Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều thịt động vật, trung bình lên tới 85g/người/ngày. Đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh béo phì.
Con số đáng báo động
Mới đây, các chuyên gia về dinh dưỡng đã đưa ra những số liệu giật mình về mức tiêu thụ thực phẩm trung bình đầu quân người Việt sử dụng. Trong đó, mức tiêu thụ thức ăn từ động vật như thịt, cá đều tăng, đặc biệt mức tiêu thụ thịt của người Việt đạt tới 85gram/người/ngày.
Ngược lại, mức tiêu thụ rau xanh trong 30 năm qua không hề tăng lên, thậm chí giảm 10% nên lượng tiêu thụ rau của người Việt mới đạt được một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Liên quan đến mức tăng giảm đáng báo động này, chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng chia sẻ về thói quen tiêu thụ thực phẩm của người Việt. Chính sự thay đổi này tác động trực tiếp đến nguy cơ béo phì, gia tăng bệnh huyết áp, tim mạch.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng
PGS Mai cho biết, mức tiêu thụ gạo ở thập kỉ 80 là 460g/người/ngày, đến nay chỉ khoảng 370g/người/ngày. Tiêu thụ các lương thực khác như bánh mì, bột mì gia tăng. Các thực phẩm truyền thống có chất bột từ khoai củ giảm đi 10 lần.
Đặc biệt, phải kể đến sự gia tăng mức tiêu thụ thịt. Nếu như năm 1985 mức tiêu thụ thịt chỉ đạt 13,6gram/ngày thì đến tổng điều tra năm 2010, mức tiêu thụ thịt của người Việt đạt tới 85gram/người/ngày.
Tiêu thụ thịt có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thành thị. Tổng điều tra 2010, nông thôn tiêu thụ thịt chỉ bằng khoảng 2/3 so với người thành phố. Đặc biệt, người dân khu vực đồng bằng sông Hồng tiêu thụ thịt nhiều nhất nước.
Không giống như những con số về mức tiêu thụ thịt, mức tiêu thụ cá lại không đạt như kì vọng, dù các chuyên gia khuyến cáo tăng đạm từ cá thay cho thịt để tốt cho sức khỏe. Theo đó, lượng tiêu thụ cá với 40,1 gram/người/ngày năm 1985, đến 25 năm sau mức này tăng lên gần 60gram/người/ngày
Ngoài ra, có mặt đáng mừng là mức tiêu thụ trứng, sữa tăng gấp 20 lần so với 30 năm trước, tuy nhiên mới chỉ tập trung ở nhóm trẻ em, người già.
Người Việt tiêu thụ thịt lợn ngày càng nhiều
Người Việt ngày càng ham ăn thịt, lười ăn rau
PGS Mai cho biết, “Mức tiêu thụ rau, sau 30 năm không hề đổi thay (nếu không nói giảm đi 10%), với khoảng 200 gram/người/ngày. Rõ ràng, sức khỏe người Việt đang đứng trước bất lợi về thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm”.
Trong khi mức tiêu thụ thịt, cá, trứng, sữa đều ra tăng, thì người Việt có xu hướng ngày càng lười ăn rau xanh. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ quả chín năm 2000 có tăng so với năm 1985, nhưng đến nay vẫn không đổi thay, 65 gram/người/ngày.
Có thể thấy, khẩu phần ăn của người Việt gia tăng thức ăn từ động vật trong khi dinh dưỡng từ các loại hạt được khuyến khích tốt nhưng lại chưa được coi trọng.
Theo đó, khuyến cáo của WHO mỗi người trưởng thành cần ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây khoảng (400gram) hằng ngày. Trong khi đó, việc ăn đủ rau xanh, trái cây giúp phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Trong khi đó theo công bố, đến nay có đến hơn một số dân số trưởng thành (57,2%) ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Trong đó nam lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.
Người Việt ngày càng ham ăn thịt, lười ăn rau
Mức tiêu thụ thịt tăng, còn rau thì ngược lại đã dẫn đến nguồn cung cấp chất béo gia tăng nhanh chóng, nguồn cung cấp lipid trong khẩu phần chủ yếu lipid động vật, chứ không phải lipid hạt mang lại, nên cần cảnh báo kiểm soát kịp thời nguy cơ thừa cân, béo phì, các bệnh không lây nhiễm.
Liên quan đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập, PGS.TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cũng nhận định, trong những năm gần đây, mặc dù tình hình an ninh lương thực thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Tỷ lệ thiếu ăn vẫn còn cao, đặc biệt là ở Tây Nguyên miền núi phía Bắc và các vùng hay gặp thiên tai.
Cơ cấu năng lượng khẩu phần thay đổi theo hướng gia tăng tỷ lệ lipid và protein trong khẩu phần, trong khi đó năng lượng khẩu phần ít thay đổi. Mức tiêu thụ thực phẩm giàu glucid đã qua chế biến, mức tiêu thụ quả chín cũng như các thức ăn động vật tăng lên rõ rệt.
Chính sự thay đổi này tác động đến sự phát triển cân bằng sức khỏe con người. Tương lai, con người cần kiểm soát kịp thời chế độ dinh dưỡng để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.