquist, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Y Emory ở Atlanta. Ảnh: Drsharonbergquist
Tổng số lượng thức uống không cồn được tiêu thụ trong nghiên cứu cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson, nhưng không liên quan đến bệnh Alzheimer hay ung thư.
Thức uống không cồn bao gồm nước ngọt có hàm lượng calo thấp hoặc dùng được trong chế độ ăn kiêng và nước ép trái cây – những loại xi-rô cô đặc không cồn thường được pha với đường và nước. Dung tích của một ly nước ngọt là 250 ml, dung tích của một lon nước ngọt tiêu chuẩn trên thế giới là 355 ml.
Sự kết thúc cho niềm yêu thích dành cho nước ngọt
Nghiên cứu dài hạn này chỉ mới là một trong danh sách các nghiên cứu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự yêu thích của chúng ta với nước ngọt có ga.
Vào tháng 2, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu cho thấy uống hai hoặc nhiều loại nước ngọt nhân tạo mỗi ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ do cục máu đông, đau tim và tử vong sớm ở phụ nữ trên 50 tuổi. Nguy cơ cao nhất đối với phụ nữ không có tiền sử bệnh tim hay bệnh tiểu đường, phụ nữ béo phì hoặc người Mỹ gốc Phi.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng với các bệnh đột quỵ, mất trí nhớ, tiểu đường loại 2, béo phì và hội chứng chuyển hóa – hội chứng có thể dẫn đến bệnh tim và tiểu đường.
Vào tháng 3, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation đã sử dụng dữ liệu của 80.500 phụ nữ đăng ký tham gia vào nghiên cứu Sức khỏe của Y tá và gần 40.000 nam giới tham gia nghiên cứu Chuyên gia Sức khỏe.
Nghiên cứu phát hiện rằng những phụ nữ uống nhiều hơn hai phần đồ uống có đường (một phần được định nghĩa là một ly, chai hoặc lon tiêu chuẩn) mỗi ngày, có nguy cơ tử vong sớm hơn 63% so với những phụ nữ uống ít hơn 1 lần/tháng. Những người đàn ông với mức uống tương tự cũng tăng nguy cơ tử vong là 29%.
Những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường mỗi tháng nhưng vẫn đảm bảo ít hơn hai phần mỗi ngày dường như gặp phải hậu quả về liều lượng: Càng uống nhiều, nguy cơ tử vong càng lớn.
Thay thế loại nước ngọt bạn uống hằng ngày bằng một loại nước có vị ngọt nhân tạo khác có thể giảm nguy cơ tử vong sớm, nhưng uống bốn phần hoặc nhiều hơn vẫn làm tăng nguy cơ đó do bệnh tim mạch ở phụ nữ. Tuy nhiên, hậu quả tương tự không được tìm thấy khi nghiên cứu với nam giới.
Các nghiên cứu ở trên không chỉ ra mối liên quan giữa nước ngọt và bệnh ung thư nhưng một nghiên cứu khác được công bố trên BMJ vào tháng 7 – 2019 đã phát hiện điều đó.
Nghiên cứu đã theo dõi hơn 100.000 người Pháp trưởng thành và thấy rằng chỉ uống một ly nhỏ đồ uống có đường mỗi ngày, khoảng 100 ml – một phần ba lon nước ngọt thông thường có thể làm tăng 22% nguy cơ ung thư vú và 18% nguy cơ ung thư nói chung.
Chỉ có một mối liên hệ
Nghiên cứu này, cũng như các nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa đồ uống có đường và rủi ro về sức khỏe mà nếu chỉ quan sát sẽ không thể cho tìm ra nguyên nhân và kết quả.
Đó là một hạn chế lớn mà các nhà nghiên cứu cho biết, vì không thể xác định liệu mối liên quan này có phải do một chất làm ngọt nhân tạo cụ thể, một loại đồ uống, bệnh béo phì hay một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác gây nên.
“Nguyên nhân đằng sau các mối liên hệ này không rõ ràng”, Bergquist nói. “Các tác nhân sinh học tiềm năng khác cũng có thể là bằng chứng thực nghiệm liên quan đến việc tiêu thụ chất ngọt nhân tạo với cảm giác thèm đường, kích thích sự thèm ăn và không dung nạp glucose.”
Robert Rankin, chủ tịch Hội đồng kiểm soát calo, một nhóm thương mại về thực phẩm và đồ uống có hàm lượng calo thấp và chế độ ăn kiêng, cho biết “vị ngọt nhân tạo thấp và không có calo được xác nhận an toàn lâu dài và là công cụ quan trọng để quản lý cân nặng và bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu này đã không chỉ ra chính xác vai trò quan trọng của những sản phẩm này đối với người tiêu dùng.”
Những cách để chấm dứt thói quen uống nước ngọt
Dù các nghiên cứu có chỉ ra mối liên quan hay không, một khi bạn đã quyết định chấm dứt tình trạng say sưa với nước ngọt mỗi ngày, điều đó rất tốt cho bạn. Dưới đây là một số lời khuyên về cách từ bỏ nước ngọt lâu dài và ít gây ra tác động tiêu cực đến tâm trạng của bạn.
