Tiến sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nhưng lại quyết định trở về Việt Nam giúp bà con dân tộc miền núi làm giàu – công việc mà theo cách anh gọi là thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Với Tiến, mỗi ngày làm việc đều là 1 ngày anh quyết tâm hơn để khi được cấp quốc tịch Việt Nam, anh thấy mình xứng đáng.
Có rất nhiều người con đất Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, gần như không có dịp về thăm quê hương. Việt Nam trong họ tưởng như chỉ là khái niệm về một mảnh đất hình chữ S, thế nhưng dòng máu Việt chảy trong huyết quản lại là sợi dây liên kết bền chặt để chỉ cần 1 cơ duyên gặp gỡ thôi cũng đủ để khơi dậy trong họ tình cảm yêu mến quê hương, dân tộc sâu đậm.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến là 1 con người như vậy. Tình yêu Việt Nam nảy nở trong trái tim anh như một bản năng mà ngay anh cũng chẳng thể nghĩ đến. Anh đã quyết định ở lại Việt Nam, ở lại cội nguồn của ông bà, cha mẹ mình để sinh sống và giúp đỡ cho bà con miền núi sinh kế làm giàu. Ai đó có thể thấy kỳ lạ, nhưng anh gọi đó là trách nhiệm của mình đối với quê hương.
Tình yêu đất nước và hành trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam, nỗ lực thực hiện khát vọng giúp đỡ đồng bào của chàng trai Daniel Nguyễn Hoài Tiến đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng – Wechoice Awards của chúng tôi ngày hôm nay.
Clip: Daniel Nguyễn Hoài Tiến và hành trình trở về Việt Nam với khát vọng xây dựng quê hương, đất nước – Nguồn: Wechoice Awards
Việt Nam trong tim Tiến – nơi không cần lắng nghe vẫn có thể thấu hiểu
Daniel Nguyễn Hoài Tiến về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2008. Tại đây, chàng trai trẻ lần đầu tiên nhìn thấy bố – người đàn ông mạnh mẽ nhất trong lòng mình bật khóc. Sự xúc động của bố mẹ dành cho cội nguồn, thứ ngôn ngữ Á Đông vừa lạ vừa quen đã khiến anh chợt nhận ra vị trí thật đặc biệt của Việt Nam trong tim mình.
“Lần đầu tiên mình được về Việt Nam là năm 2008, đó là chuyến đi đầu tiên mình được về thăm quê hương của bố mẹ. Nơi đầu tiên mình đặt chân ở Việt Nam là TP.HCM, sau đó được lên thăm quê hương cũ của bố là Đà Lạt, là nơi đầu tiên mình thấy bố mình rơi nước mắt. Đó là giây phút mình sẽ nhớ mãi trong cuộc đời mình.
Mình nghe bố nói đây là một nơi mà không cần lắng nghe vẫn có thể hiểu hết mọi thứ xung quanh mình. Lúc mà mình không nói được tiếng Việt thì khái niệm quê hương không rõ, khái niệm quê hương rõ ràng hơn khi mình thấy được bố mẹ xúc động như thế nào. Lúc này mình cảm giác Việt Nam không phải chỉ là 1 nơi mình đến thăm nữa mà còn là 1 nơi mình cần có nghĩ vụ, có ràng buộc hơn” – Tiến kể về những xúc cảm đầu tiên của anh dành cho Việt Nam.
Chàng trai người Mỹ gốc Việt Daniel Nguyễn Hoài Tiến.
Tiến cùng gia đình trong lần thăm Việt Nam đầu tiên vào năm 2008.
Đã 4 năm kể từ ngày Tiến về Việt Nam sinh sống, chàng trai ấy giờ đây đã có thể nói thành thạo tiếng Việt, đi xe máy trên đường phố, ăn bún ốc vỉa hè Hà Nội… chẳng khác gì một người dân bản địa thực thụ.
Tiến hiện đang sinh sống tại Hà Nội, nói thành thạo tiếng Việt và sinh hoạt như 1 người dân bản xứ.
Anh chàng thuộc những con đường ở Hà Nội sau 4 năm gắn bó.
Còn nhớ khoảng thời gian đầu tiên khi mới về Việt Nam Tiến đã thấy tất thảy mọi hình ảnh, mọi điều xảy ra nơi đây đều dễ thương, đều đẹp đẽ. Tới giờ anh chàng lại như mọi người dân thủ đô khác thôi, chẳng còn chịu nổi cảnh chôn chân trên đường phố Hà Nội mỗi buổi chiều nữa. Tiến giải thích, chẳng phải do anh hết yêu Việt Nam, chỉ là anh đã yêu một cách đích thực hơn, sâu sắc hơn.
Hoài Tiến tâm sự: “Mấy năm đầu tiên về Việt Nam mọi thứ với mình vẫn còn mới tinh, có thể nói vẫn còn màu hồng. Kể cả việc ùn tắc hay tiếng chửi của những người bán hàng mình vẫn thấy có 1 cái đẹp đằng sau đó. Các bạn của mình có bảo chắc hẳn mình chưa phải người Việt Nam, mình hơi bị hâm, say mê quá.
