Hơn 1 năm nay, lớp học miễn phí dạy kỹ năng sống, phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường của cô giáo Loan luôn được nhiều em nhỏ ở Đà Nẵng háo hức chờ đón vào mỗi buổi sáng chủ nhật.
Cô hiệu phó “mở lớp” chống xâm hại trẻ em
Đến hẹn lại lên, sáng chủ nhật hằng tuần, lớp dạy kỹ năng sống của cô Phạm Thị Thùy Loan –Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) không còn một chỗ trống, không em nào tới muộn. Lớp học đặc biệt này không giới hạn độ tuổi, không phân biệt học sinh trong hay ngoài trường và hoàn toàn free.
Đúng 8 giờ sáng, cả lớp ngồi ngay ngắn, cô Loan bước vào, nở nụ cười hiền hậu và bắt đầu buổi học với chủ đề rất “thời sự”: Cách nào để chống xâm hại tình dục?
Lớp học chống ấu dâm và kỹ năng sống miễn phí của cô Loan.
“Các em có biết vụ việc người đàn ông đụng chạm vào thân thể một bạn nữ 7 tuổi trong thang máy tại chung cư ở TP.HCM không?”, vừa hỏi, cô Loan vừa ân cần bước đến bàn 1 em nữ sinh.
“Dạ, có ạ. Từ lúc xem vụ việc đó, cứ mỗi lần đi thang máy em rất sợ”, Phương Nhi, lớp 9/9 trường THCS Nguyễn Huệ nhanh nhẩu nói. Nhiều học sinh khác cũng thốt lên: “Hành động xấu đó không đúng và cần bị trừng trị ạ”.
Lớp học luôn thu hút rất đông các em nhỏ.
Những bài giảng của cô Loan không bao giờ “đóng khung”, cô luôn nắm bắt tâm lý và xem các em cần gì thì sẽ dạy thứ đó…
Thấy buổi học bắt đầu nóng lên, cô Loan liền thông tin thêm các vụ trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục khác, bằng việc chiếu các bộ phim ngắn như việc 1 bé gái bị người đàn ông lạ mặt khống chế, có ý định xâm hại khi đi chơi 1 mình trong công viên. Hay clip bé gái 7 tuổi bị một người đàn ông cưỡng hôn trong thang máy.
Rồi hàng loạt con số thống kê về tình trạng xâm hại trẻ em được phóng lớn trên màn hình khiến nhiều học trò ngỡ ngàng. Trong đó, từ năm 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Bình quân cứ 8 giờ lại có 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại, chưa kể nhiều trường hợp người bị hại không tố giác. Trong số thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, thống kê 59% là người thân quen.
Các em học sinh chăm chú theo dõi buổi học.
Trong tiết học, một số nam sinh nói chuyện riêng, nhưng khi cô Loan thông tin bình quân 6 bé trai sẽ có 1 em bị xâm hại (tỷ lệ ở bé gái là 4 em thì có 1 em bị xâm hại), cả lớp im lặng. Một nam sinh nói từng bị người đàn ông lạ đụng chạm vào vùng kín, nhưng cứ nghĩ đó là những hành động vô ý từ người lớn nên không nói với cha mẹ.
Cán bộ công an được mời đến tham gia cùng lớp học
Cô Loan chia sẻ, vấn đề tình dục rất nhạy cảm, nhất là đối với các học sinh đang trong độ tuổi tiểu học, THCS. Ngoài ra, do lớp học có nhiều trẻ độ tuổi khác nhau nên việc dạy cũng khá khó khăn.
Với trẻ tiểu học, chỉ cần lời nói ngọt ngào và sự thân thiện, nhưng với trẻ lớn hơn thì phải có sự hóm hỉnh, sâu sắc mới thu hút các em đến lớp. Do đó, trong mỗi bài giảng, cô Loan luôn tìm tòi từ ngữ, hình ảnh và cách trình bày phù hợp để vừa tránh phản cảm, vừa mang lại hiệu quả.
“Khi dạy về giới tính, với trẻ nhỏ mình phải dùng những từ ngữ dễ hiểu, trong sáng. Còn với học sinh THCS và THPT, thì các vấn đề cần được nhìn thẳng, không ẩn dụ, dù ban đầu các em còn bỡ ngỡ và ngại. Tuy nhiên, nếu mình tránh thì sợ nhiều em không thể nắm bắt được”, cô Loan, tâm sự.
Ngày thường trong vai 1 hiệu phó nghiêm nghị, nhưng đến chủ nhật, cô Loan lại là 1 diễn giả hài hước với nhiều câu chuyện sinh động xoay quanh vấn đề chống xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng đối diện nguy hiểm…
Vào dịp hè, ngoài lớp 12 đến 18 tuổi, cô Loan còn mở thêm lớp từ 6 đến 9 tuổi với gần 60 học sinh ngoài trường.