Cắt giảm đúng cách
Từ bỏ ngay một thức uống đã khiến bạn nghiện trong thời gian dài bằng cách cắt giảm đột ngột là điều khó khăn và có thể khiến bạn thất bại. Thay vào đó, chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer – cộng tác viên của CNN gợi ý cách từ bỏ dần dần.
Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer – cộng tác viên của CNN. Ảnh: Twitter Lisa Drayer.
“Cắt giảm một khẩu phần mỗi ngày cho đến khi bạn chỉ còn uống một ly mỗi ngày”, bà Drayer nói. “Sau đó, đặt mục tiêu cắt giảm mỗi ngày cho đến khi bạn có thể từ bỏ hoàn toàn nước ngọt.”
“Hãy thay thế bằng nước khoáng có ga. Bạn có thể thay thế nước ngọt bằng nước khoáng có ga nếu bạn thèm carbonate”, bà nói thêm.
Tìm một loại nước có ga khác
Tìm một loại nước lọc có ga hoặc trộn một loại trái cây tốt cho sức khỏe với nước khoáng có ga, đặc biệt là nước ép quả việt quất hoặc quả lựu, chuyên gia dinh dưỡng Rahaf Al Bochi, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết.
Chuyên gia dinh dưỡng Rahaf Al Bochi, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng. Ảnh: Olivetreenutrition.
“Khuyến nghị cho nước ép trái cây thường là 118ml mỗi ngày, bà Al Bochi nói.
Lưu ý: Các chuyên gia khuyên hãy cố gắng nuốt nước bọt của bạn với thức ăn. Bất kỳ loại nước có ga có thể làm mòn men răng trên răng của bạn. Do carbon dioxide biến nước có ga thành axit carbonic trong miệng, gây bất lợi cho sức khỏe của răng.
Chế ngự cơn thèm ngọt
Bà Bergquist khuyến khích hãy thỏa mãn cơn thèm đường của bạn bằng cách thay thế các thực phẩm ngọt tự nhiên như trái cây và chà là, có chứa vitamin, khoáng chất và hóa chất hoạt tính sinh học hay còn gọi là hóa chất thực vật.
Bà cũng đề nghị cam kết tham gia thử thách không đường trong ít nhất hai tuần. “Vị giác của chúng ta thay đổi cứ sau hai tuần”, bà nói. “Điều đó có nghĩa là nếu bạn có thể vượt qua cơn thèm đường dữ dội trong hai tuần đầu tiên, vị giác của bạn sẽ điều chỉnh để tìm những thực phẩm có đường tự nhiên hơn.”
Cản trở thói quen
Chúng ta là những con người của thói quen và nguyên tắc. Hãy tìm hiểu xem thói quen của bạn hoạt động như thế nào và cố gắng thay đổi nó. Nếu bạn thường uống nước ngọt khi chán nản? Hãy gọi cho một người bạn trước khi bạn với tay lấy một lon nước ngọt.
Nói không với caffeine
“Nếu bạn chưa từng thử nước ngọt không chứa caffeine, thì cảm giác hưng phấn từ caffeine chính là điều khiến bạn dễ nghiện loại nước ngọt này. Hãy thử thay đổi sang trà xanh hoặc trà đen”, chuyên gia dinh dưỡng Al Bochi nói.
“Bạn vẫn sẽ tiêu thụ caffeine như bạn muốn, không cần thêm đường mà vẫn nhận được một lượng chất chống oxy hóa tốt”, bà Al Bochi nói thêm.
“Các loại trà thảo mộc như atiso đỏ, chanh dây, quả mọng nước, bạc hà là những hương vị làm bạn hài lòng mà không dung nạp thêm đường hoặc calo”, bà Drayer gợi ý.
Ảnh: Best Health Magazine Canada
Cố gắng uống nước lọc
Mang theo một chai nước bên mình hoặc đặt một bình nước lạnh gần bàn làm việc của bạn. Nếu nó ở vị trí gần bạn, bạn có nhiều khả năng lấy nước lọc hơn là đồ uống có đường.
Nếu bạn không phải là người thích uống nước lọc, chuyên gia dinh dưỡng Drayer gợi ý có thể thay bằng nước khoáng có ga.
“Hãy thử bỏ trái cây vào nước, bạn có thể mua bình, đổ đầy nước, sau đó thêm vài lát cam, chanh, dâu tây, dưa hấu hoặc bất cứ loại trái cây nào bạn thích để uống nước với hương vị trái cây và cung cấp vị ngọt cho bạn”, cô nói.
Chấp nhận nỗ lực
“Thỉnh thoảng uống một loại đồ uống có đường sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”, chuyên gia Al Bochi nói. “Cho phép bản thân thưởng thức tất cả các loại đồ uống mà vẫn quan tâm đến việc nó có phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh của bạn hay không chính là chìa khóa thúc đẩy sự lành mạnh giữa cơ thể của bạn với thực phẩm.”
*Theo CNN