Về sau mình đã nhìn ra những mặt trái, mặt phải. Không phải mình yêu Việt Nam ít hơn mà là mình yêu một cách đích thực và sâu sắc hơn“.
Tình yêu Việt Nam đối với Tiến không còn là màu hồng, nhưng đích thực và sâu sắc hơn.
Hành trình thực hiện trách nhiệm với quê hương để cảm thấy mình xứng đáng khi nhận quốc tịch Việt Nam
Thời gian ở Việt Nam không quá dài nhưng cũng chẳng phải ngắn để Daniel Nguyễn Hoài Tiến có thể nhận ra điều mình thực sự muốn làm. Từ thành phố, chàng trai trẻ ngược lên những vùng núi nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn để giúp bà con nơi đây tìm ra sinh kế làm giàu. Với sự hiểu biết, đam mê và tầm nhìn của mình, anh đã tạo ra chuỗi dây chuyền đóng gói bao bì và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mang yếu tố dân tộc và văn hóa.
Ai đó có thể e ngại con đường Tiến đi, thế nhưng với Tiến đó là cách anh thể hiện tình cảm với đất nước, làm công việc anh gọi là trách nhiệm với Việt Nam.
“Lúc có cơ hội để lên miền núi khám phá thực sự, nơi đầu tiên mình đi đó chính là Hà Tĩnh, sau đó là Lạng Sơn, Lào Cai. Khi đến bản làng của bà con dân tộc mình mới lần đầu tiên cảm giác được nông thôn Việt Nam ngày xưa là như thế nào. Lần đầu tiên mình ngủ trong nhà sàn mình đã thấy rất xúc động vì nó rất khác với nông thôn ở miền xuôi mình hiện nay là mọi nhà đều đã có nhà bê tông. Lúc đấy mình đã quyết định tạo ra 1 cơ hội dựa trên nền tảng của bà con, xây dựng nên sinh kế, tạo dựng 1 cái gì đấy bền vững cho bà con…” – Tiến chia sẻ suy nghĩ của mình khi quyết định thực hiện công việc.
Tiến quyết tâm thực hiện công việc giúp đỡ cho bà con dân tộc thiểu số.
Tiến sinh ra và lớn lên ở thành phố Canifonia (Mỹ) – nơi mà thanh niên chẳng mấy ai biết đến chuyện đồng ruộng. Thế nhưng về Việt Nam, chàng trai trẻ chẳng nề hà mà cùng người nông dân xắn tay áo, xắn ống quần lội bùn sâu trồng cấy. Bà con dân tộc thì thật thà, chất phác lắm, chẳng cần đâu câu từ mỹ miều, cứ sự nhiệt thành, mộc mạc như thế là họ yêu thương.
“Tiến là người tư vấn cho những người nông dân, ví dụ như tôi chẳng hạn. Tôi quý bác Tiến ở chỗ là tại sao 1 con người sống ở bên kia đến đây mà nó có thể sờ phân, có thể cuốc đất, có thể làm cỏ giống như người nông dân ở mình” – anh Vàng Sín Mìn, một người nông dân đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ về Tiến.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên PGĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng dành tình cảm đặc biệt cho chàng Hoài Tiến: “Tình yêu, sự đồng cảm và một ước vọng giúp cho bà con có thể cải thiện đời sống… Tất cả niềm đam mê như vậy của Tiến mới khiến cho người ta nhận ra được những điều nhiều khi nhìn mà không thấy“.
Chàng trai sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ nhưng chẳng hề nề hà bất kỳ công việc chân tay nào ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Sự nhiệt thành của Tiến nhận được tình cảm đáp trả của bà con.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến – đến giờ anh chàng vẫn chưa dám nhận mình là người Việt Nam, cũng chẳng muốn ai gọi mình là Việt kiều. Anh có muốn trở thành 1 người Việt Nam chứ, 1 người con đất Việt đúng nghĩa dưới sự công nhận của pháp luật. Tất cả những gì anh đã và đang làm là để bản thân mình cảm thấy thực sự xứng đáng khi anh chính thức được cấp quốc tịch Việt Nam.
“Mình không dám nhận mình là người Việt Nam vì mình không biết sinh ra và lớn lên ở Việt Nam như thế nào, không có bạn bè cấp 1,2,3 ở đây. Mình muốn tìm hiểu hơn, hòa nhập hơn vào đời sống ở Việt Nam.
Mình có muốn trở thành 1 người Việt Nam dưới cơ sở pháp luật, được hưởng hoặc phải chịu trách nhiệm những gì mag 1 người Việt Nam chịu trách nhiệm. Nhưng trước đấy mình muốn chính bản thân mình phải cống hiến cho quê hương, giả sử trong tương lai mình được nhập quốc tịch Việt Nam thì mình có thể là 1 người Việt Nam xứng đáng” – Hoài Tiến chia sẻ đầy chân thành.
Hành trình truyền cảm hứng – WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.
Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.