Đặc biệt, cô luôn khéo léo tổ chức các trò chơi rồi tế nhị lồng ghép thông điệp của mình. Chẳng hạn, với việc cho học sinh tìm gương mặt của “yêu râu xanh”, cô khẳng định: ai cũng có thể trở thành kẻ xâm hại. Từ đó, cô chỉ cách để các em chủ động bảo vệ mình, như: đóng cửa khi ở nhà một mình, không đi một mình ở nơi vắng vẻ…
Không chỉ dạy các em phòng tránh xâm hại tình dục, bạo lực học đường, kỹ năng chống bắt cóc,… cô Loan còn dạy các em cách giao tiếp hiệu quả và quản lý thời gian tốt hơn. Để giờ học thêm thực tế và hấp dẫn, cô Loan mời cả thầy dạy võ, cô y tá hoặc các chú công an đến giúp các em “thực hành” các kỹ năng liên quan đến những bài giảng.
Cô Loan cho biết, lớp kỹ năng sống này được thai nghén từ những buổi dã ngoại, khi cô đang là giáo viên phụ trách đoàn đội của nhà trường. Bắt đầu từ hè 2018, khi lên làm hiệu phó, thấy mô hình hấp dẫn với nhiều học sinh nên cô quyết định xin nhà trường cho mở lớp dạy miễn phí.
Cán bộ công an được cô Loan mời đến tham gia lớp học để truyền đạt các kiến thức pháp luật liên quan cho học trò.
“Làm giáo viên nhiều năm, tôi thấy các em còn thiếu quá nhiều kỹ năng mềm để sống thật sự an toàn, vui vẻ. Do đó, tôi mở lớp học này để trang bị tâm lý, kỹ năng cho các em tốt hơn”, cô Loan chia sẻ.
Ban đầu chỉ có học sinh trong trường, dần dần học trò các trường khác biết đến lớp học này nên tìm đến đông hơn. Lịch học và địa điểm thông báo ngay trên Facebook. Những khóa huấn luyện học liên tục thay đổi từ trong phòng học đến công viên, quán cà phê để tạo cảm hứng. Còn nội dung bài giảng thay đổi linh hoạt theo các vấn đề thời sự và nhu cầu của trẻ.
Dạy học sinh như dạy chính con mình
Do từng công tác đoàn đội nên cô Loan luôn gần gũi và trở thành địa chỉ để các học sinh “trút” những suy nghĩ, sự ức chế hay bế tắc. Cô tâm sự: “Tôi xem học trò như con và dạy các em như đang dạy chính con mình”.
“Má Loan”, “Cô Loan hài hước”, “Cô Loan đáng yêu”… là những biệt danh dễ thương mà học trò đặt cho cô hiệu phó tâm lý.
Hằng tuần, cô Loan đều dẫn theo cậu con trai của mình đến lớp học kỹ năng sống. Bởi theo cô, con mình cũng cần được học để nắm rõ hơn những kỹ năng cần thiết này, dù ở nhà mình đã dạy. “Khi lên lớp, cu cậu có nhận thức rất khác về điều mẹ đã dạy ở nhà. Tôi luôn tâm niệm rằng dạy học sinh lúc nào cũng giống như dạy chính con của mình”, cô Loan trải lòng.
Hơn 1 năm mở lớp học đặc biệt, với nữ hiệu phó này, khi học trò được trang bị thêm 1 kỹ năng sống là cô có thêm động lực và niềm vui. Đến bây giờ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là lần ứng cứu 1 nữ sinh bế tắc trong suy nghĩ và lên cầu Thuận Phước để tự tử, nhưng do sợ độ cao nên bị hạ canxi, ngất lịm. Sau khi bé gái được người dân đưa đến bệnh viện, cô Loan đã túc trực chăm sóc, trò chuyện như mẹ ruột và khuyên em bỏ được ý nghĩ tiêu cực. Bây giờ cô bé đã là học sinh THPT.
Theo cô Loan, điều quan trọng nhất mà cô muốn mang lại cho học trò là nhận diện được những mối nguy hiểm, đối tượng xấu xung quanh mình…
Hào hứng sau buổi học đặc biệt, em Trương Anh Bảo Trân (lớp 6/4), chia sẻ: “Em rất thích lớp học của cô Loan, ở đây em được học cách phòng tránh xâm hại tình dục và còn được học võ để tự vệ nữa. Bây giờ con đã biết được cách xử lý khi gặp “yêu râu xanh”, hay bị bạn gây hấn hoặc những tình huống khó khăn khác…”.
Đón con trai đang học lớp 8 sau tiết học tại lớp cô Loan, chị Nguyễn Thị Lanh (quận Hải Châu), cảm kích: “Tôi rất biết ơn cô Loan, từ khi có lớp học này, con trai tôi thay đổi rất nhiều. Ở nhà, cháu chỉnh đốn giờ giấc sinh hoạt, học tập hợp lý. Khi ra ngoài, cháu cũng để ý từ ăn mặc đến thái độ, giao tiếp hơn. Xã hội ngày càng phức tạp và phụ huynh cũng không thể kề cận và quản lý con 24/24 được, nên lớp học của cô Loan rất hữu ích. Tại đây, các cháy đã được dạy nhiều kỹ năng sống và đặc biệt là cách chống ấu dâm, xâm hại tình dục…”.
Sau phần lý thuyết, học sinh sẽ được thực hành các kỹ năng tự vệ để tránh bị xâm hại tình dục.
Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, cho biết: “Lớp học của cô Loan là rất cần thiết trong thời đại đa số học sinh tiếp cận với mạng xã hội. Các em cần người hướng dẫn để có nhận thức và kỹ năng đúng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cho nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống của cô Loan đến các trường trên địa bàn”.