Ông Tập Cận Bình dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 70 thành lập Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hải quân Trung Quốc có thể đứng thứ 2 thế giới nếu dựa trên số lượng tàu sân bay và các loại tàu chiến tối tân, chuyên gia Bắc Kinh cho biết.
Vào ngày 23/4 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm thành lập với sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là cuộc duyệt binh lớn với sự tham gia của các tàu chiến đến từ 13 quốc gia khác như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…
Nhận định về cuộc duyệt binh ngày 23/4, chuyên gia quân sự nổi tiếng Trung Quốc Ngụy Đông Húc cho rằng, với sự ra mắt của tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới, tàu sân bay Liêu Ninh và loạt vũ khí tối tân khác, Bắc Kinh đang muốn thông báo cũng như phô trương thành tựu hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ông này cho biết: “Hải quân Trung Quốc 70 năm qua đã đi từ không đến có, tất cả bắt đầu từ con số 0. Thời gian đầu số lượng tàu chiến lớn không nhiều, hải quân Trung Quốc phần lớn dựa vào lực lượng tàu phóng lôi, tàu chiến, tàu ngầm”.
Ngụy Đông Húc cũng cho hay, cùng với sự phát triển của kinh tế và tăng cường sức mạnh quốc gia, Trung Quốc bắt đầu sản xuất tàu khu trục và tàu hộ tống nội địa với độ giãn nước ngày càng lớn nhưng chúng cũng rất hạn chế khi chỉ hoạt động ở vùng biển gần.
“Sau khi bước vào thế kỷ 21, đặc biệt trong 5-10 năm gần đây, sự phát triển của lực lượng hải quân Trung Quốc như bước vào đường cao tốc, nhóm tàu chiến chủ lực được nâng cấp như tàu khu trục lớp 055, tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay Liêu Ninh đều thuộc loại vũ khí thiết bị mang tính chiến lược. Những vũ khí này cho phép hải quân Trung Quốc đi từ ven biển tới các vùng biển sâu, biển xa… như tham gia hộ tống hàng hải ở Somalia hoặc tuần tra ở Ấn Độ Dương”, Ngụy nói.
Tuy nhiên, ông này cho rằng, dù đã rất phát triển nhưng hải quân Trung Quốc vẫn còn nhược điểm cần khắc phục.
“Trước hết tiến trình hiện đại hóa cần tiếp tục tăng cường, để phát triển toàn diện, hải quân Trung Quốc có thể cần nhiều tàu sân bay hơn nữa, hai tàu sân bay hiện nay là không đủ, bởi vì tàu sân bay Trung Quốc hiện đều có cấu tạo hệ thống phóng kiểu nhảy cầu, gây hạn chế nhất định đến khối lượng bình nhiên liệu và đạn dược được trang bị trên máy bay của tàu sân bay…
Trong tương lai, hải quân Trung Quốc cần chế tạo tàu sân bay lớn hơn, tiên tiến hơn, không nên dùng hệ thống phóng kiểu nhảy cầu mà cần dùng hệ thống máy phóng [như các tàu sân bay Mỹ] cho phép máy bay trên tàu được mang thêm nhiên liệu và đạn dược. Như vậy, phạm vi tác chiến và cự ly tác chiến mới có thể được mở rộng”, ông Ngụy Đông Húc nói.
Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc nhận định, tàu sân bay Trung Quốc cũng cần được trang bị nhiều thiết bị hơn như máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay cảnh báo sớm, đặc biệt cần tăng cường máy bay tàng hình.
“Đối với tàu sân bay, còn bộ phận quan trọng nữa là hệ thống động cơ, ví dụ hệ thống điện hạt nhân”, Ngụy cho biết thêm.
“Bên cạnh đó, mặc dù có tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn nhưng những tàu này vẫn chưa có thiết kế hệ thống máy phóng… trong tương lai nếu được trang bị, sức mạnh hải quân ở vùng biển xa sẽ được tăng cường…”, ông này khẳng định.
Đặc biệt, chuyên gia Trung Quốc cho hay, với sức mạnh hiện nay của hải quân Trung Quốc, không có nước nào có thể “trói buộc” Bắc Kinh ở chuỗi đảo thứ nhất, bởi nước này hiện đã có nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến tiên tiến.
“Chiến lược thọc sâu trên biển và không gian an ninh trên biển của Trung Quốc đã có thể bao trùm chuỗi đảo thứ nhất, có thể mở rộng sang Tây Thái Bình Dương”, Ngụy Đông Húc cho rằng, đây là một tiến bộ rất lớn của hải quân Trung Quốc khiến các nước khác phải dè chừng.
Cuối cùng, xét về sức mạnh hải quân trên thế giới, Ngụy cho biết, Trung Quốc có thể đứng thứ hai thế giới nếu dựa trên số lượng tàu sân bay và các loại tàu chiến tối tân nhưng nếu xét từ sức mạnh tấn công hạt nhân và phạm vi răn đe hạt nhân trên biển thì hải quân Trung Quốc đứng thứ ba, sau Mỹ và Nga.